Sau ngày giải phóng, bên cạnh những thuận lợi, hàng loạt yêu cầu nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng cần khẩn trương tập trung thực hiện, đó là: khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; củng cố các tổ chức cơ sở đảng, lực lượng vũ trang; ổn định đời sống nhân dân, xây dựng hậu phương vững chắc đáp ứng cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng của dân tộc, giai đoạn 1951 - 1954.
Tháng 12/1950, hội nghị cán bộ toàn tỉnh họp đánh giá kiểm điểm tình hình và đề ra nhiệm vụ “Trọng tâm nhằm vào việc phục hồi kinh tế vừng mới giải phóng, cải thiện dân sinh và củng cố các cơ sở đảng, chính quyền, xây dựng Cao Bằng thành một tỉnh căn cứ địa vững mạnh”. Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng tạo điều kiện giúp đỡ nông dân về vốn, giống, phương tiện và kỹ thuật canh tác. Tập trung vào việc khai khẩn đất hoang, vận động bà con giúp đỡ nhau trồng thêm ngô, khoai sắn, cấy thêm vụ lúa chiêm, tổ chức vần công trong sản xuất. Đồng thời khuyến khích người dân khai thác lâm thổ sản để kịp thời chống đói. Nhờ những biện pháp cụ thể thiết thực, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Hơn nữa, việc hỗ trợ vùng mới giải phóng về trâu, bò cày kéo vẫn được tiến hành có hiệu quả, số thanh niên xuất thân từ nông thôn tham gia bộ đội khoảng 3 vạn người, nhưng hoạt động tăng gia sản xuất vẫn đảm bảo. Từ năm 1952, chính sách sản xuất và thực hành tiết kiệm của Chính phủ được ban hành, nhân dân nô nức học tập và phấn khởi thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm. Trong những năm 1953 - 1954, hoạt động sản xuất nông nghiệp càng được đẩy mạnh hơn. Hầu hết các huyện trong tỉnh sản lượng lúa, ngô thu hoạch năm sau cao hơn năm trước. Riêng huyện Phục Hòa, năm 1953 thu được 390.970 kg thóc, năm 1954 thu được 397.161 kg thóc. Tính chung, trong 5 năm (1951 - 1955) toàn tỉnh thu được số thóc là 31.323.750 tấn. Đồng thời, bà con chấp hành tốt về sắc lệnh thuế nông nghiệp ngày 1/5/1951 của Chính phủ ban hành, nhằm khuyến khích sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Năm 1952, mức thuế nông nghiệp của Liên khu Việt Bắc giao cho Cao Bằng là 4.000 tấn quy thóc, Cao Bằng đã thực hiện đạt 58%; năm 1954, toàn tỉnh đóng thuế đạt và vượt chỉ tiêu Liên khu giao 109%. Nhiều đơn vị hoàn thành nộp thuế trước thời hạn.
Về thương mại, chủ yếu tập trung ở khu phố Nước Hai và thị xã Cao Bằng. Tại Nước Hai có 48 cơ sở tạp hóa, 20 cửa hàng giải khát, làm giày dép; Thị xã có 14 cơ sở tạp hóa với 32 cửa hàng tạp hóa và buôn tạp hóa. Cả hai nơi đều có bán các mặt hàng thiết yếu: vải, muối, giấy, bút, sách, vở… Nhìn chung các cơ sở thương mại được duy trì, nhưng còn rất nhỏ lẻ, cốt yếu chỉ để phục vụ đời sống hằng ngày của nhân dân địa phương, giảm bớt khó khăn cho tỉnh. Từ những năm 1952 - 1954, thương mại của tỉnh được phát triển mở rộng. Số người xin giấy phép buôn chuyến không ngừng tăng. Hàng hóa vùng giải phóng phong phú, đa dạng, tổng giá trị vải và hàng bách hóa của Nước Hai trong tháng 9/1954 đã tăng 3,5 lần so với tháng 5/1954; cũng trong khoảng thời gian đó, Nguyên Bình tăng 8 lần. Công tác bình ổn giá cả được tỉnh quan tâm và thu được kết quả nhất định, một số hàng hóa trên thị trường giảm giá từ 10 - 40%. Trong 6 tháng đầu năm 1954, tổng số hàng xuất khẩu đạt trị giá 70.788.764 đồng. Hưởng ứng chủ trương phát hành công trái kháng chiến của Chính phủ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng mua công trái kháng chiến trị giá 1.300 tấn thóc, 88.180.140 đồng và cho Chính phủ vay 1.435 tấn thóc. Nhiều gia đình ở các huyện Trùng Khánh, Hòa An, Hà Quảng còn mua trái phiếu với giá trị cao hơn. Nhờ đó đã góp phần giảm bớt những khó khăn trước mắt về tài chính phục vụ cho kháng chiến.
