Công tác binh vận là một trận tuyến đặc biệt, nơi người lính phải giấu thân phận hoạt động trong lòng địch với vũ khí duy nhất là lẽ phải, chính nghĩa, trí thông minh và lòng quả cảm. Không nổ súng mà giành chiến thắng, đó chính là thành công của mặt trận binh vận, một trong ba mũi giáp công chiến lược của cách mạng miền Nam.
Ngày 8/4/1975, trong không khí toàn thắng trên mọi mặt trận, hàng trăm cán bộ của Ban Binh vận Trung ương cùng các đội vận động quần chúng đã nhanh chóng thọc sâu vào hàng ngũ địch, tích cực tuyên truyền, vận động, làm lung lay ý chí chiến đấu của quân ngụy. Những lời kêu gọi chân thành, những phân tích sắc bén của họ đã khiến không ít binh sĩ đối phương hạ vũ khí, quay về với chính nghĩa.
Từng là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn thanh niên các cơ quan Trung ương cục miền Nam, ông Nguyễn Hữu Châu - con trai quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, một trong những thành công của công tác binh vận là ta đã tiếp cận, bồi dưỡng và xây dựng Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, quyền Tổng Tham mưu trưởng quân đội chính quyền Sài Gòn, người thân tín của Tổng thống Dương Văn Minh trở thành một cơ sở nội tuyến chiến lược.
Ngày 30/4/1975, khi đại quân của ta tiến vào thành phố, ông Hạnh đã ra tuyên bố kêu gọi binh sĩ “án binh bất động”, đồng thời tác động tâm lý, góp phần để tướng Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, tránh thương vong, đổ máu và giải thoát nhiều tù chính trị.
Nhờ chọn đúng đối tượng, tác động vào đúng thời điểm quyết định, công tác binh vận đã phát huy vai trò to lớn, góp phần làm suy yếu tinh thần và lực lượng của địch, đồng thời thể hiện nghệ thuật lãnh đạo tài tình của Đảng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh chính trị, quân sự và tâm lý.
Chính sự phối hợp hài hòa giữa binh vận với các mũi giáp công quân sự và chính trị đã làm nên kỳ tích "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", đưa Chiến dịch Hồ Chí Minh đến thắng lợi toàn diện chỉ trong 5 ngày.
Giáp Công
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/tran-tuyen-binh-van-dac-biet-trong-dai-thang-mua-xuan-1975-325151.htm