Đã có xấp xỉ 30.000 dự án đầu tư công và các nhiệm vụ khác được bàn giao từ chính quyền cấp huyện cho cấp xã từ ngày 1/7/2025, theo thống kê của UBND Thành phố Hà Nội. Theo yêu cầu, cấp xã sẽ chịu trách nhiệm tiếp tục xử lý đối với các hồ sơ, thủ tục đang dở dang (như thẩm định, giải phóng mặt bằng, xác nhận khối lượng hoàn thành) cho tới khi hoàn thành dự án.
Trong số các dự án kể trên, có nhiều dự án là trọng điểm của thành phố với ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây cũng là áp lực đối với chính quyền cấp xã, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng. Và để làm được điều này, cấp cơ sở không chỉ lắng nghe bức xúc của người dân mà còn cần đưa ra các giải pháp quyết liệt để đảm bảo tiến độ của dự án.
Điển hình, diện tích đất thổ cư hơn 80 m² của anh em nhà ông Nguyễn Văn Nguyên (phường Tây Hồ) nằm trong khu vực ga ngầm C6 thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) cần phải giải phóng mặt bằng. Đây là dự án trọng điểm của thành phố và nhiệm vụ giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của quận Tây Hồ trước đây, giờ được bàn giao cho phường Tây Hồ. Dù người dân đồng tình ủng hộ nhưng vẫn chưa đồng ý với phương án bồi thường cũng như chất lượng của nhà tái định cư.
Ông Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ: “Bây giờ, đề nghị phường thường xuyên xuống đây để sát dân, lắng nghe ý kiến của dân để người dân biết giá thành làm sao cho nó phù hợp".
Nếu như đối với dự án ga ngầm C6 đã xác định được nguồn gốc đất thì tại dự án xây dựng tuyến đường Đặng Thai Mai – giai đoạn 1 tại phường Quảng An trước đây, nay thuộc phường Tây Hồ, lại đang gặp phải những khó khăn khác trong công tác giải phóng mặt bằng. Dù vào tháng 2, quận Tây Hồ đã phê duyệt giá đất cụ thể làm cơ sở tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng nhiều người dân vẫn không đồng thuận với diện tích đất được xác định nguồn gốc là nông nghiệp.
Dự án xây dựng tuyến đường Đặng Thai Mai là một trong số 233 dự án chuyển tiếp từ quận Tây Hồ chuyển tiếp cho phường Tây Hồ. Trong số này có 14 dự án đang chuẩn bị đầu tư và đều phải đối mặt với khó khăn của công tác giải phóng mặt bằng. Làm thế nào để đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân, đồng thời phải đảm bảo tiến độ thành phố giao là thách thức đối với chính quyền.
Để làm được việc này, trong quá trình sắp xếp, những cán bộ có năng lực kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án nói riêng và Ban Quản lý nói chung đã được bố trí những công việc khó như trả lời đơn thư, đối thoại trực tiếp.
Ông Bùi Như Long - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư - hạ tầng UBND phường Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Sau khi tiếp quản thực hiện dự án, Ban Dự án đầu tư hạ tầng xác định là giải phóng mặt bằng là một nhiệm vụ cấp bách, từ đó thường xuyên lắng nghe ý kiến của người dân, tiếp thu ý kiến của người dân, tổng hợp báo cáo UBND thành phố cũng như các cấp có thẩm quyền để xem xét, chấp thuận các nội dung liên quan đến dự án".
Liên quan tới việc chuyển tiếp các dự án, không để gián đoạn, đình trệ, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết sẽ ban hành hướng dẫn các quy định liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền, thẩm quyền của cấp xã trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của các dự án giao thông. Từ đây, các xã sẽ có cơ sở để giải quyết trong thẩm quyền của mình, không đùn đẩy, né tránh đồng thời cũng chính là nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở.
Trong số khoảng 30.000 dự án và nhiệm vụ đầu tư công đến hết năm 2025 của cấp huyện, chỉ có 12 dự án được chuyển đơn vị cấp thành phố, còn lại chuyển cấp xã. Trong đó, phần lớn các dự án kéo dài nhiều năm có nguyên nhân từ công tác giải phóng mặt bằng. Để cấp xã hoàn thành tiến độ của các dự án, thành phố cũng đưa ra yêu cầu, các sở ngành cần phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính cho các chủ đầu tư và chính quyền xã đảm bảo không làm gián đoạn quá trình triển khai và giải ngân kế hoạch vốn của các dự án.
Khiếu Hương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/cap-xa-khong-de-dinh-tre-du-an-chuyen-tiep-347622.htm