'Cầu nối' đưa tín dụng chính sách đến với người nghèo

'Cầu nối' đưa tín dụng chính sách đến với người nghèo
7 giờ trướcBài gốc
Chị Hiao Liên (bìa trái)-Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn buôn Jứ Ma Nai, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa trao đổi với hộ vay vốn. Ảnh: M.L
Gần 10 năm qua, chị Hiao Liên-Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn buôn Jứ Ma Nai, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) vẫn bền bỉ gắn bó với công việc “vác tù và hàng tổng”. Những buổi họp dân, đến từng hộ hướng dẫn làm thủ tục vay vốn, vận động trả lãi, nộp tiết kiệm... đã gắn liền với nhịp sống hàng ngày của chị. “Điều khiến tôi kiên trì chính là niềm vui khi thấy bà con dần ổn định cuộc sống, có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh để vươn lên thoát nghèo, chăm lo con cái học hành, sửa sang nhà cửa…”-chị Hiao Liên chia sẻ.
Mỗi hộ dân, mỗi hoàn cảnh, có người vay vốn phát triển chăn nuôi, có người mua giống cây trồng, sửa nhà, chị đều “nằm lòng” từng câu chuyện để hướng dẫn, thu lãi, thu tiết kiệm đúng kỳ. “Có nhà bảo con đau, không có tiền trả lãi, tôi nói cứ đưa tạm 50 ngàn, còn lại tôi bù vào, rồi mai mốt có thì trả. Thương bà con nên giúp được thì giúp”-chị Hiao Liên bộc bạch.
Không chỉ là “cầu nối” để người nghèo tiếp cận nguồn tín dụng chính sách, chị Hiao Liên còn là người “truyền lửa”, hướng dẫn cách sử dụng vốn hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, tiếp thêm tự tin cho bà con trên hành trình thoát nghèo. Ông Kpăh Krik (buôn Jứ Ma Nai) phấn khởi kể: “Nhờ vay vốn chính sách, tôi đầu tư nuôi bò, làm chuồng trại. Giờ đàn bò đã lên hơn chục con, kinh tế gia đình khá hơn, con cái được học hành đầy đủ. Tất cả nhờ sự động viên, hướng dẫn của chị Hiao Liên mà gia đình tôi mới có ngày hôm nay”.
Tương tự, chị Phạm Thị Bé-Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ 10, phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa) dù không có lương, chỉ nhận được ít phần trăm hoa hồng nhưng vẫn gắn bó với công việc đầy trách nhiệm. “Đi làm hồ sơ, tập huấn, đến từng nhà vận động trả lãi, thu tiết kiệm… tuy vất vả nhưng vui vì giúp được bà con nghèo tiếp cận được nguồn vốn chính sách để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống”-chị Bé cho hay.
Hiện nay, thị xã Ayun Pa có 110 Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, lặng thầm làm “cầu nối” đưa tín dụng chính sách đến người dân. Với tổng dư nợ tính đến tháng 5-2025 đạt 301 tỷ đồng với hơn 5.400 khách hàng vay, con số này không chỉ phản ánh sự lan tỏa của nguồn vốn mà còn khắc họa tấm lòng của những người đứng đầu các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào chính sách của Đảng, Nhà nước.
Ông Bạch Thanh Long-Chủ tịch UBND phường Đoàn Kết khẳng định: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi để các tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, thường xuyên mời các hộ vay lên tuyên truyền, nhắc nhở sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng hạn”.
Cán bộ tín dụng huyện Phú Thiện trao đổi về vốn vay chính sách với gia đình anh Ksor Kueo (thứ 2 bìa phải). Ảnh: M.L
Cách thị xã Ayun Pa không xa, ở thôn Sô Ma Hang B, xã Ia Peng (huyện Phú Thiện), gia đình anh Ksor Kueo và chị R’Ô H’Mai vừa xây xong ngôi nhà mới khang trang. Anh Kueo xúc động nói: “Trước đây, tôi không dám vay vì sợ không biết xoay xở trả nợ. Nhưng chị R’Ô H’Leng-Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đến tận nhà, hướng dẫn từng bước, bảo đảm nếu dùng vốn đúng mục đích thì sẽ trả được vốn vay. Nhờ vậy, tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng mua bò, cải tạo đất trồng lúa, giờ gia đình tôi đã có nguồn thu ổn định”.
Từ một thôn gần như “trắng” nguồn vốn tín dụng, đến nay, hơn 90% hộ dân thôn Sô Ma Hang B đã mạnh dạn vay vốn. Tổng dư nợ do chị H’Leng quản lý hiện hơn 2,5 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. Không chỉ hỗ trợ làm hồ sơ, chị H’Leng còn đến tận vườn, chuồng trại kiểm tra, hướng dẫn bà con cách đầu tư phát triển sản xuất. “Trong 40 tổ viên vay vốn, hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo nên tôi luôn động viên họ sử dụng vốn đúng mục đích để ổn định kinh tế, thoát nghèo bền vững”-chị H’Leng cho biết.
Ông Nguyễn Quyết Thắng-Chủ tịch UBND xã Ia Peng-cho hay: “Các tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở thực sự là cầu nối quan trọng giữa Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chính quyền địa phương và người dân. Hiện xã có 16 tổ với tổng dư nợ trên 34 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. Kết quả ấy là nhờ sự tận tâm, trách nhiệm của các tổ trưởng”.
Cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn tư vấn cho các hộ nghèo, hộ chính sách để tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách. Ảnh: M.L
Tính đến tháng 5-2025, toàn tỉnh Gia Lai có 3.400 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó tổ xếp loại tốt chiếm 98%, khá 1,2%, trung bình 0,8%. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 7.880 tỷ đồng với hơn 152 ngàn hộ nghèo và đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Để đạt được kết quả ấy là hơn 1.900 tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, thông qua các tổ chức chính trị xã hội cấp cơ sở như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên....
Trao đổi với P.V, anh Nguyễn Chí Hiếu-Phó Bí thư Tỉnh đoàn-cho biết: “Tính đến tháng 5-2025, toàn tỉnh có 592 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn thanh niên phụ trách. Nhiều thanh niên đã vươn lên lập nghiệp, phát triển kinh tế, giải quyết đời sống gia đình. Không ít mô hình kinh tế từ vốn vay đã trở thành điển hình tiêu biểu”.
ĐINH YẾN- MINH LÝ
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/cau-noi-dua-tin-dung-chinh-sach-den-voi-nguoi-ngheo-post330378.html