Nghi vấn từ vụ chiến đấu cơ của Nga bốc cháy ở căn cứ quan trọng – Kỳ cuối

Nghi vấn từ vụ chiến đấu cơ của Nga bốc cháy ở căn cứ quan trọng – Kỳ cuối
6 giờ trướcBài gốc
Tín hiệu phát đi từ “màn sương mù”
Su-30SM của không quân Liên bang Nga. Ảnh: RBTH
Lịch sử cho thấy máy bay đậu trên mặt đất luôn là mục tiêu dễ tổn thương. Trong Thế chiến II, cả phe Đồng minh và phe Trục đều nhắm vào các sân bay để phá hủy máy bay trước khi chúng kịp cất cánh, và thường đạt được kết quả lớn với nguồn lực tối thiểu.
Gần đây là vào năm 2012, phiến quân Taliban đã đột nhập căn cứ Camp Bastion ở Afghanistan, phá hủy 6 chiếc AV-8B Harrier của Thủy quân lục chiến Mỹ trong một cuộc tấn công táo bạo vào ban đêm.
Những ví dụ này cho thấy dù có tầm quan trọng chiến lược, các căn cứ không quân vẫn là mục tiêu mềm đối với bên tấn công quyết tâm. Vụ việc tại Rostov-on-Don – nếu là phá hoại – sẽ gợi lại các tiền lệ lịch sử đó, đồng thời đặt ra câu hỏi liệu không quân Liên bang Nga đã thực sự thích ứng với các mối đe dọa hiện đại hay chưa.
Xét về mặt kỹ thuật, việc mất một chiếc Su-30SM sẽ là tổn thất đáng kể đối với không quân Liên bang Nga. Mỗi chiếc máy bay không chỉ là khoản đầu tư tài chính lớn, mà còn là một hệ sinh thái phức tạp gồm phụ tùng, phi công được đào tạo, và đội ngũ bảo trì chuyên nghiệp.
Ngành công nghiệp hàng không Liên bang Nga trong những năm gần đây đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm các lệnh trừng phạt khiến nước này không tiếp cận được linh kiện và công nghệ phương Tây. Việc sản xuất hoặc thay thế một chiếc Su-30SM là quá trình tốn kém và kéo dài, có thể gây áp lực lên năng lực duy trì đội hình chiến đấu của Liên bang Nga.
Hơn nữa, tác động tâm lý từ việc mất một khí tài như vậy ngay trên lãnh thổ có thể ảnh hưởng đến tinh thần, đặc biệt nếu câu chuyện “kháng chiến” lan rộng. Ngay cả trong trường hợp máy bay bị phá hủy chỉ là Su-27 như một số nguồn Liên bang Nga cho biết, vụ việc vẫn cho thấy điểm yếu trong an ninh căn cứ và khiến dư luận đặt câu hỏi về hệ thống phòng thủ của Liên bang Nga.
Để đặt Su-30SM trong bối cảnh toàn cầu, việc so sánh nó với các máy bay chiến đấu phương Tây là điều đáng lưu ý. Chiếc F-15E Strike Eagle của Mỹ – một máy bay tiêm kích đa nhiệm có thời điểm ra đời tương tự – có nhiều điểm tương đồng với Su-30SM, bao gồm radar tiên tiến và khả năng mang đa dạng vũ khí.
Tuy nhiên, F-15E có lợi thế vượt trội về khả năng tác chiến điện tử và tích hợp với các hệ thống mạng như AWACS, giúp nó chiếm ưu thế trong các không gian chiến trường phức tạp. Tương tự, Eurofighter Typhoon của châu Âu cũng mang lại hiệu suất chiến đấu đa nhiệm tương đương, với các cảm biến tiên tiến và sự chú trọng vào chiến tranh mạng tâm điểm (network-centric warfare).
Su-30SM, dù đáng gờm, vẫn tụt hậu trong các lĩnh vực này do Liên bang Nga tiếp cận chậm hơn với các công nghệ thế hệ thứ năm. Nếu Liên bang Nga tiếp tục để mất những tài sản như vậy do các cuộc tấn công từ mặt đất, khoảng cách công nghệ với không quân phương Tây sẽ ngày càng nới rộng, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đang triển khai ngày càng nhiều máy bay tàng hình như F-35 Lightning II.
Những tường thuật mâu thuẫn xoay quanh vụ việc tại Rostov-on-Don cũng phản ánh môi trường thông tin rộng lớn hơn mà các cuộc xung đột hiện đại đang diễn ra. Cả các nguồn tin từ Ukraine và Liên bang Nga đều có động cơ để điều chỉnh câu chuyện theo hướng có lợi cho mình.
