S-400 khiến Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đối đầu tại Syria?

S-400 khiến Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đối đầu tại Syria?
6 giờ trướcBài gốc
Động thái này có thể là một phần trong chiến lược nhằm đổi lấy cơ hội quay trở lại chương trình tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, nếu được thực hiện, kế hoạch này nhiều khả năng sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới với Israel.
Các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tại căn cứ không quân ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 15/9/2019. (Nguồn: Getty Images)
Sau khi thiết lập quan hệ với chính quyền mới của Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa, Ankara đã khảo sát các căn cứ không quân tại miền trung nước này để chuẩn bị cho việc triển khai máy bay không người lái cùng các hệ thống phòng thủ.
Dù vậy, loạt hành động đó đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Israel, thể hiện qua các cuộc không kích nhằm vào những vị trí quân sự liên quan.
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang tiến hành đàm phán nhằm thiết lập cơ chế giảm thiểu nguy cơ xung đột, tránh xảy ra đối đầu trực tiếp. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan từng cảnh báo về nguy cơ các máy bay chiến đấu hai nước có thể chạm trán tại không phận Syria.
Ankara được cho là có kế hoạch xây dựng mạng lưới phòng không đa tầng xung quanh căn cứ T4 (Tiyas) ở tỉnh Homs, Syria. Ban đầu, hệ thống này sẽ sử dụng tổ hợp Hisar tầm ngắn và tầm trung, song khả năng triển khai cả tổ hợp S-400 không bị loại trừ.
Trong một bức thư gửi Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây, hai Hạ nghị sĩ Brad Schneider và Gus Bilirakis đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về kế hoạch này của Ankara. Họ cảnh báo rằng với tầm bắn lên đến 400 km cùng khả năng phát hiện các mục tiêu tàng hình, S-400 có thể "thay đổi hoàn toàn cục diện phòng không khu vực".
Theo các nghị sĩ Mỹ, nếu hệ thống được bố trí tại khu vực phía tây Syria, nó có thể gây trở ngại nghiêm trọng cho các chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào lực lượng Iran hoặc các tuyến vận chuyển của Hezbollah.
Bức thư cũng đặt vấn đề về quyền kiểm soát thực tế đối với tổ hợp này. Nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là bên điều hành, nguy cơ va chạm trực tiếp với lực lượng Israel sẽ luôn hiện hữu. Ngược lại, nếu hệ thống rơi vào tay quân đội Syria hoặc các nhóm vũ trang được hậu thuẫn, Mỹ sẽ mất thêm ảnh hưởng tại khu vực và khó kiểm soát tình hình, từ đó làm gia tăng bất ổn tại một vùng vốn đã rất nhạy cảm.
Dù vậy, trong trường hợp S-400 được triển khai tại căn cứ T4 hoặc các vị trí chiến lược khác ở Syria, nhiều khả năng hệ thống này vẫn do lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vận hành, tương tự như cách Nga từng triển khai tại Syria trước đây.
Tuy nhiên, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã đặt ra giả thuyết rằng Ankara có thể trao lại S-400 cho Damascus như một phần thỏa thuận nhằm dỡ bỏ lệnh cấm tham gia chương trình F-35.
Washington đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án F-35 từ năm 2019, sau khi nước này mua hệ thống phòng không của Nga. Mỹ yêu cầu Ankara phải loại bỏ hoàn toàn tổ hợp S-400 nếu muốn được quay trở lại.
Một số quan điểm tại Thổ Nhĩ Kỳ từng cho rằng việc bố trí S-400 tại Syria thay vì trên lãnh thổ quốc gia này có thể là một giải pháp trung gian. Song, nếu hệ thống được chuyển giao cho quân đội Syria, đây sẽ là một bước đi rất nhạy cảm, có nguy cơ dẫn đến các đòn tấn công quân sự từ Israel.
Ngoài ra, phía Nga từng nhiều lần khẳng định, hợp đồng bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép chuyển giao cho bên thứ ba nếu không có sự đồng thuận của Moscow. Trong bối cảnh Nga đang tìm cách duy trì quan hệ tích cực với chính phủ mới ở Damascus để giữ quyền tiếp cận các căn cứ ven biển, khả năng Moscow chấp thuận cho Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao hệ thống này cũng không thể bị loại trừ.
Các nghị sĩ Mỹ cũng nhấn mạnh rằng việc chuyển S-400 sang Syria sẽ không giúp Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi các lệnh trừng phạt theo Đạo luật CAATSA, bởi các biện pháp này đã được kích hoạt sau hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD giữa Ankara và ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Việc di dời hệ thống sau 6 năm không làm thay đổi bản chất hợp đồng.
Kể từ khi cựu Tổng thống Bashar al-Assad rời khỏi đất nước và tị nạn tại Moscow, các cuộc không kích của Israel đã phá hủy phần lớn kho vũ khí chiến lược còn lại của Syria, bao gồm cả các hệ thống phòng không do Nga cung cấp.
Xuân Minh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/s-400-khien-tho-nhi-ky-va-israel-doi-dau-tai-syria-169250425173027484.htm