Đối với tiểu thủ công nghiệp, bước đầu mới khôi phục được các mặt hàng từ nghề rèn, dệt vải, nhuộm, thuộc da, sản xuất thuốc lá, sửa chữa xe đạp, đồng hồ… nhằm phục vụ đời sống tại chỗ cho nhân dân. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh xác định việc phát triển các nghề này là rất cần thiết. Từ năm 1952 - 1954, tiểu thủ công nghiệp dần được phục hồi, trong đó có nghề chế biến thực phẩm, làm đường ép mía, nghề dệt vải khổ rộng, đúc lưỡi cày, rèn dao, cuốc, làm giấy bản, dệt chiếu cót, chiếu nan được phát triển hơn cả.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị bộ đội và du kích đã tham gia Chiến dịch Biên giới đóng quân ở huyện Phục Hòa, Cao Bằng (3/1951). Ảnh: T.L.
Trong giao thông vận tải, tỉnh chỉ đạo ngành khắc phục hậu quả các tuyến đường quốc lộ do bị phá hủy nhiều trong chiến dịch Thu - Đông và Chiến dịch Biên giới. Năm 1951, công việc đào đắp, mở rộng mặt đường đạt 94%, xây kè đá đạt 104%, toàn bộ chiến dịch sửa chữa cầu đường đạt 97% kế hoạch và đóng thêm 3 phà mới. Đầu năm 1951, Trung ương giao Cao Bằng sản xuất 200.000 thanh gỗ tà vẹt để làm đường xe lửa từ Nam Ninh đến Hữu Nghị Quan. Đây là nhiệm vụ quan trọng, là chiến dịch đột xuất của tỉnh. Tính đến tháng 11/1951, toàn tỉnh huy động được 662.047 ngày công, sản xuất 121,421 thanh tà vẹt. Trong chiến dịch này, chị Triệu Thị Soi đã vác tà vẹt nặng gấp 4 lần so với chị em khác, chị được bầu là chiến sĩ thi đua toàn quốc và được Bác Hồ gửi thư khen. Tháng 3/1951, công trường gỗ tà vẹt Phục Hòa vinh dự được Bác Hồ đến thăm và tặng cờ thi đua khá nhất. Cùng với việc sửa chữa các đoạn đường quốc lộ, tỉnh lộ bị phá hủy, tỉnh mở thêm các tuyến đường nhánh tạo điều kiện cho nhân dân đi lại và lưu thông hàng hóa thuận lợi, như các tuyến: Quảng Uyên - Hạ Lang, Mã Phục - Trà Lĩnh, Nguyên Bình - Bảo Lạc và nâng cấp các tuyến đường Trà Lĩnh - Trùng Khánh, Trùng Khánh - Pò Tấu - Bằng Ca. Tính đến năm 1954, Cao Bằng có 228 xe đạp, 120 ngựa thồ, 120 xe ngựa. Lực lượng vận tải này đã vận chuyển 1.200 tấn thóc về Bắc Kạn và 837 tấn thóc cho bộ đội đóng quân trên địa bàn tỉnh. Nhờ những chủ trương đúng đắn kịp thời của Đảng bộ, Ủy ban hành chính tỉnh, công tác giao thông vận tải được củng cố, phát triển thiết thực phục vụ kháng chiến, ổn định đời sống nhân dân.
Về giáo dục, sự phát triển các cấp học có chuyển biến tiến bộ rõ rệt. Năm 1952: cấp I có 85 trường, 248 lớp, 8.954 học sinh; kết quả này đã tăng 3 trường, 36 lớp và 883 học sinh so với năm 1951. Cấp II có 4 trường, 11 lớp, 508 học sinh, tăng 1 trường, 5 lớp, 217 học sinh so với năm 1951. Đến năm 1952, đã có 5o% dân số biết chữ, bằng 71.862 người.
