Cảnh ngoạn mục tại di sản UNESCO Triều Tiên

Cảnh ngoạn mục tại di sản UNESCO Triều Tiên
8 giờ trướcBài gốc
Tại kỳ họp lần thứ 221 của Hội đồng Chấp hành UNESCO diễn ra vào tháng 4, khu vực núi Paektu (Bạch Đầu) của Triều Tiên chính thức được ghi danh là Công viên địa chất toàn cầu. Ảnh: KCNA.
Việc khu vực núi Paektu được công nhận góp phần làm nổi bật hơn nữa ý nghĩa địa chất cũng như giá trị du lịch của ngọn núi thiêng này - vốn được coi là biểu tượng tinh thần và lòng tự hào của dân tộc Triều Tiên, KCNA viết. Đây cũng là thánh địa cách mạng của quốc gia này. Ảnh: KCNA.
Núi lửa Paektu được hình thành từ hoạt động kiến tạo từ cuối kỷ Đệ Tam đến đầu kỷ Đệ Tứ (khoảng hơn 2 triệu năm trước), nhiều lớp dung nham bazan phun trào, tạo nên cao nguyên dung nham Peaktu. Sau đó, núi phát triển thành núi lửa dạng tầng, với nhiều đợt phun trào dung nham trachyte, phonolite và rhyolite - tạo nên kết cấu đá phức hợp. Ảnh: KCNA.
Trên đỉnh là một miệng núi lửa lớn hình thành sau vụ phun trào dữ dội khoảng 1.000 năm trước, khiến phần đỉnh bị sụp xuống tạo thành một hõm lớn. Nước mưa và tuyết tan tích tụ trong hõm này tạo nên hồ Thiên Trì - một trong những điểm nổi bật nhất của núi Paektu. Ảnh: KCNA.
Phần chính của núi Paektu - thường được gọi là "thân núi" - là vùng núi cao rõ rệt, tách biệt hoàn toàn với vùng đồng bằng thấp xung quanh. Khu vực này kéo dài từ chân núi đến đỉnh, nơi hội tụ đầy đủ đặc điểm địa hình đặc trưng của núi Paektu. Ảnh: KCNA.
Thân núi Paektu có độ cao trung bình khoảng 2.750 m so với mực nước biển, và cao hơn mặt nước hồ Thiên Trì khoảng 560 m. Ảnh: KCNA.
Hồ Thiên Trì được bao bọc bởi những đỉnh núi như Janggunbong (Trường Quân Phong), Hyangdobong (Hướng Đạo Phong), Haebalbong (Hải Phát Phong), Danggyeolbong (Đoàn Kết Phong), Jebibong (Tử Vi Phong), Ragwonbong (Lạc Viên Phong) và Ssangmujigaebong (Song Vũ Cầu Phong). Các đỉnh núi này chính là phần còn lại của miệng núi lửa, tỏa tròn với tâm là hồ Thiên Trì. Ảnh: wutai1008.
Núi lửa Paektu là một trong những núi lửa phức hợp lớn và hiếm trên thế giới còn giữ được trạng thái gần như nguyên vẹn. Đây là khu vực nghiên cứu có giá trị khoa học cao về núi lửa, nơi có thể quan sát đầy đủ các loại đá núi lửa và lớp địa tầng được hình thành từ nhiều giai đoạn phun trào khác nhau. Ảnh: KCNA.
Hoàng Linh
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/canh-ngoan-muc-tai-o-di-san-unesco-trieu-tien-post1568034.html