Cặp vợ chồng gom đồ cũ để tái chế rồi... đem cho

Cặp vợ chồng gom đồ cũ để tái chế rồi... đem cho
2 ngày trướcBài gốc
Vợ chồng Nguyễn Trung Nghĩa và Phan Thị Ngọc Anh tham gia sự kiện thời trang bền vững
Từ câu chuyện "bao đồng"…
Nguyễn Trung Nghĩa và bà xã, Phan Thị Ngọc Anh bằng tuổi nhau - thế hệ 8X, ngụ tại thành phố Thủ Đức, TPHCM.
Trong một lần, Ngọc Anh đọc được thông tin có nhóm làm thiện nguyện cần quần áo cũ nên đã dọn dẹp nhà cửa, gom được mấy bịch đồ cũ nhờ ông xã mang tới địa chỉ được đăng tải.
"Nhưng khi tôi mang tới, họ lại không nhận vì chưa gần tới đợt đi thiện nguyện, tôi lại phải mang mấy bịch đồ về nhà. Tôi đăng lên trang cá nhân, có người nhắn xin nhưng lại không tới lấy. Mấy bịch này cứ nằm trong góc nhà, không biết phải làm gì.
Vậy là tôi nghĩ, có lẽ nên viết một trang nào đó, trên nền tảng online để phục vụ việc cho - nhận đồ đã qua sử dụng", Nghĩa kể về câu chuyện đầu tiên mà vợ chồng cậu cùng "chạm tay" tới cái duyên của công việc "bao đồng" này.
Thời gian đầu, vợ chồng Nghĩa - Ngọc Anh trực tiếp làm việc phân loại đồ cũ. Đồ cũ không chỉ bao gồm quần áo mà còn nhiều đồ đạc khác phục vụ sinh hoạt gia đình: quần áo, túi xách, giày dép, phụ kiện, chăn, ga, gối nệm…
Thấy cặp vợ chồng vừa đi làm (Nghĩa làm trong một công ty phần mềm, còn Ngọc Anh thì làm trong một ngân hàng), vừa tất bật trong việc nhận đồ, soạn đồ, cho đồ, có chị bạn đã cùng phụ một tay hỗ trợ. Ngoài giờ đi làm, Nghĩa tất bật chạy tới tận nơi để nhận các đồ cũ mà người ta đã gom lại.
Sau khi vận hành, thì thấy nhiều chuyện bất cập và khó xử lắm. Chẳng hạn như người nhận không tới nhận đúng giờ, hoặc ở các quận quá xa khiến Nghĩa đi lại vất vả. Còn nếu phải trả tiền "ship" tất cả các đơn cho - tặng thì vợ chồng Nghĩa - Ngọc Anh nhìn thấy trước tương lai sẽ… phải bán nhà để làm từ thiện. Cặp vợ chồng này vô cùng trăn trở.
"Là một quản lý trong công ty phần mềm, tôi đã nghĩ ra cần phải làm một trang web để mọi người có kế hoạch và dễ dàng hơn trong việc cho - nhận. Vì số lượng quá nhiều, nên sau đó chúng tôi đã đề nghị những người cho đồ trả phí "ship".
Họ đã rất hoan hỉ thực hiện việc này. Dự án REshare ra đời năm 2021 với trang web reshare.vn ban đầu chỉ giới hạn trong vài quận tại TPHCM, sau đó mở rộng ra cả thành phố và trên toàn quốc", Nghĩa kể chuyện.
Những ngày mới khai trương trang web, cả Nghĩa và Ngọc Anh đều rất hồi hộp. Họ không biết có ai có cùng suy nghĩ "bao đồng" như mình hay không. Nhưng dự án chạy được một thời gian thì được rất nhiều người đón nhận.
Mô hình dần dần được hình thành chuyên nghiệp. Các đồ cũ được phân ra làm 3 loại: đồ tái sử dụng, đồ tái chế và đồ xử lý không rác thải. Đồ tái sử dụng thì dễ rồi. Ngọc Anh chọn lựa để đồ nào phù hợp thì sẽ mang đi tặng các chương trình từ thiện, tặng trên Tủ đồ không đồng online; đồ nào có thể đưa lên trang web bán với giá rẻ để lấy tiền duy trì công việc.
Nhưng, đồ tái chế và đồ xử lý không rác thải mới khó khăn. Nghĩa đau đầu khi nhìn căn nhà của 2 vợ chồng ngập trong đồ cũ, "cả nhà như 1 đống rác lớn". Và quan trọng nhất là tới năm 2022, khi lượng đồ cho gửi về quá nhiều, phải xử lý nhiều, thì tiền bạc dành dụm của Nghĩa và Ngọc Anh đã cạn.
Nguyễn Trung Nghĩa cùng các khách hàng tại kho REshare
Như mọi cặp đôi khác, họ phải đi làm và chi trả các khoản sinh hoạt cho gia đình, trong đó có các khoản tiền học, tiền chăm sóc 2 con. Áp lực kinh tế khiến Ngọc Anh phải nói với chồng ngồi lại bàn chuyện. "Nếu chúng ta muốn tiếp tục công việc "bao đồng" này, thì cần phải nghĩ ra cách nào đó để có kinh phí duy trì lâu dài. Còn nếu không thể nghĩ ra được, thì cần đóng lại dự án".
Nghe bà xã nói, Nghĩa suy nghĩ rất nhiều. Cậu nói với vợ về cách đã từng đồng lòng trong thời gian đầu tiên, cả hai từng mong muốn làm hết sức vì không muốn xã hội phải gánh thêm rác thải. Hơn nữa, các đồ cũ này cũng có thể giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn có đồ để dùng.
