Theo VEC - đơn vị chủ đầu tư và khai thác tuyến cao tốc này, việc điều chỉnh giá nằm trong lộ trình tài chính đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt từ trước. Dự án đi vào khai thác từ năm 2014, đến nay đã bước vào chu kỳ điều chỉnh giá tiếp theo sau nhiều năm duy trì ổn định.
Trước đó, ngày 29/12/2023, Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã có Văn bản số 15242/BGTVT-CĐCTVN đồng thuận với việc điều chỉnh giá dịch vụ trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý. Tuy nhiên, do vướng giới hạn trần giá tại Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT, mức tăng của tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khi đó chỉ được phép áp dụng ở mức 5%.
Bước ngoặt quan trọng đến vào ngày 13/11/2024, khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 32/2024/TT-BGTVT thay thế Thông tư 28/2021, chính thức gỡ bỏ quy định về mức giá trần đối với dịch vụ sử dụng đường cao tốc. Từ thời điểm này, mức giá tối đa không còn bị bó buộc, mà được xác định trên nguyên tắc và căn cứ pháp lý tại Điều 22 của Luật Giá 2023, vốn cũng không quy định mức trần như luật cũ.
Căn cứ vào các thay đổi pháp lý nói trên, cùng với phương án tài chính đã được phê duyệt, trong đó quy định rõ lộ trình điều chỉnh giá 3 năm/lần với mức tăng 12%. VEC cho biết sẽ triển khai tăng mức phí sử dụng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ 2.100 đồng/km lên 2.240 đồng/km đối với xe tiêu chuẩn, tức tăng 7%. Mức giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Các phương tiện chịu phí được phân loại cụ thể theo Nghị định 130/2024/NĐ-CP ngày 10/10/2024 của Chính phủ, quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý trực tiếp.
Lãnh đạo VEC cho biết việc điều chỉnh giá lần này là cần thiết để cân đối tài chính dự án, bảo đảm khả năng hoàn vốn và trả nợ vay đúng hạn, nhất là trong bối cảnh chi phí bảo trì, vận hành và áp lực lãi vay ngày càng tăng. VEC cam kết sẽ công khai thông tin điều chỉnh và thời điểm áp dụng mức giá mới trước khi chính thức triển khai.
Sơn Hưng