Tài năng bẩm sinh cùng một thế giới nội tâm kỳ lạ khiến tranh của em không chỉ làm người xem tò mò mà còn khiến nhiều chuyên gia phải lặng người. Triển lãm cá nhân lần thứ hai “Những linh hồn ẩn giấu 2” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh là một cột mốc cho thấy độ sâu mới trong tư duy nghệ thuật của "họa sĩ nhí" đặc biệt này.
Một thế giới hội họa được "mách bảo" từ bên trong
Hoàng Nhật Quang sinh năm 2012, người dân tộc Tày, hiện là học sinh lớp 6 tại Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (Lạng Sơn). Em bắt đầu vẽ tranh từ năm 9 tuổi, với niềm đam mê được truyền từ bố - họa sĩ Hoàng Văn Điệp. Đến nay, em đã hoàn thành hàng trăm bức tranh, phần lớn là tranh khổ lớn, nhiều bức phải trèo thang, đứng ghế mới vẽ hết.
Họa sĩ nhí người Tày - Hoàng Nhật Quang bên tác phẩm của mình.
Với Quang, hội họa là bản năng. “Có khi đang chơi cùng bạn bè, con chợt nghĩ ra gì đó, liền chạy về vẽ ngay bằng màu, không cần phác thảo, không dùng bút chì hay tẩy”, Quang cho biết. Chính sự bộc phát ấy tạo nên một thế giới hội họa đặc biệt đầy ngẫu hứng mà lại chặt chẽ đến kỳ lạ.
Triển lãm cá nhân “Những linh hồn ẩn giấu 2” đang diễn ra tại Huyền Art House (TP Hồ Chí Minh) giới thiệu 60 bức tranh, kết quả của hai năm lao động miệt mài của Nhật Quang. Khác với triển lãm lần đầu, lần này Quang thí nghiệm với bố cục mới: tranh được vẽ trên những tấm toan được ghép từ nhiều mảnh hình thù khác nhau, như một trò chơi ghép hình.
“Mỗi mảnh là một phân đoạn của câu chuyện 'Những linh hồn ẩn giấu', những phần khuyết sẽ tạo cảm giác là câu chuyện chưa kết thúc, sẽ còn tiếp tục ở chương sau”, Nhật Quang lý giải.
Không gian triển lãm cá nhân "Những linh hồn ẩn giấu 2" tại TP Hồ Chí Minh.
Nhà phê bình Lý Đợi đánh giá: “Quang vẫn theo mạch cảm xúc ‘Những linh hồn ẩn giấu', nhưng lần này có nhiều khác biệt: bố cục không còn là mặt phẳng truyền thống mà chuyển thành chuỗi mảnh ghép, đòi hỏi Quang phải xử lý bố cục linh hoạt hơn. Khi đã làm chủ khổ tranh lớn, con lại nâng thử thách lên cao hơn, đó là tạo không gian không khuôn khổ, như tự giải bài toán cho chính mình”.
Nhà phê bình Lý Đợi (bìa phải) cùng đạo diễn Lê Hoàng và gia đình Nhật Quang tại triển lãm.
Điểm nổi bật trong loạt tranh mới là chủ đề 12 con giáp được thể hiện bằng ngôn ngữ chuyển động mạnh, hình ảnh sống động, pha trộn giữa mỹ thuật dân gian và ảnh hưởng truyện tranh đương đại như Conan, manga Nhật. Theo ông Lý Đợi: “Quang không dừng lại ở yếu tố Tày hay văn hóa bản địa, mà đã mở rộng biên độ, nhưng trong tranh vẫn luôn thấy được tinh thần vùng cao, ở chất liệu tâm linh, ở bảng màu bản năng, ở ngôn ngữ biểu đạt như được mách bảo từ vô thức”.
Nhận diện một tài năng hiếm
Triển lãm “Những linh hồn ẩn giấu 2” không chỉ thu hút sự chú ý vì tác giả mới 12 tuổi, mà bởi chính không gian thị giác mà cậu bé người Tày tạo ra khiến cả giới mỹ thuật phải ngạc nhiên. Trong nhiều chia sẻ, các họa sĩ, nhà phê bình, đạo diễn... đều dùng những từ ngữ như “giật mình”, “khó lý giải”, “siêu thực”, “bẩm sinh” để nói về tranh của Quang. Điều đặc biệt ở chỗ, những lời này không xuất phát từ sự ưu ái thường dành cho nghệ sĩ nhỏ tuổi, mà là sự công nhận khi đứng trước một hiện tượng nghệ thuật thực sự.
Không gian lạ, vừa trừu tượng vừa siêu thực trong các tác phẩm của Nhật Quang.
“Tranh Quang là một không gian lạ, vừa trừu tượng, vừa siêu thực”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận định. Theo ông, những biểu hiện trong tranh Quang gần như không có sự chuẩn bị lý tính mà hoàn toàn vận hành bằng cảm xúc. Có thể chính đời sống văn hóa miền cao nơi Quang lớn lên giữa những ngôi đền, tranh thờ, tín ngưỡng dân gian đã âm thầm nuôi dưỡng một tư duy hội họa khác biệt, một “tâm linh tự thân” mà ông mô tả là “trời cho ai, người ấy được”.
