Đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua góc nhìn của đối phương và báo chí quốc tế

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua góc nhìn của đối phương và báo chí quốc tế
13 giờ trướcBài gốc
Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Ảnh: Tư liệu
Sáng 13/3/1975, cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia diễn ra trong bầu không khí “choáng váng và hãi hùng”. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu kết luận: Người Mỹ có quá nhiều cơ hội, quá nhiều điều kiện giúp chúng ta. Vậy mà họ quay mặt đi, án binh bất động như người ngoài cuộc. Họ đã phản bội lại đồng minh. Vì vậy, chúng ta phải bỏ cao nguyên, bắt đầu từ hai thành phố Pleiku và Kon Tum. Rút lui là hợp lý, là cần thiết. Chúng ta sẽ không trói quân lực ở cao nguyên nữa mà đưa về giữ duyên hải Trung phần...
Báo chí phương Tây đưa ra những lời bình: “Chỉ cần một trận Buôn Ma Thuột thôi, thế là từng mảng lớn toàn bộ cơ đồ do Thiệu dựng lên đã sụp đổ” (Le Monde - Pháp, ngày 21/3/1975) và “Buôn Ma Thuột mất thì toàn vùng cao nguyên đứng vững sao nổi được” (The Economist - Anh, ngày 22/3/1975). Báo Le Figaro của Pháp, số ra ngày 22/3/1975 viết: “Thiệu đã thua. Hoa Kỳ đã thua. Cả cái gọi là thế giới tự do cũng đã thua. Sự sụp đổ là hoàn toàn chắc chắn và dù có khua môi múa mép thế nào chăng nữa cũng không lừa bịp được ai đâu...”.
Trong cuộc họp báo ngày 24/3/1975, người đứng đầu Lầu Năm Góc nói: “Trong so sánh quốc tế thì Đông Nam Á rất... nhẹ cân. Dù Nam Việt Nam hay Campuchia có rơi vào tay cộng sản thì cũng không làm thay đổi một cách có ý nghĩa cán cân này...”. Ngày 29/3/1975, Tổng thống Ford ra lệnh cho Hải quân đưa thêm tàu đến biển Đông để di tản người Mỹ khỏi các thành phố và các cảng còn quân ngụy đóng giữ.
Ngày 4/4/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lớn tiếng đổ lỗi sự thất thủ triền miên vừa qua là do Mỹ không chịu viện trợ: Phân nửa viện trợ thì quân đội Việt Nam cộng hòa chỉ có thể giữ phân nửa lãnh thổ mà thôi. Ngày 21/4/1975, Quân Giải phóng đã đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, trước khi Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn từ chức với đầy những lời lẽ trách cứ phía Mỹ đã bỏ rơi đồng minh. Về phía Mỹ, ngày 23/4/1975, Tổng thống Ford có bài diễn văn tại Trường Đại học Tulane, trong đó tuyên bố: Chiến tranh Việt Nam được coi như chấm dứt đối với Mỹ.
Đến rạng sáng 30/4/1975, trên 4.000 người Mỹ đã rời khỏi Sài Gòn. 4 giờ 20 phút cùng ngày, chiếc trực thăng cuối cùng hạ cánh xuống nóc tòa Đại sứ đón Đại sứ Martin. Từ trên máy bay, Đại sứ Martin thở dài, thốt lên: “Thật đáng tiếc. Chỉ cần mấy chiếc CH.53 nữa là mọi chuyện đâu vào đấy cả. Vậy mà chúng ta lại bất lực vì cộng quân đã vào đến ngoại ô...”.
Các ký giả có mặt ghi lại, từ trực thăng bước xuống boong kỳ hạm Blue Ridge là một Đại sứ Martin tiều tụy, quần áo xộc xệch, chiếc cà vạt đen quẹo hẳn sang bên trái ngực, để lộ cả hàng cúc chiếc sơ mi trắng nhàu nát. Mặt ông ta hốc hác, dáng điệu bơ phờ, mệt mỏi, chán chường, mang dáng dấp của một võ sĩ vừa bị knock out. Mỗi bước đi loạng choạng trên boong đều phải có người dìu. Đó là hình ảnh cuối cùng của người đại diện cao nhất của Mỹ tại Sài Gòn, đại diện cho nửa triệu quân Mỹ hùng hổ kéo đến để rồi tủi nhục ra đi.
Rạng sáng 30/4/1975 (giờ Washington, Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Kissinger tổ chức họp báo, ông ta than phiền: “Tôi cứ tưởng họ (chính quyền Dương Văn Minh) có thể thương lượng về một cuộc đầu hàng, chứ có biết đâu họ lại tuyên bố đầu hàng... Tôi không ngờ rằng sự đầu hàng lại diễn ra nhanh đến như thế...”.
Trưa 30/4/1975, xe tăng Quân Giải phóng húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của quân đội ngụy Sài Gòn với sự hậu thuẫn to lớn của Mỹ. Tại Mỹ và các nước phương Tây, nhiều báo đã bình luận về kết cục của Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn. Thời báo Los Angeles viết: Người Mỹ ra đi, người Việt Nam (ngụy quân, ngụy quyền) đầu hàng, nước Việt Nam đã được trả lại cho người Việt Nam.
Tờ tin điện New York cho rằng: Việc Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một sự hy sinh vô ích về sinh mạng và tiền của người Mỹ và là một chương bi thảm trong lịch sử Mỹ. Tờ Mặt trời Baltimore vạch rõ: Chúng ta bị tổn thương và cảm thấy nhục, nhưng có lẽ chúng ta cũng đã chín chắn hơn lên một chút qua sự kiện chiến sĩ Sài Gòn-Gia Định.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đặt dấu chấm hết cho những “níu kéo” cuối cùng của Mỹ-ngụy. Chiến thắng này của quân và dân ta không chỉ được bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới ca ngợi, mà còn khiến đối phương nể phục. Chính vì vậy, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 trở thành dấu son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Đăng Anh
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/dai-thang-mua-xuan-nam-1975-qua-goc-nhin-cua-doi-phuong-va-bao-chi-quoc-te-post489258.html