Niềm mơ ước lâu đời của người dân Cù Lao Dung
Không giấu được niềm vui, ông Đỗ Hoàng Thoại, ngụ ấp Chợ, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung bày tỏ: “Dịp 30/4 này, người dân Cù Lao Dung chúng tôi đón nhận 3 niềm vui lớn là thông cầu Đại Ngãi 2; người dân được lấy ý kiến về sáp nhập tỉnh, trở thành công dân của thành phố Cần Thơ (thành phố trực thuộc Trung ương) và mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Riêng đối với sự kiện cầu Đại Ngãi 2 bắc qua Cù Lao Dung, người dân chúng tôi vui như được trúng số độc đắc vậy! Vì tới đây có bao nhiêu cái lợi mà người dân chúng tôi được hưởng”.
Vốn là người dân cố cựu của địa phương, ở cái tuổi xế chiều, ông Thoại đã từng chứng kiến bao nỗi cơ cực, thiếu thốn của người dân và khó khăn nhất là sự bất tiện trong lưu thông. “Người dân tốn khá nhiều thời gian cho việc chờ đợi phà, gặp những trường hợp bệnh nặng rất nguy hiểm đến tính mạng. Việc tốn phí phà đò, vận chuyển hàng hóa khó khăn nên thường bị ép giá nông sản… Nhưng có chiếc cầu Đãi Ngãi sẽ không còn chuyện đó nữa. Hiện nay, Cù Lao Dung đang rất phát triển và sẽ phát triển hơn nữa nhờ có chiếc cầu Đại Ngãi này. Tôi nôn nao, trông chờ đến ngày thông cầu quá! Chỉ cần cho xe qua, chắc chắn, tôi sẽ chạy ngay đến xem, nghe nói cầu này quy mô và đẹp lắm”, ông Thoại định bụng.
Cầu Đại Ngãi 2 sắp thông xe, điều đó là niềm mơ ước lâu nay của người dân Cù Lao Dung (Sóc Trăng).
Cầu Đại Ngãi 2 là một phần trong Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, có tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Dự án này gồm 2 gói thầu xây lắp, trong đó gói thầu số 11-XL (thi công xây dựng cầu Đại Ngãi 2 và phần tuyến) được khởi công xây dựng từ tháng 10/2023 và gói thầu số 15-XL (cầu Đại Ngãi 1) đã được triển khai xây dựng từ tháng 12/2024. Cầu Đại Ngãi 2 và đường dẫn 5km phía bờ Sóc Trăng, nối huyện Cù Lao Dung với huyện Long Phú; phần cầu dài hơn 862m, rộng 17,5m, với 13 nhịp (nhịp chính dài 330m).
Chiếc cầu bắc qua sông, nối liền đôi bờ sông Hậu là niềm vui, phấn khởi mong chờ của bao người. Ông Đoàn Văn Tám, ngụ ấp An Phú A, xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung chia sẻ: “Nhà tôi ở gần, cứ chạy ra xem hoài, coi thử cầu Đại Ngãi 2 xây đã làm tới đâu. Người dân chúng tôi phấn khởi lắm, có cây cầu sẽ khỏe một phần gánh nặng chi phí phà, thu nhập sẽ tăng lên. Sau năm 50 thống nhất đất nước, quê hương Cù Lao Dung phát triển vượt bậc về kinh tế, đời sống nâng cao. Chiếc cầu Đại Ngãi sẽ là bước đột phá cho Cù Lao Dung trong sự phát triển kinh tế tới đây”. Hướng nhìn về chiếc cầu chuẩn bị thông xe và nghĩ về mảnh vườn 10.000m2 của mình, ông Tám mừng thầm trong bụng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc ở tương lai.
Dự án cầu Đại Ngãi được đầu tư hoàn thành và nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60 sẽ nâng cao năng lực vận tải cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì sẽ tạo được sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và bỏ thế độc đạo của Quốc lộ 1A, rút ngắn khoảng 80km so với tuyến Quốc lộ 1A khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về Thành phố Hồ Chí Minh.
Cù Lao Dung “cất cánh” trong tương lai
Cầu Đại Ngãi đã tác động không nhỏ trong chiến lược định hướng quy hoạch phát triển vùng huyện Cù Lao Dung đến năm 2040, tầm nhìn 2050. Đồng chí Trần Văn Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, theo quy hoạch sẽ xây dựng huyện trở thành nơi đáng sống, có hình ảnh đặc trưng hấp dẫn du khách và nhà đầu tư gắn với “thương hiệu xanh - sinh thái - bảo tồn cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa, đảm bảo quốc phòng - an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Lấy thị trấn Cù Lao Dung làm đô thị hạt nhân, mở rộng đô thị ra các xã phụ cận, làm nền tảng để đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa, phát triển trong tương lai. Xây dựng và phát triển các đô thị thông minh, điểm dân cư nông thôn kết hợp cảnh quan sông nước, thân thiện với môi trường thiên nhiên trên toàn vùng huyện; nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, giữ gìn bản sắc địa phương.
Về định hướng phát triển không gian vùng, toàn huyện được chia thành 3 tiểu vùng gồm: Tiểu vùng 1 phát triển đô thị - thương mại dịch vụ; Tiểu vùng 2 phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái miệt vườn và Tiểu vùng 3 phát triển thương mại dịch vụ sinh thái biển. Huyện sẽ tập trung kêu gọi đầu tư một số dự án phát triển du lịch lớn, như: Các khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển giáp rừng ngập mặn quy mô 1.800ha; các dự án khai thác du lịch sinh thái rừng ngập mặn quy mô 1.700ha và khu bãi bồi khoảng 16.000ha; khu du lịch “Cửa sổ đồng bằng sông Cửu Long” quy mô 200 - 250ha; khu du lịch ốc đảo Vàm Hồ quy mô 250 - 300ha; khu du lịch Đảo Khỉ quy mô 19 - 25ha; khu du lịch làng Long Ẩn quy mô 150 - 200ha; khu du lịch Sân Tiên quy mô 10 - 15ha...
Với những tiềm năng, lợi thế rất lớn, Cù Lao Dung có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Thời điểm khi dự án cầu Đại Ngãi hoàn thành thì huyện Cù Lao Dung hội đủ điều kiện vươn mình, tăng tốc, bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch và là nơi đáng sống của người dân, du khách trong và ngoài tỉnh trước điều kiện giao thông thuận lợi. Đặc biệt, với chủ trương sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vùng đất Cù Lao Dung dự kiến có 2 xã trực thuộc thành phố Cần Thơ (thành phố trực thuộc Trung ương) sẽ hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển, đột phá. Theo các cơ quan chức năng, do tình hình thực tế, nên việc thông xe (thông xe kỹ thuật) dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 6/2025.
SỚM MAI