Minh họa: BH
Tuổi ấy không chỉ là những ngày tháng rực rỡ của thanh xuân, mà còn là khoảng thời gian tâm hồn bâng khuâng, chứa đựng biết bao câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Những trăn trở ấy, tưởng chừng riêng tôi, lại hóa ra là tiếng vọng chung của biết bao thế hệ, qua từng trang ký ức và trải nghiệm khác nhau.
Tuổi đôi mươi không đơn giản chỉ là tuổi trẻ, cũng không chỉ là sự phơi phới của thanh xuân, mà còn chứa đựng những rung động mãnh liệt và khoảng lặng sâu thẳm trong tâm hồn. Bất chợt, tôi nhận ra rằng tuổi đôi mươi của mình khác hẳn “mãi mãi tuổi hai mươi” của thế hệ bom đạn trong những năm chiến tranh.
Tuổi đôi mươi của họ không chỉ là những ngày tháng học hành, vui chơi, mà còn là những tháng ngày gian khổ lẫn lòng dũng cảm phi thường. Tôi đã biết đến tuổi hai mươi ấy qua những trang nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, tuổi đôi mươi của anh là chiều dài, chiều rộng của mảnh vườn quê hương, là chiều sâu của những hố bom kẻ thù rải xuống. Là những ngày tháng cầm súng nhưng vẫn trăn trở về đúng sai, về lý tưởng và nhân cách. Là bác sĩ Đặng Thùy Trâm với những trang nhật ký có lửa, mà ngay cả người lính bên kia chiến tuyến còn thốt lên: “Đừng đốt! Ở trong đó có lửa rồi”. Đó là một thế hệ cầm súng chiến đấu vì hòa bình, độc lập, tự do của đất nước, của lãng mạn bất khuất và của cái tôi thiết tha cháy bỏng hòa cùng nhịp sống sục sôi của đất nước.
Còn những thế hệ sống trong hòa bình thì sao? Đó là câu hỏi tôi vẫn thường suy nghĩ mỗi khi nhìn lại chính mình. Chiều dài, chiều rộng và chiều sâu của cuộc sống nằm ở đâu? Những trăn trở về phút giây được sống thật sự là gì?
Thật khó để so sánh, dù khoảng cách giữa hai thế hệ ấy có thể là ba mươi, bốn mươi năm, nhưng trải nghiệm, hoàn cảnh và thách thức của mỗi người lại rất khác nhau. Họ đã sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ sau.
Thế hệ đôi mươi bây giờ, những cô cậu gen Z, đứng giữa thời đại số, với công nghệ phát triển vượt bậc và thế giới mở rộng chưa từng có. Nhưng dù là thế hệ nào, nếu biết sống có mục đích, lắng nghe chính mình và can đảm theo đuổi đam mê, sống có trách nhiệm với xã hội, thì cuộc đời này mới thật sự đáng sống.
Tản văn của Lê Ngọc Sơn (CTV)