Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Sông Mã tuyên truyền cho học sinh các quy định của pháp luật về lao động trẻ em.
Tại xã Chiềng Khoong cả xã hiện có trên 2.500 trẻ từ 0-16 tuổi, thời gian qua, trên địa bàn xã không có trường hợp để trẻ làm công việc nặng, nguy hiểm, không có trẻ em phải bỏ học, vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội. Kết quả này có được chính là xã luôn chú trọng tuyên truyền đến nhân dân về các nội dung cơ bản của Luật Trẻ em; những tác hại khi để trẻ em làm việc không đúng độ tuổi... Đặc biệt là các gia đình trong xã luôn quan tâm cho con em học tập, tạo môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh, thuận lợi cho trẻ được phát triển toàn diện.
Giảm thiểu tình trạng trẻ em lao động trái pháp luật, Những năm qua, huyện Sông Mã đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng ngừa lao động trẻ em tại các doanh nghiệp, hợp tác xã; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, cuộc họp xã, bản, tổ chức đoàn thể; tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp không sử dụng lao động chưa thành niên trái quy định cho các đơn vị, doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã, hộ gia đình.
Bà Trần Thị Kim Xuân, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Hằng năm, phòng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động; an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có điều kiện; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tính từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng, đoàn thể ở huyện đã phối hợp tổ chức 63 buổi tuyên truyền pháp luật, phòng chống các loại tội phạm, lồng ghép tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nâng cao năng lực phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật cho hơn 5.000 lượt người. Tổ chức 23 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; phát trên 1.500 tờ rơi về phòng, chống xâm hại trẻ chưa thành niên, ngăn ngừa lao động trẻ em trái quy định pháp luật tại các trường học, với gần 20.000 học sinh và giáo viên tham gia.
Nói về việc không để học sinh bỏ học để lao động trái với quy định của pháp luật, ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: Hằng năm, phòng chỉ đạo 50 trường học trực thuộc tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Tăng cường quản lý, nắm tình hình, theo dõi học sinh trong nhà trường; hỗ trợ trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em. Duy trì các câu lạc bộ “Quyền tham gia của trẻ em” tại các trường học, nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về công tác phòng ngừa lao động trẻ em.
Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng đảm bảo quyền học tập của trẻ em; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi và chất lượng giáo dục được nâng lên, góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em đi lao động trái pháp luật. Thực hiện tốt chính sách bán trú cho học sinh phổ thông, học sinh mẫu giáo vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ em đến lớp được duy trì; quy mô trường lớp tiếp tục được mở rộng, chất lượng giáo dục và trình độ dân trí từng bước được nâng lên. Các cấp, ngành, các địa phương, đơn vị còn tổ chức các diễn đàn, lắng nghe tiếng nói và nguyện vọng của trẻ em để có sự quan tâm phù hợp.
Với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện Sông Mã, tin rằng những trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em sẽ được phát hiện, can thiệp và hỗ trợ kịp thời để có cơ hội phát triển.
Nguyễn Thư