Cách vẽ của Quang không dựa vào kỹ thuật hàn lâm, mà là sự kết hợp giữa trực giác bản năng và thế giới nội tâm riêng biệt. “Có khi đang chơi cùng bạn bè, con chợt có ý tưởng liền chạy về vẽ luôn, không phác thảo, không dùng bút chì”, Quang chia sẻ. Sự bộc phát ấy tạo nên một phong cách "rất Quang": hình ảnh mơ hồ, bảng màu bản năng nhưng luôn gợi cảm giác về một câu chuyện chưa trọn vẹn, như đang tiếp tục kể trong một cõi khác.
Những tác phẩm linh hoạt về bố cục, mang đậm văn hóa bản địa thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng yêu mến nghệ thuật hội họa trong và ngoài nước.
Nhà phê bình Lý Đợi - người đồng hành cùng Quang trong cả hai triển lãm cá nhân đánh giá: “Lần này, Quang đã làm chủ được tranh khổ lớn và còn chủ động phá bỏ hình thức truyền thống, bằng cách ghép toan thành các mảnh bất quy tắc, như trò chơi ghép hình. Mỗi mảnh ghép là một phân đoạn trong câu chuyện 'Những linh hồn ẩn giấu', đòi hỏi con phải xử lý bố cục linh hoạt, không gian chuyển động mở và không đóng khung”.
Loạt tranh về 12 con giáp cũng là điểm nhấn, cho thấy Quang không “đóng khung” trong văn hóa bản địa, mà sẵn sàng mở rộng ngôn ngữ biểu đạt bằng cách pha trộn giữa mỹ thuật dân gian và ảnh hưởng từ truyện tranh đương đại. Những nhân vật trong tranh hiện lên sinh động như đang chuyển động, vừa gợi nhớ tới thế giới linh vật dân gian, vừa mang tinh thần kể chuyện của tuổi thơ hiện đại.
Công chúng thưởng lãm tranh Nhật Quang.
Điều khiến nhiều người lớn bất ngờ, không chỉ ở khả năng vẽ tranh khổ lớn hay bố cục phức tạp, mà còn là tư duy thẩm mỹ “rất người lớn” ở một đứa trẻ chưa từng học mỹ thuật bài bản. Họa sĩ Thành Chương chia sẻ: “Tranh của Quang có sự hồn nhiên đúng lứa tuổi, nhưng đồng thời có những ý niệm, suy nghĩ rất già dặn, thậm chí hoành tráng như một nghệ sĩ thực thụ. Đó là điều khiến tôi và nhiều người giật mình”.
Cảm giác giật mình ấy cũng được đạo diễn Lê Hoàng chia sẻ theo một cách rất riêng: “Nếu mấy chục năm nữa gặp lại bạn mà vẫn giữ được như bây giờ thì tôi rất nể. Tài năng nghệ thuật bộc lộ sớm quá khiến tôi vừa kinh ngạc, vừa... hơi sợ, vì còn trẻ mà đã bay xa thế này thì liệu có được lâu dài không? Nhưng hiện tại thì bạn thật sự khiến chúng tôi rất mong đợi”. Một lời khen có chút hài hước ẩn dụ, nhưng lại chất chứa kỳ vọng và lo lắng đúng kiểu người làm nghề đã chứng kiến quá nhiều mầm non bị uốn lệch vì kỳ vọng người lớn.
Chính vì vậy, điều đáng quý ở hành trình nghệ thuật của Hoàng Nhật Quang không chỉ nằm ở tài năng, mà còn ở cách gia đình và những người đồng hành như giám tuyển nghệ thuật, thầy cô... đều cố gắng tạo điều kiện để em được phát triển đúng với nhịp điệu nội tâm của mình. “Ban đầu, chúng tôi chỉ định tổ chức một buổi trưng bày nhỏ như trải nghiệm hè. Nhưng nhờ Báo Thể thao và Văn hóa, Huyền Art House và sự tận tâm của giám tuyển nghệ thuật Lý Đợi, mọi thứ đã trở thành một triển lãm bài bản, chuyên nghiệp và sâu sắc”, họa sĩ Hoàng Văn Điệp, bố của Nhật Quang chia sẻ.
Không gian nghệ thuật mang đậm chiều sâu văn hóa bản địa tại "Những linh hồn ẩn giấu 2".
Tranh của Hoàng Nhật Quang không chỉ là kết tinh của một năng lực thị giác đặc biệt, mà còn là dấu hiệu cho thấy chiều sâu văn hóa bản địa có thể được “đánh thức” từ rất sớm trong một đứa trẻ. Vẽ không vì thành tích, không theo chuẩn mực, không vì áp lực… chính sự tự do ấy đã nuôi dưỡng một thế giới đầy trực giác, gợi mở và rất khó lý giải. Nói như họa sĩ Ngô Đồng: “Nó đẹp đến hoang mang. Nếu cứ cố tìm nguồn gốc để lý giải thì sẽ đánh mất cái đẹp hoang dã ấy. Có khi chỉ cần một câu thôi: cháu thấy vẽ vậy là đẹp nên cháu vẽ vậy. Và thế là đủ”.
Bài: Hương Trần, ảnh: Trà Cù Lủ/Báo Tin tức và Dân tộc