Người dân thôn Bắc Đông II, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc tham gia lớp học nghề tiếng Trung Quốc giao tiếp tại nhà văn hóa thôn
Gần 2 tháng nay, từ 18 giờ đến 22 giờ hằng ngày, 18 học viên là người dân trong thôn Bắc Đông II, xã Gia Cát lại có mặt đầy đủ tại nhà văn hóa thôn để tham gia lớp học tiếng Trung Quốc giao tiếp. Lớp học do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện tổ chức. Được biết năm 2024 là năm đầu tiên nội dung này được đưa vào chương trình đào tạo nghề cho LĐNT. Chị Hà Thị Hường, học viên của lớp chia sẻ: Qua khóa học tôi đã có kiến thức cơ bản về tiếng Trung Quốc, có thể giao tiếp được những câu đơn giản, từ đó phục vụ cho công việc, cuộc sống hằng ngày. Tôi thấy lớp học rất ý nghĩa, đặc biệt đối với người dân ở huyện biên giới như chúng tôi.
Trên đây chỉ là một lớp đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện Cao Lộc. Toàn huyện có 22 xã, thị trấn, dân số trên 83.200 người, trong đó lực lượng lao động của huyện dồi dào, với trên 65.000 người từ 15 tuổi trở lên. Ông Hứa Văn Thư, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh - Xã hội và Dân tộc huyện Cao Lộc cho biết: Hằng năm, căn cứ các văn bản của trung ương, tỉnh, chỉ tiêu cấp trên giao, tình hình thực tế của huyện, chúng tôi tham mưu cấp trên ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện tốt công tác dạy nghề cho LĐNT. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật...
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 77 ngày 17/3/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn huyện, từ năm 2019 đến nay, UBND huyện ban hành 18 kế hoạch chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác dạy nghề cho LĐNT và thực hiện các chỉ tiêu về lao động, việc làm trên địa bàn huyện; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức 5 lớp truyền thông và tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 800 lượt cán bộ thôn, tổ dân phố về các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, dạy nghề; tổ chức 24 hội nghị tuyên truyền, giới thiệu, tư vấn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho hơn 1.200 người lao động; phát 36.000 tờ rơi tuyên truyền...
Từ năm 2019 đến nay, công tác đào tạo nghề cho LĐNT của huyện luôn đạt và vượt chỉ tiêu hằng năm đề ra, toàn huyện tổ chức được trên 150 lớp cho hơn 5.000 LĐNT tham gia. Các ngành nghề được đào tạo gồm: kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật ghép cây, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp, tiếng Trung Quốc... Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện, sau khi tốt nghiệp các lớp nghề thì có trên 80% học viên có việc làm hoặc tự tạo được việc làm.
Bà Nguyễn Thu Hương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm GDNN - GDTX huyện cho biết: Trung tâm thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát nhu cầu học nghề của người dân; liên kết để đảm bảo đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên dạy nghề; chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp đào tạo,... Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi mở được 26 lớp đào tạo nghề cho LĐNT với trên 600 học viên tham gia.
Ông Phùng Chí Định, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định: Hai năm gần đây, Cao Lộc là huyện đứng đầu trong tỉnh về công tác đào tạo nghề dưới 3 tháng cho LĐNT. Trong đó, huyện đã có nhiều cách làm thiết thực, đổi mới trong công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân. Qua đó, nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Bằng các giải pháp thiết thực, chất lượng công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện Cao Lộc ngày càng được nâng cao, từ đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện từ 53% vào năm 2019 đến thời điểm hiện nay là 67,4% (cao hơn tỷ lệ chung của toàn tỉnh 3,4%). Công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã giúp cho người lao động nâng cao kiến thức, kỹ năng, từ đó nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện, năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện dự ước giảm còn gần 3% (giảm 2,27% so với năm 2023).
DƯƠNG DUYÊN