Câu hỏi 'bẫy' nhận biết người nói dối mà quân đội Mỹ từng dùng để thẩm vấn

Câu hỏi 'bẫy' nhận biết người nói dối mà quân đội Mỹ từng dùng để thẩm vấn
7 giờ trướcBài gốc
Những lời nói dối tinh vi ngày càng khó nhận diện, việc hiểu rõ cách phát hiện dấu hiệu gian dối có thể trở thành kỹ năng sống thiết yếu. Chase Hughes, chuyên gia về hành vi, người sáng tạo nội dung YouTube ở Mỹ, vừa tiết lộ một số chiến thuật mà ông thường sử dụng để nhanh chóng nhận diện xem ai đó có đang nói dối hay không.
Chase Hughes từng phục vụ gần 20 năm trong Hải quân Mỹ, là nhà sáng lập và điều hành Applied Behavior Research - tổ chức chuyên nghiên cứu hành vi con người, là tác giả cuốn sách bán chạy The Ellipsis Manual, được mệnh danh là cẩm nang về thuyết phục và phân tích hành vi. Ngoài ra, ông còn là thành viên sáng lập The Behavior Panel, kênh YouTube chuyên giải mã hành vi con người, thu hút hơn 1 triệu người đăng ký.
Xuất hiện trên podcast của Robert Breedlove gần đây, Hughes chia sẻ nhiều nội dung hấp dẫn liên quan đến tâm lý và hành vi, từ cách bảo vệ bản thân khỏi sự thao túng cho đến việc phát hiện lời nói dối một cách hiệu quả. Trong đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của "câu hỏi mồi" - kỹ thuật giúp hé lộ sự thật ẩn giấu đằng sau những lời chối tội.
Chase Hughes là một chuyên gia về hành vi và là tác giả của cuốn sách bán chạy The Ellipsis Manual.
Câu hỏi mồi - chiếc bẫy ẩn dưới sự giả định
Theo Hughes, câu hỏi mồi là dạng câu hỏi chứa thông tin giả định nhằm quan sát phản ứng của người đối diện, từ đó đưa ra nhận định về tính trung thực của họ. Ông mô tả một ví dụ điển hình: "Giả sử ai đó bị nghi ngờ đá đổ thùng rác của hàng xóm. Khi hỏi họ, tôi không hỏi trực tiếp mà sẽ nói: 'Có lý do gì khiến ai đó nói rằng họ thấy anh ở khu vực đó không? Hay có khả năng xuất hiện gì đó trên camera không?'".
Điểm mấu chốt ở đây là người bị hỏi không được cung cấp bất kỳ bằng chứng thực sự nào. Họ không biết camera có thật hay không, không biết có ai làm chứng hay không. Chính sự mơ hồ đó khiến người có tội rơi vào trạng thái lo lắng cao độ. Trong khi đó, theo Hughes, người vô tội sẽ thẳng thắn phủ nhận mà không có biểu hiện lo âu nào đặc biệt.
“Não bộ chỉ rơi vào trạng thái hoảng loạn nếu bạn biết mình có tội và không rõ người đối diện biết đến đâu", ông phân tích. Điều đáng chú ý là kỹ thuật này không được tất cả giới chuyên gia đồng tình. Một số nghiên cứu khoa học cho rằng, câu hỏi mồi có thể bóp méo trí nhớ, khiến người bị hỏi tin vào những điều không thực sự xảy ra. Tuy vậy, Hughes khẳng định kỹ thuật này hiệu quả khi được sử dụng đúng bối cảnh.
Theo Chase Hughes, việc sử dụng hai loại câu hỏi - câu hỏi mồi và câu hỏi trừng phạt - có thể giúp nhận biết liệu ai đó có đang nói dối hay không.
Câu hỏi trừng phạt - khi cảm xúc tự nói lên tất cả
Sau khi sử dụng câu hỏi mồi để xác định dấu hiệu ban đầu, Chase Hughes chuyển sang kỹ thuật tiếp theo - đặt "câu hỏi trừng phạt". Loại câu hỏi này được thiết kế để đánh giá cảm xúc của người bị hỏi đối với hành vi đang bị nghi ngờ, từ đó củng cố nhận định về sự thật.
Ông mô tả ví dụ: "Chúng tôi đang cố gắng tìm ra kẻ đã làm chuyện này. Tôi chỉ tò mò, anh nghĩ điều gì sẽ xảy ra với người làm việc đó?". Câu trả lời sẽ hé lộ rất nhiều. Theo Hughes, người vô tội sẽ thường đưa ra câu trả lời mạnh mẽ, thể hiện mong muốn công lý được thực thi. Trong khi đó, người có tội có xu hướng né tránh hình phạt hoặc tỏ ra bao dung một cách bất thường.
“Người có tội thường trả lời rằng kẻ làm việc đó cần được trị liệu, được giúp đỡ vì họ là người bị tổn thương, không cần phải vào tùNhững người vô tội sẽ không bao giờ nói như vậy", Hughes nói.
Dù các kỹ thuật trên chủ yếu được sử dụng trong điều tra và phân tích hành vi chuyên sâu, chúng vẫn có thể được áp dụng trong đời sống hàng ngày, từ giao tiếp công sở, giáo dục con cái cho đến các mối quan hệ cá nhân. Theo Hughes, việc quan sát phản ứng cảm xúc, lựa chọn từ ngữ và mức độ lo lắng trong câu trả lời có thể cung cấp những manh mối quý giá về tính trung thực của người đối diện.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, những kỹ thuật này chỉ nên được sử dụng một cách có trách nhiệm, tránh biến thành công cụ gây tổn thương hay thao túng người khác. Trong mọi tình huống, yếu tố đạo đức và sự thấu cảm vẫn cần được đặt lên hàng đầu.
Nhật Thùy (Nguồn: Daily Mail)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/cau-hoi-bay-nhan-biet-nguoi-noi-doi-ma-quan-doi-my-tung-dung-de-tham-van-ar955531.html