Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan thông tin về biến thể Covid - Omicron mới với mức độ nguy hiểm, độc hơn thể Delta gấp 5 lần. Theo đó, các bài đăng chia sẻ thông tin với nội dung như sau: "Biến thể Covid - Omicron mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn cũng như lẩn tránh miễn dịch từ vaccine tốt hơn so với các biến chủng hiện nay. Điểm khác biệt, gây tử vong mà không thể phát hiện được là không ho, không sốt.
Thường xảy ra các triệu chứng như: đau xương khớp, đau đầu, viêm cổ họng, viêm phổi, yếu mệt cơ thể, không thèm ăn".
Đáng chú ý, các bài viết còn cho rằng "biến thể Covid - Omicron mới độc hơn biến thể Delta gấp 5 lần nên dĩ nhiên có tỷ lệ tử vong cao hơn".
Thông tin được chia sẻ gây hoang mang dư luận. Ảnh FB.
"Thực tế điều trị thì một số bệnh nhân nhiễm biến thể Covid - Omicron mới không bị sốt hoặc bị đau, nhưng báo cáo có viêm phổi trên phim chụp X-quang. Điều này có nghĩa là virus sẽ phát tán trực tiếp đến phổi, dẫn đến suy hô hấp nhanh, do viêm cấp tính nguy hiểm đường hô hấp, với các tổn thương nặng ở phổi do virus gây ra.
Xét nghiệm test nhanh ngoáy mũi thường âm tính với biến thể Covid - Omicron mới, do vậy ngày càng có nhiều âm tính giả trong các xét nghiệm dịch mũi họng...".
Bên dưới các bài đăng, nhiều người tỏ ra hoài nghi không biết thực hư về loại biến thể này như thế nào. Thậm chí có người thể hiện sự lo lắng về đợt dịch mới.
Thông tin không có cơ sở khoa học, sai sự thật
Theo các nguồn tin quốc tế uy tín, thông tin về biến thể mới này không hề có cơ sở khoa học và hoàn toàn sai sự thật. Về các biến thể phụ mới của Omicron như JN.1 và KP.2 đều đã xuất hiện từ lâu, được các cơ quan y tế quốc tế theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng cho thấy chúng nguy hiểm hơn Delta và các biện pháp kiểm soát vẫn đang phát huy hiệu quả.
Thông tin biến thể Covid - Omicron mới độc hơn biến thể Delta gấp 5 lần là tin sai sự thật, không có cơ sở khoa học. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, cả Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ và Cục Y tế dự phòng Việt Nam chưa có bất cứ cảnh báo hay thông tin về loại biến thể Covid - Omicron như các trang mạng xã hội lan truyền.
Thông tin giả này đã từng xuất hiện vào năm 2022, thời điểm hiện tại, các đối tượng đã chia sẻ lại thông tin giả này, gây hoang mang cho người dân.
Thời điểm này, một số quốc gia trên thế giới đang bùng phát dịch cúm mùa và ca bệnh cũng có xu hướng tăng ở một số tỉnh phía Bắc, còn các tỉnh phía Nam thì cúm mùa xuất hiện quanh năm nhưng vẫn chưa ghi nhận các ca bệnh nặng đặc biệt.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Vũ Quốc Đạt, giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, COVID-19 là bệnh lưu hành, tuy nhiên hiện nay không có bằng chứng cho thấy Omicron xuất hiện, biến đổi và lan truyền chủng mới trong cộng đồng.
Theo BS Đạt, trong bối cảnh dịch bệnh hô hấp tăng nhanh, đối với trường hợp vào viện giai đoạn này chủ yếu là cúm và được xác định là cúm A, phù hợp với thời gian xuất hiện dịch cúm.
Vì vậy, vị chuyên gia này khuyến cáo, người dân không nên hoang mang, lan truyền thông tin thất thiệt chưa được kiểm chứng dẫn đến nhiều hậu quả. Điển hình là việc một số đối tượng lợi dụng các thông tin đó để bán các thuốc không rõ nguồn gốc hoặc bán các loại thực phẩm chức năng, tuyên truyền về tác dụng chữa bệnh của các sản phẩm đó. Điều này có thể dẫn đến việc người dân dễ bị lừa và thiệt hại về kinh tế.
Làm gì để bảo vệ sức khỏe trong mùa cúm?
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay, diễn biến thời tiết đặc trưng mùa Đông Xuân, khí hậu gió mùa, hanh khô, nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Để chủ động phòng chống bệnh, trong đó có bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, để ngăn ngừa bệnh cúm, người dân, nhất là những người có bệnh nền nên tiêm phòng cúm hàng năm. Vaccine ngừa cúm có khả năng bảo vệ tốt, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tiến triển nặng.
N.Mai