Bức ảnh duy nhất ông Tưởng Như Quang chụp cùng người vợ liệt sĩ Phan Thị Tuyền Lâm lúc ở chiến trường miền Đông Nam Bộ
Đám cưới dưới tán rừng thời chiến
Năm nay đã 76 tuổi, nhưng hễ nhắc đến người vợ liệt sĩ anh hùng của mình là ông Tưởng Như Quang lại rơi nước mắt. Tấm ảnh hoen ố chụp ông và vợ ở chiến trường năm ấy được ông giữ gìn như báu vật.
Ngày 26/4/1974 - hơn 1 tháng sau khi người vợ trẻ nằm lại dưới tán rừng miền Đông Nam Bộ, ông rưng rưng ghi vào phía sau bức ảnh: "Kỷ niệm mối tình đầu - đã trở về dĩ vãng".
Ông Tưởng Như Quang là dân gốc TP Hải Dương. Tháng 12/1966, ông rời căn nhà nhỏ ở số 4/9 phố Trương Mỹ ra chiến trận. Bà Phan Thị Tuyền Lâm là dược sĩ, sinh năm 1952, quê huyện Hòa Tân, tỉnh Thuận Hải (nay là Bình Thuận), làm nhiệm vụ pha chế, cấp phát thuốc, còn ông Quang ở đội phẫu thuật tiền phương. Họ gặp gỡ, cảm mến nhau sau những lần cùng vận chuyển, cứu chữa thương binh. Dù chưa biết đến Hải Dương, nhưng cô gái tròn 22 tuổi ấy đã đặt trọn tình yêu vào chàng trai khôi ngô ở cùng tuyến lửa.
Năm 1974, tình yêu trong bom đạn chiến trường của ông bà đánh dấu bằng một đám cưới đơn sơ nhưng ấm áp dưới tán rừng thuộc tỉnh Bình Long. Lúc làm chủ hôn, ông Lê Bình, Chính ủy Phòng Quân y đã giao nhiệm vụ cho đôi vợ chồng son: Đi đủ, về đủ và sớm sinh con để các bác, các chú cùng đơn vị có cháu bế bồng. Rồi Tưởng Như Long - người con trai của ông Quang và bà Tuyền Lâm ra đời, như một mầm xanh, như một ánh sáng tươi vui giữa hoang tàn khói lửa.
Ngày 26/4/1974 - hơn 1 tháng sau khi người vợ liệt sĩ nằm lại dưới tán rừng miền Đông Nam Bộ, ông Tưởng Như Quang rưng rưng ghi vào phía sau bức ảnh: "Kỷ niệm mối tình đầu - đã trở về dĩ vãng"
Sinh con ở chiến trường, bà Tuyền Lâm không kịp nghỉ ngơi mà phải bắt tay ngay vào nhiệm vụ. Khi ấy thương binh nhiều, các cánh quân đang tiến về giải phóng Sài Gòn qua hướng Lộc Ninh. Đôi vợ chồng trẻ và cậu con trai đầu lòng vì thế cũng mỗi người mỗi ngả.
Ngày 23/3/1975, khi ông Quang đang đi cùng sư đoàn dã chiến đánh núi Bà Đen (Tây Ninh), còn con trai gửi cho bà ngoại, thì ở chiến trường Bình Long, bà Tuyền Lâm và đồng đội bị nã pháo khi đang dưới hầm pha chế thuốc. Bà Tuyền Lâm ngã xuống, tay vẫn nắm chặt lọ thuốc dành cho thương binh còn pha dang dở. Đến 2 ngày sau mới biết tin, ông Quang được xe của đơn vị tức tốc trở lại Bình Long. Bà vẫn nằm đó chờ đứa con nhỏ và người chồng trẻ.
Dẫu biết chiến tranh là tàn khốc, chiến tranh là mất mát, đớn đau, song có lẽ không đau đớn nào hơn là phải tự tay mình chôn cất người vợ trẻ. Ông Tưởng Như Quang an táng vợ ngay dưới tán rừng nơi diễn ra đám cưới, ấp Tân Khai, huyện Lộc Ninh của tỉnh Bình Long (nay thuộc Bình Phước). Lấy cây gỗ, ông Quang nắn nót khắc tên người vợ trẻ: Liệt sĩ Phan Thị Tuyền Lâm, Tiểu đội trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; nguyên quán xã Tân Hiệp, huyện Hòa Tân, tỉnh Thuận Hải rồi chôn lên phần mộ và hứa "giải phóng rồi anh sẽ trở lại tìm em"!
