Câu chuyện khoa học: Tập trung nguồn lực bảo vệ nguồn gen đặc hữu

Câu chuyện khoa học: Tập trung nguồn lực bảo vệ nguồn gen đặc hữu
3 giờ trướcBài gốc
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Bảo tồn và Sử dụng bền vững nguồn gen giai đoạn 2015 - 2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025 - 2030". Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã bảo tồn, lưu giữ được trên 80.000 nguồn gen đặc hữu, quý, hiếm.Cụ thể, tính đến năm 2023, thông qua các nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, tổng số nguồn gen được thu thập và lưu giữ được là 80.911, trong đó có 47.772 nguồn gen thực vật nông nghiệp, 5.768 nguồn gen cây lâm nghiệp, 7.039 nguồn gen dược liệu, 891 nguồn gen vật nuôi, 391 nguồn gen thủy sản, 19.050 nguồn gen vi sinh vật.Đặc biệt, trong những năm gần đây số lượng nguồn gen có giá trị làm thuốc đã được phát hiện và thu thập, bảo tồn khoảng trên 7.000 nguồn gen. Trong đó, đã đánh giá ban đầu trên 55.800 nguồn gen, đánh giá chi tiết trên 14.100 nguồn gen.Đây là nguồn vật liệu vô cùng quí, phục vụ cho công tác chọn tạo, lai tạo các giống mới có năng suất, chất lượng tốt hơn, giá trị cao hơn.
Với những công bố này của Bộ Khoa học và Công nghệ có thể thấy Việt Nam là một trong những nước có nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Tuy nhiên, sự đa dạng trên đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc khai thác bừa bãi thiếu ý thức, thiên tai, thói quen canh tác lạc hậu, gia tăng dân số…đã đe dọa tới nguồn tài nguyên di truyền quý giá này.
Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật là bảo vệ tài nguyên di truyền nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, cải tạo giống, đảm bảo duy trì được sự đa dạng sinh học và những tiền đề cần thiết về tài nguyên sinh học cho sự phát triển bền vững nền nông nghiệp hiện tại cũng như trong tương lai. Chính vì vậy tại Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Bảo tồn và Sử dụng bền vững nguồn gen giai đoạn 2015 - 2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025 - 2030", các đại biểu đã thảo luận đồng thời đề xuất các giải pháp, chính sách để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai công tác bảo tồn, đánh giá, khai thác và phát triển nguồn gen hiệu quả.
Gen là tài sản vô giá của quốc gia, là một trong những lợi thế quan trọng tạo sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa vào sinh học trong tương lai. Do đó, việc bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà cộng đồng và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng phải có ý thức thực hiện.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Kim Thanh
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/cau-chuyen-khoa-hoc-tap-trung-nguon-luc-bao-ve-nguon-gen-dac-huu-236947.htm