Sau khi bàn bạc, cặp đôi quyết định phải mở hoạt động này theo mô hình công ty, lên các kế hoạch cụ thể hướng đi mới.
… tới công việc chuyên nghiệp
Năm 2021, khi REshare ra đời, Nghĩa và Ngọc Anh nhận được 7 tấn đồ cũ. Tiếng lành đồn xa, năm 2022, cặp vợ chồng này nhận được 25 tấn. Năm 2023 là 93 tấn, và tới năm 2024 thì bùng nổ các đơn gom về. Cả năm 2024, REshare nhận được tới 270 tấn đồ.
Mô hình công ty được Nghĩa và Ngọc Anh dần dần tập trung chuyên nghiệp hóa. Cặp đôi quyết định nghỉ hẳn việc đang đi làm để cùng nhau phát triển REshare cho thật tốt. Từ lúc công ty chỉ có 1 nhân viên, rồi từ từ tăng lên 3 và tới thời điểm này, thì đã có 14 nhân viên cơ hữu và 10 bạn sinh viên cộng tác.
Bắt đầu từ cuối năm 2024, REshare đã khép kín từ thu gom, xử lý và tái chế theo hình thức công nghiệp. Trên trang web, Tủ đồ không đồng online hoạt động cả trực tiếp và trực tuyến, chủ yếu phục vụ cho các tổ chức từ thiện trực tiếp. Cửa hàng Đồng giá online với mức giá rất rẻ và các cửa hàng offline hiện đang hoạt động tại Bình Dương, quận Gò Vấp và thành phố Thủ Đức, TPHCM.
Việc cho tặng đồ được REshare đưa thành "combo" chứ không cho lẻ. Ví dụ các đồ tặng cho em bé thì đưa cả set bao gồm 10 món, bởi theo Nghĩa và Ngọc Anh, nếu cho ít quá thì rất bất tiện và lắt nhắt. "Mỗi tháng, có khoảng 5-10 ngàn sản phẩm được đưa ra tặng cho mọi người", Nghĩa cho biết.
Song, "chơi với đồ cũ" đâu đơn giản như vậy. Nếu 10 phần đồ cũ được mọi người gửi về, thì chỉ có 7 phần là tái sử dụng được, còn lại là "vấn nạn". Nghĩa đã liên hệ với các công ty công nghiệp để có thể xử lý được số rác còn lại.
"Tôi đã kết hợp với một vài công ty thực hiện dự án tái chế số rác này bằng cách băm nhỏ các sản phẩm thời trang không thể tái sử dụng và tạo thành nguyên liệu cho quy trình kéo sợi hoặc làm gạch trang trí từ vải vụn", Nghĩa kể.
Thời gian đầu, khi biết Nghĩa tới liên lạc, nhìn vẻ mặt còn trẻ cùng nền tảng công ty chưa đủ bề dày thời gian, nhiều đối tác đã e ngại. Nhưng khi biết REshare đã đủ uy tín nhận được lượng lớn đồ cũ của mọi người, thì công việc đã chạy tốt hơn.
Hiện kho đồ của cặp vợ chồng 8X này chuyển từ quận Bình Thạnh sang thành phố Thủ Đức, với khoảng 500 ngàn món đồ đầy ắp kho. Vài người bạn đã cùng góp công sức và tiền bạc vào REshare, cổ vũ tinh thần cho Nghĩa và Ngọc Anh càng ngày càng làm tốt công việc của mình.
Để tập trung được nhiều đồ cũ của mọi người, REshare đã đặt các trạm thu gom tại nhiều nơi công cộng: Cửa hàng điện thoại di động, các chung cư. Trên địa bàn thành phố, REshare đã có hơn 20 trạm.
Ban quản lý các chung cư đã hỗ trợ bằng cách cho đặt trạm để cư dân có thể dễ dàng bỏ đồ cũ vào bên trong, không vứt rác thải ra ngoài. Nghĩa kỳ vọng trong số 700 chung cư tại TPHCM, thì có thể đặt được 350 trạm, còn lại là đặt tại các nơi công cộng khác.
Nguyễn Trung Nghĩa cùng công nghệ tái chế đồ cũ
Nhiều công ty cũng hỗ trợ REshare bằng việc gom đồ cũ của các nhân viên theo định kỳ, hoặc đưa cho REshare tái sử dụng, tái chế các sản phẩm bị lỗi, bị tồn kho.
Hiện, Nghĩa lo công việc phát triển thị trường, đồ tái chế và ứng dụng công nghệ vào việc này, còn Ngọc Anh thì quản lý nhân sự, vận hành và quản lý nội bộ. Mỗi ngày làm việc cùng nhau nên Nghĩa và Ngọc Anh thừa nhận có nhiều mâu thuẫn không tránh khỏi.
Những lúc đó, cả hai đều nhắc lại mục đích ban đầu là cùng mong muốn giúp ích cho xã hội trong việc giảm rác thải ra môi trường. Vì vậy, họ đã không giữ những giận hờn lâu.
Nghĩa và Ngọc Anh có 2 con gái, bé lớn 10 tuổi và bé nhỏ 5 tuổi. Các con đều thường cùng cha mẹ tham gia các chương trình thiện nguyện bên ngoài và công việc trong công ty. "Những ý tưởng tốt đẹp nhất, chúng tôi thường chia sẻ với các con để tụi nhỏ được tiếp nhận những giá trị tích cực từ gia đình", cặp vợ chồng này chia sẻ.
Đinh Thu Hiền
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/cap-vo-chong-gom-do-cu-de-tai-che-roi-dem-cho-20250218144650336.htm