Chị hy sinh rồi, em sẽ nuôi con chị
Năm 1976, ông Tưởng Như Quang xuất ngũ trở về căn gác cũ kỹ ở phố Trương Mỹ sau tròn 10 năm chiến trận. Ngày ngày, qua ô cửa nhỏ, bà Nguyễn Thị Hải - khi ấy là cô gáituổi đôi támvẫn thấy ông Quang thẫn thờ ngồi hút thuốc. Cảm mến và thấu hiểu với những nỗi đau mà người lính trận ấy đang mang nặng trĩu trong lòng, bà Hải đã đến với ông Quang.
Đi qua 2 cuộc chiến và may mắn trở về, dù người vợ đầu hy sinh tại chiến trường song ông Tưởng Như Quang may mắn gặp được "người đến sau cao cả"
- Kiếp trước em nợ anh Quang, nên kiếp này trả nợ. Nếu còn, chị ấy hạnh phúc hơn em, nhưng chị hy sinh rồi, thì em phải tiếp nối để nuôi con chị - bà Hải nói với mọi người như thế, khi cưới ông Quang.
Hai năm sau, năm 1978, ông Tưởng Như Quang tái ngũ lên phía Bắc, đúng lúc cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược vào hồi cam go nhất, bà Hải lại nín thở chờ tin chồng từ biên giới.
May mắn sao, ông Quang một lần nữa lành lặn trở về và người ông nghĩ đến đầu tiên là con trai Tưởng Như Long đang ở với bà ngoại. Khi bàn với vợ, bà Hải đã quả quyết phải đón ngay Long về TP Hải Dương, "vì thằng bé đã khổ quá rồi". Và ngay sau đó, bà Hải vào đón con chồng với bà Tuyền Lâm ra Bắc. Long đang học lớp 3, khi ấy lần đầu tiên được ở trong vòng tay của bố và mẹ kế - người mà Long luôn coi như mẹ đẻ. Long được bà Hải chăm bẵm, học hết THPT ở TP Hải Dương rồi vào bộ đội, nay lập gia đình và sinh sống ở TP Huế.
Với những gì đã làm, bà Hải xứng đáng được ngợi ca là "người đến sau cao cả"
Đón được con về, bà Hải giục chồng quay vào Thuận Hải, quê bà Tuyền Lâm. Cha của bà Tuyền Lâm tổ chức họp, công nhận ông Quang là con rể và cho phép ông Quang làm thủ tục đưa bà Tuyền Lâm ra Bắc. Ông Quang tiếp tục tìm về cánh rừng nơi người vợ liệt sĩ an nghỉ, thì được biết mộ bà Tuyền Lâm đã được di chuyển về thị xã Long Khánh (Đồng Nai).
Ông Quang trở ra Bắc, bà Hải nói với chồng "Chị Tuyền Lâm sống gửi thịt, thác gửi xương, phải đón chị về. Sức anh ngày càng đuối rồi, đưa chị ra ngoài này càng sớm càng hay". Năm 2010, sau các thủ tục giữa Hải Dương và Đồng Nai, bà Hải trực tiếp vào đưa được hài cốt của bà Tuyền Lâm ra Bắc. Phường Phạm Ngũ Lão khi ấy đã trang trọng tổ chức lễ đón liệt sĩ và đưa bà Tuyền Lâm vào an nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ TP Hải Dương.
Trọn nghĩa với người đi trước, bà Hải quay vào Đồng Nai sửa sang phần mộ của mẹ bà Tuyền Lâm, do gia đình bà Tuyền Lâm có 3 anh em, thì anh cả và bà Tuyền Lâm là liệt sĩ, người còn lại ở Bình Thuận, không có điều kiện thăm nom. Bà Hải còn nhiều lần ra vào Huế mở quán ăn để vợ chồng anh Tưởng Như Long ổn định cuộc sống...
Đằng sau khói lửa chiến tranh, có những mảnh ghép mãi mãi không lành, song những người lính trận trở về như ông Tưởng Như Quang đã được an ủi phần nào vì có "người đến sau cao cả". Và những gì giữa bà Nguyễn Thị Hải - "người đến sau cao cả" ấy và ông Tưởng Như Quang có lẽ là một câu chuyện thời hậu chiến hay nhất mà tôi đã được nghe!
TIẾN HUY