Cao tốc Bắc - Nam sẽ được điều hành bằng hệ thống giao thông thông minh

Cao tốc Bắc - Nam sẽ được điều hành bằng hệ thống giao thông thông minh
7 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Mới đây, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông khi đưa vào khai thác sẽ được quản lý, điều hành bằng hệ thống giao thông thông minh (ITS) trong năm 2025.
Được biết, hiện nay, hệ thống giao thông thông minh đã được đầu tư trên 7 tuyến đường cao tốc bao gồm Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ngoài ra, các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng đang được đầu tư hệ thống ITS.
Về tình hình triển khai hệ thống này trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đối với các dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) như Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm -Vĩnh Hảo, hệ thống ITS và các trạm thu phí đã có trong hợp đồng dự án và đã được các nhà đầu tư triển khai thực hiện.
Còn với các dự án thành phần đầu tư công, Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện các thủ tục phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh đối với 5 dự án thành phần gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư điều chỉnh, bổ sung hồ sơ thiết kế và dự toán bước thiết kế sau thiết kế cơ sở đối với 5 dự án thành phần trên để triển khai xây dựng, lắp đặt thiết bị, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2025.
Với các dự án thành phần thuộc cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn, dự kiến hệ thống ITS sẽ hoàn thành đồng thời với giai đoạn mở rộng. Bên cạnh đó, Cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến triển khai cùng với đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ vào tháng 12/2025.
Với cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện các thủ tục phê duyệt hồ sơ thiết kế cơ sở các dự án thành phần và chỉ đạo các chủ đầu tư tổ chức lập hồ sơ thiết kế và dự toán bước thiết kế sau thiết kế cơ sở để triển khai xây dựng, lắp đặt thiết bị, dự kiến hoàn thành hệ thống ITS và các trạm thu phí đồng thời với tuyến đường bộ cao tốc khi đưa vào khai thác trong năm 2025.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi Số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định giao thông là lĩnh vực ưu tiên Chuyển đổi Số với định hướng phát triển hệ thống ITS, tập trung vào giao thông đô thị, đường cao tốc, quốc lộ.
Trong đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ” được Thủ tướng cũng phê duyệt, có nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025 có 100% các tuyến đường cao tốc được quản lý, điều hành giao thông ITS.
Tại đề án “Định hướng trong đầu tư, vận hành khai thác hệ thống ITS và kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ cao tốc", Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra lộ trình nghiên cứu mô hình tổng thể quản lý, vận hành khai thác và bảo trì hệ thống ITS. Đồng thời, đề xuất lộ trình triển khai phù hợp với điều kiện Việt Nam và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị.
Hệ thống ITS là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ để liên kết con người, hệ thống đường giao thông và các phương tiện đang lưu thông. Qua đó, phục vụ cho việc ra quyết định của người tham gia giao thông, cơ quan quản lý giao thông, góp phần giảm tai nạn, ùn tắc giao thông.
Hệ thống ITS bao gồm: bảng điện tử, camera giám sát tự động cung cấp thông tin về tình trạng tuyến đường, mật độ xe, sự cố… giúp lái xe kịp thời nắm bắt. Khi sự cố hoặc tai nạn xảy ra, trung tâm xử lý dữ liệu có thể phát hiện và điều phối kịp thời lực lượng cứu hộ đến hiện trường.
Đồng thời đưa ra cảnh báo đảm bảo an toàn đối với các tài xế nội tuyến và liên tuyến. Cung cấp hình ảnh cho cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm giao thông trên cao tốc.
Đan Tiên
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/cao-toc-bac-nam-se-duoc-dieu-hanh-bang-he-thong-giao-thong-thong-minh.htm