Trong các cuộc khảo sát suốt 20 năm qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng, khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt chính là việc tiếp cận nguồn vốn. Gần đây, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân cũng đã nhấn mạnh đến việc khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay không chỉ dựa trên tài sản thế chấp mà còn dựa trên dòng tiền của dự án.
Vậy, nên hiểu thế nào về cơ chế cho vay theo dòng tiền?
Đó là việc các ngân hàng thẩm định và quyết định cấp tín dụng dựa trên khả năng tạo ra dòng tiền trong tương lai của một dự án hoặc của chính doanh nghiệp, không chỉ nhìn vào tài sản thế chấp doanh nghiệp có.
Thực ra, đây không phải là một chủ trương hoàn toàn mới. Lâu nay, các doanh nghiệp vẫn có thể vay vốn lưu động ngắn hạn dựa trên dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên của mình. Các ngân hàng có thể xem xét các hợp đồng đầu ra, các khoản phải thu, để quyết định cho vay. Tuy nhiên, đối với các khoản vay dài hạn, đặc biệt là vay để đầu tư vào các dự án lớn sẽ khác. Đa số các ngân hàng vẫn yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, tài sản đó thường là bất động sản có giá trị.
Việc quá phụ thuộc vào tài sản đảm bảo là bất động sản là một trong những nguyên nhân khiến giá nhà, giá đất khó có thể giảm sâu. Khi một bất động sản đã được thế chấp cho một khoản vay lớn tại ngân hàng, việc giảm giá không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp đi vay mà còn mang lại rủi ro lớn hơn cho chính ngân hàng. Tài sản đảm bảo bị sụt giảm giá trị có thể khiến khoản vay trở nên rủi ro hơn, ngân hàng sẽ phải có những biện pháp xử lý phức tạp.
Việc chuyển đổi sang mô hình cho vay dựa trên dòng tiền đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Yêu cầu các ngân hàng phải xây dựng được một cơ chế thẩm định tín dụng thực sự chuyên sâu và thận trọng. Đội ngũ chuyên viên thẩm định cũng phải có trình độ chuyên môn cao, không chỉ biết định giá tài sản, mà còn phải có khả năng phân tích, dự báo và đánh giá tính khả thi của một dự án kinh doanh. Bên cạnh đó, các cơ quan giám sát cũng cần phải nghiên cứu, tạo ra một hành lang pháp lý đủ rộng và an toàn để các ngân hàng có thể yên tâm triển khai cơ chế này.
Dù khó khăn, đây vẫn là hướng đi mà hệ thống ngân hàng cần phải theo đuổi. Bởi cơ chế cho vay theo dòng tiền sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho cả nền kinh tế. Nó sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp có ý tưởng tốt, có dự án khả thi nhưng chưa tích lũy được nhiều tài sản, có thể tiếp cận được nguồn vốn để theo đuổi các kế hoạch dài hạn của mình. Cơ chế này cũng giúp nguồn vốn tín dụng trong xã hội được phân bổ một cách công bằng và hiệu quả hơn, chảy vào các lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu và phát triển thay vì quá tập trung vào các dự án bất động sản và vô tình trở thành một yếu tố đẩy giá bất động sản lên cao.
Thực tế, không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng lợi, các doanh nghiệp lớn với hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất sản phẩm cũng rất cần cơ chế cho vay theo dòng tiền. Chủ trương phát triển kinh tế tư nhân sẽ không thể đi vào thực chất nếu như nguồn vốn tín dụng vẫn cứ mãi ưu tiên chảy vào những nơi được cho là "an toàn tuyệt đối" chỉ vì có nhiều bất động sản để thế chấp. Nền kinh tế cần một dòng vốn thông minh, biết tìm đến những nơi có khả năng tạo ra giá trị thực sự. Cho vay theo dòng tiền chính là một trong những công cụ quan trọng để hiện thực hóa điều đó.
Minh Thư