Đối với Ukraine, việc tuyên bố đã phá hủy một chiếc Su-30SM giúp củng cố hình ảnh như một đối thủ khéo léo và kiên cường, có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Liên bang Nga. Còn đối với Liên bang Nga, việc bác bỏ vụ việc như một tổn thất nhỏ hoặc thậm chí là sự bịa đặt hoàn toàn sẽ giúp giảm nhẹ nhận thức về sự yếu kém.
Sự phụ thuộc vào các nền tảng mạng xã hội như X để cập nhật thông tin theo thời gian thực – như thấy trong các bài đăng của @tweetsNV và @censor_net – cho thấy tốc độ lan truyền của cả thông tin và tin giả. Tuy nhiên, khi không có bằng chứng gốc như ảnh xác máy bay hoặc tuyên bố chính thức, các nhà phân tích và quan sát viên chỉ có thể cố gắng ghép nối một bức tranh còn thiếu nhiều mảnh ghép.
Tác động của vụ việc vượt xa việc mất một chiếc máy bay. Nếu nguyên nhân thực sự là do phá hoại, điều đó sẽ cho thấy vai trò ngày càng gia tăng của chiến tranh phi đối xứng trong các cuộc xung đột hiện đại.
Thiết bị bay không người lái, các mối đe dọa từ bên trong và những hoạt động phá hoại quy mô nhỏ có thể mang lại hiệu ứng vượt trội, gây rối loạn hoạt động và buộc đối phương phải phân bổ nguồn lực cho phòng thủ. Đối với Liên bang Nga, việc bảo vệ các căn cứ không quân trước các mối đe dọa như vậy sẽ không chỉ đòi hỏi các biện pháp vật lý mà còn cần cả nỗ lực phản gián để ngăn chặn các vi phạm từ bên trong.
Về phía Ukraine, nếu thực sự đứng sau vụ tấn công, vụ việc này sẽ chứng minh khả năng của họ trong việc phóng chiếu sức mạnh vượt ra ngoài chiến trường, dù bản thân Ukraine cũng đang gặp nhiều thách thức trong việc duy trì lực lượng không quân – thể hiện qua việc mất một phi công F-16 trong chiến đấu vào ngày 13/4/2025, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).
Khi màn sương che phủ vụ việc Rostov-on-Don dần tan, điều còn lại là hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải đáp. Liệu một chiếc Su-30SM hiện đại thực sự đã bị phá hủy, hay đó chỉ là một chiếc Su-27 cũ kỹ bị hy sinh vì mục đích nào đó chưa rõ? Làm sao một căn cứ không quân được canh phòng nghiêm ngặt lại có thể trở thành nạn nhân của phá hoại? Và điều này nói lên điều gì về những lỗ hổng trong hệ thống quân sự của Liên bang Nga?
Câu trả lời có thể vẫn sẽ còn mơ hồ, nhưng vụ việc là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng: Ngay cả những hệ thống quân sự tiên tiến nhất cũng rất dễ bị tổn thương khi bị tấn công trên mặt đất. Hiện tại, cả thế giới chỉ biết theo dõi và chờ đợi những bằng chứng có thể sẽ không bao giờ xuất hiện – để rồi băn khoăn rằng: liệu đây là một hành động phản kháng táo bạo hay chỉ là một ảo ảnh được dàn dựng kỹ lưỡng trong cuộc chiến bóng tối đang diễn ra.
Từ góc nhìn phân tích, vụ việc tại Rostov-on-Don nhấn mạnh bản chất thay đổi của chiến tranh hiện đại – nơi các tài sản công nghệ cao ngày càng bị đe dọa bởi các chiến thuật phi đối xứng giá rẻ. Mặc dù việc phá hủy một máy bay chiến đấu duy nhất có ý nghĩa chiến thuật nhất định, nhưng khó có khả năng làm thay đổi cán cân chiến lược rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, điều này phơi bày một điểm yếu cốt lõi: bất kể công nghệ quân sự tiên tiến đến đâu, hiệu quả của nó vẫn phụ thuộc vào sự an toàn của cơ sở hạ tầng hậu cần. Đối với Liên bang Nga, đây có thể là lời cảnh tỉnh cần thiết để đánh giá lại hệ thống phòng thủ căn cứ và tăng cường đối phó với các mối đe dọa từ bên trong. Đối với các nhà quan sát, đây là một trường hợp điển hình cho những thách thức trong việc xác minh thông tin giữa không gian thông tin ngày càng phân cực và tranh chấp. Liệu vụ việc này có đánh dấu bước ngoặt trong cách bảo vệ các căn cứ không quân, hay chỉ là một ghi chú nhỏ trong cuộc xung đột lớn hơn? Chỉ thời gian – và có thể là bằng chứng mới – mới có thể đưa ra câu trả lời.
Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nghi-van-tu-vu-chien-dau-co-cua-nga-boc-chay-o-can-cu-quan-trong-ky-cuoi-20250425215121934.htm