Cao tốc đường sắt Bắc - Nam nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới

Cao tốc đường sắt Bắc - Nam nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới
2 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh cuôc họp. Ảnh: MPI
Ngày 14/10, tại Hà Nội, Hội đồng Thẩm định Nhà nước đã tổ chức họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp.
Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương là thành viên Hội đồng.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được trình bày tại phiên họp, Dự án nhằm hiện thực hóa các các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch; tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc Nam tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Trên cơ sở quy hoạch, kết quả nghiên cứu của Tư vấn, Bộ GTVT đề xuất phạm vi đầu tư Dự án có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi, TP. Hà Nội; điểm cuối tại ga Thủ Thiêm, TP.HCM. Tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.
Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.
Dự án sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 10.827ha; hình thức đầu tư Dự án là đầu tư công; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.594 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD). Nguồn vốn đầu tư Dự án là nguồn vốn từ ngân sách Trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp...
Bộ GTVT đề xuất lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trong năm 2025-2026; khởi công cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến trong năm 2035.
Ảnh minh họa: ST
Tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước - cho biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
"Đây là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới nên cần các Bộ, ngành quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để triển khai thực hiện" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo đó, cần đổi mới cách nghĩ, cách làm với quan điểm: Hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ người, rõ tiến độ, rõ thời gian, rõ kết quả, sản phẩm; huy động mọi nguồn lực, trong đó yếu tố nguồn lực con người là quyết định, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; không nóng vội, không cầu toàn; với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi; công tác chuẩn bị phải chặt chẽ, kỹ lưỡng nhưng khi thực hiện phải nhanh, hiệu quả.
Theo Chủ tịch Hội đồng Thẩm định, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương thực hiện Dự án tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Nhấn mạnh đây là tiến độ rất gấp, nhất là trong bối cảnh công trình có quy mô lớn, phức tạp về công nghệ, chưa từng có tiền lệ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên Hội đồng cho ý kiến trách nhiệm, đảm bảo khách quan, cụ thể, sát yêu cầu thuộc khâu thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trong đó tập trung vào các nội dung như dự báo nhu cầu vận tải; giải pháp kỹ thuật chính như hướng tuyến, tốc độ, quy mô nhà ga; tổng mức đầu tư; phương án đầu tư, hiệu quả dự án; nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án; các cơ chế, chính sách đặc thù…
Bộ GTVT, tư vấn lập dự án và các đơn vị liên quan phải xác định đầy đủ các yếu tố rủi ro và xây dựng các giải pháp xử lý nhằm đảm bảo tính khả thi về tiến độ theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các Bộ, ngành, Thường trực Chính phủ và ý kiến của Hội đồng Thẩm định Nhà nước. Đối với những nội dung không tiếp thu phải giải trình đầy đủ, chặt chẽ để thuyết phục được Hội đồng Thẩm định Nhà nước, các cấp có thẩm quyền thông qua.../.
Tại Thông báo số 458/TB-VPCP, Thường trực Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải bám sát chủ trương đầu tư toàn tuyến với tốc độ thiết kế 350km/h đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua để tính toán, thiết kế phương án kĩ thuật phù hợp, khả thi, hiệu quả.
Theo đó, về hướng tuyến phải nghiên cứu thẳng nhất có thể nhằm giảm chi phí, bảo đảm tốc độ khai thác, tạo ra không gian phát triển mới, tiết kiệm chi phí; tránh các khu dân cư, đô thị lớn nhưng phải có phương án kết nối phù hợp; thuận tiện để kết nối ngắn nhất đến sân bay, cảng biển lớn; bảo đảm thuận tiện liên kết hành lang Đông - Tây và kết nối với các tuyến đường sắt Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Đối với các ga phải tính toán, xác định diện tích đủ lớn phù hợp, bảo đảm tầm nhìn chiến lược lâu dài để phát triển đầy đủ dịch vụ, hiện đại, khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực đất đai và không gian phát triển mới.
M. THÚY
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/cao-toc-duong-sat-bac-nam-nang-tam-vi-the-co-do-cua-quoc-gia-trong-ky-nguyen-moi-35516.html