Chị Ka Nhuyền, dân số viên của Trạm y tế xã Gia Bắc (huyện Di Linh) tuyên truyền hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ trên địa bàn
• ĐỘI NGŨ CTVDS TINH GỌN, CHUYÊN NGHIỆP, HIỆU QUẢ
Trước năm 2021, các văn bản hướng dẫn thực hiện số lượng và mức chi CTVDS đến thời điểm 31/12/2020 đã hết hiệu lực. Các mức chi là 50.000 đồng, 100.000 đồng và 150.000 đồng/người/tháng rất thấp so với nhiệm vụ của CTVDS nên không phát huy được hiệu quả và sự cống hiến của họ. Mặt khác, trước năm 2021, mỗi CTVDS chỉ phụ trách từ 150 - 250 hộ dân (có những thôn có 2 đến 3 cộng tác viên dân số). Đến khi thực hiện Thông tư số 02/2021/TT-BYT ngày 25/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ của CTVDS và Quyết định số 22/2022/QĐ-UBND ngày 28/02/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định số lượng, quy trình xét chọn, hợp đồng trách nhiệm đối với CTVDS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, toàn tỉnh có 1.376 CTVDS, giảm 1.140 người so với năm 2021 trở về trước (cộng tác viên dân số năm 2021 có 2.516 người).
Như vậy, thực hiện Thông tư số 02/2021/TT-BYT và Quyết định số 22/2022/QĐ-UBND, đội ngũ CTVDS được tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; tháng có số người làm CTVDS cao nhất là 1.364 người; tháng có số người làm cộng tác viên thấp nhất là 1.357 người.
Mức bồi dưỡng cho CTVDS theo hệ số được thực hiện tại Nghị quyết số 105/2022/NQ-HĐND ngày 8/7/2022 quy định mức chi bồi dưỡng hằng tháng đối với CTVDS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và Nghị quyết số 199/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 sửa đổi Điều 2 của Nghị quyết số 105/2022/NQ-HĐND ngày 8/7/2022 của HĐND tỉnh Lâm Đồng quy định mức chi bồi dưỡng hằng tháng đối với CTVDS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã góp phần ổn định đội ngũ làm CTVDS, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ CTVDS ở thôn, tổ dân phố. Đồng thời, khi có thay đổi về mức lương cơ sở, người làm CTVDS cũng được áp dụng, đó là chính sách nhằm khuyến khích, động viên họ gắn bó lâu dài với công việc và nhiệm vụ được giao. Giai đoạn tháng 7/2022 đến tháng 7/2023 mức chi hàng tháng cao nhất gần 500 triệu đồng cho đội ngũ CTVDS trong toàn tỉnh. Giai đoạn tháng 8/2023 đến tháng 4/2024 mức chi hàng tháng cao nhất là 907 triệu đồng cho đội ngũ này.
Theo đánh giá của Sở Y tế Lâm Đồng, CTVDS có vai trò như là những “cánh tay nối dài” của ngành Y tế, đội ngũ này thực hiện tuyên truyền, vận động, tư vấn về KHHGĐ, dân số và phát triển, cung cấp bao cao su, thuốc uống tránh thai đến từng hộ gia đình, hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu; theo dõi, cập nhật, kiểm tra việc duy trì thực hiện các nội dung về dân số của các hộ gia đình tại địa bàn quản lý; phối hợp với các tổ chức trên địa bàn triển khai các hoạt động quản lý và vận động tới từng gia đình; thu thập số liệu, lập báo cáo tháng về dân số theo quy định hiện hành; lập các sơ đồ và biểu đồ, quản lý sổ hộ gia đình về dân số tại địa bàn quản lý. Vì vậy, Sở Y tế cùng các đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng và củng cố số lượng và chất lượng người làm CTVDS trong những năm tiếp theo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về công tác dân số trong tình hình mới.
• CHÍNH SÁCH MỚI
Ngày 4/10/2024, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết 335/2024/NQ-HĐND quy định mức chi bồi dưỡng hằng tháng cho CTVDS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, có hiệu lực thi hành từ ngày 14/10/2024. Đối tượng áp dụng bao gồm: CTVDS của thôn, tổ dân phố thuộc xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chi trả bồi dưỡng cho CTVDS theo quy định tại Nghị quyết này.
Theo đó, đối với CTVDS tại thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên và tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên, mức chi bồi dưỡng hằng tháng bằng 0,4 lần mức lương cơ sở/người/tháng. Đối với CTVDS tại thôn, tổ dân phố còn lại, mức chi bồi dưỡng hằng tháng bằng 0,3 lần mức lương cơ sở/người/tháng. Mức chi này được áp dụng từ ngày 1/11/2024. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.
AN NHIÊN