Đến năm 1953, toàn tỉnh đã có 164 lớp sơ cấp bổ túc văn hóa cho đối tượng cán bộ xã với 3.771 học viên; trong đó, huyện Hòa An đã tổ chức được 74 lớp cho 1.333 cán bộ và nhân dân theo học. Giáo dục phổ thông cấp I có 320 lớp với 192 giáo viên, 11.117 học sinh; cấp II có 18 lớp với 837 học sinh. Số học sinh này đã có cả con em các dân tộc vùng cao. Đội ngũ giáo viên luôn được quan tâm bổ sung về các trường phổ thông. Năm 1954, ngánh giáo dục của tỉnh đã có 212 giáo viên cấp I và cấp II, chưa tính đội ngũ giáo viên bổ túc văn hóa của các ngành khác kiêm nhiệm; số học sinh đạt 11.954 em, với tỷ lệ 20 người dân có 1 người đi học. Sự nghiệp giáo dục của tỉnh trong những năm 1951 đến 1954 có bước phát triển khá nhanh trên phạm vi toàn tỉnh.
Công tác y tế luôn được tỉnh chú trọng nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sau ngày giải phóng, đội ngũ thầy thuốc và chất lượng khám chữa bệnh tăng lên từng năm. Tính đến 6 tháng đầu năm 1954, ngành y tế đào tạo được 52 y tá và nữ hộ sinh; cấp huyện đào tạo được 58 chiến sĩ vệ sinh, có 20 xã lập được tủ thuốc y tế. Ty Y tế tỉnh tổ chức nhiều đoàn cán bộ thầy thuốc đến cơ sở địa phương hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch bệnh tả, bướu cổ, sốt rét. Trong năm 1954, tổ chức chủng đậu cho 138.795 người, chiếm 60% dân số. Những cố gắng đó đã góp phần đảm bảo sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân.
Nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang được Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh đặt lên hàng đầu. Sau chiến dịch Biên giới, thực dân Pháp tung gián điệp, biệt kích móc nối với bọn việt gian, thổ phỉ, đặc vụ Quốc dân đảng, nhằm phá hoại thành quả cách mạng, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây khó khăn cho hậu phương của ta. Chúng liên tiếp cho máy bay bắn phá các trọng điểm quan trọng ở thị xã Cao Bằng, đường, kho tàng, cơ sở sản xuất… Trước âm mưu và hành động phá hoại của địch, tỉnh phối hợp với lực lượng vũ trang dọc biên giới tiêu diệt bọn thổ phỉ, phản động khu vực Hà Giang, Bảo Lạc. Đồng thời, thành lập các trạm cảnh báo máy bay cho các trận địa của ta. Ngày 28/4/1951, Đại đội phòng không 372 đã bắn rơi chiếc máy bay Hen cát chở trung tướng Héc tơ man, tư lệnh không quân của Pháp đi kiểm tra phòng tuyến Đông Bắc rơi xuống khu vực sân bay Nà Cạn; buộc Chính phủ Pháp phải điều đình thương thuyết với Chính phủ ta để nhận xác tên tướng đó. Năm 1952, bộ đội địa phương tỉnh phối hợp với quân, dân tỉnh Hà Giang tiêu diệt địch nhảy dù xuống Mèo Vạc. Trong quá trình chiến đấu, lực lượng vũ trang của tỉnh luôn được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chỉ huy, luôn cảnh giác, sẵn sàng chống lại âm mưu thủ đoạn của địch. Tăng cường công tác phát triển đảng viên trong lực lượng vũ trang. Năm 1952, Cao Bằng bổ sung cho bộ đội chủ lực 575 cán bộ, chiến sĩ đã từng tôi luyện, trưởng thành trong công tác quân sự và thực tế chiến đấu.
Với tất cả những cố gắng nỗ lực nêu trên, quân và dân ta đã xây dựng Cao Bằng thành hậu phương vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của dân tộc, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi trong cuộc tổng tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953 - 1954.
Bài 9: Góp phần chi viện cho cuộc tổng tiến công chiến lược đông xuân 1953 - 1954, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Lê Chí Thanh