Cầu thủ Anh bỏ sự nghiệp bóng đá, thành CEO triệu phú

Cầu thủ Anh bỏ sự nghiệp bóng đá, thành CEO triệu phú
9 giờ trướcBài gốc
Quá khứ cơ cực ám ảnh CEO, khiến anh sống tiết kiệm và giản dị dù sở hữu công ty tỷ USD. Ảnh: Jon Super/FT.
“Tôi chưa từng mua đồng hồ đắt tiền, cũng không tiêu tốn nhiều vào quần áo. Tôi chỉ bay hạng phổ thông, kể cả khi sang Australia. Tiêu tiền không khiến tôi thấy vui", Tom Beahon (35 tuổi), đồng sáng lập kiêm đồng CEO Castor, nói với Financial Times.
Thành CEO vẫn sợ 'rỗng túi'
Sinh ra trong một gia đình lao động ở miền Bắc nước Anh, Tom Beahon từng là cầu thủ trẻ của Tranmere Rovers, sau đó chơi cho CLB Jerez Industrial CF tại Tây Ban Nha. Sự nghiệp bóng đá khép lại từ rất sớm, khi anh cùng em trai Philip Beahon rẽ hướng sang lĩnh vực tài chính ở London (Anh) để gom vốn khởi nghiệp.
Tom vào làm tại ngân hàng Lloyds Bank, còn Philip làm cho công ty tài chính Deloitte. Đến năm 2015, họ chính thức thành lập thương hiệu thể thao Castore.
3 năm đầu, hai anh em chỉ trả lương cho mình 1.000 GBP/tháng (khoảng 1.355 USD). Tom quay về sống cùng cha mẹ, còn vợ chưa cưới của Philip phải trả tiền thuê nhà giúp anh.
Tom Beahon (bên phải) và em trai Philip. Ảnh: Castor.
"Đó là giai đoạn tài chính rất khó khăn”, CEO 35 tuổi nhớ lại. Nhưng ngay cả khi Castore tiệm cận mốc định giá 1 tỷ GBP vào năm 2023, anh vẫn không thay đổi lối sống tiết kiệm.
“Tôi từng thử nghĩ: 'Hay là tự thưởng gì đó cho bản thân?', nhưng tôi vốn là người thích tiết kiệm hơn là tiêu xài. Có lẽ vì tôi từng sống trong nỗi sợ mỗi ngày rằng mình sẽ hết tiền”, anh thừa nhận.
Thay vì tiêu tiền cho bản thân, Beahon dành để chăm lo cho cha mẹ.
“Họ đang ở giai đoạn nên được hưởng thụ”, anh nói, cho biết mình sẵn sàng chi trả kỳ nghỉ, vé máy bay hạng thương gia cho bố mẹ, còn bản thân vẫn miệt mài “ở giai đoạn xây dựng”, làm việc không nghỉ.
Tom cho rằng sự tiết kiệm là phản xạ xuất phát từ hoàn cảnh.
“Ngày xưa, tôi gặp nhiều doanh nhân trẻ và thấy họ có điểm chung là đều có ‘phao cứu sinh’. Họ có cha mẹ sẵn sàng rót tiền nếu thất bại. Tôi thì không”, doanh nhân 35 tuổi tâm sự.
Gia đình Beahon không mấy dư dả khi mẹ là giáo viên, cha làm công trường. Để hai con có vốn khởi nghiệp, họ từng cân nhắc thế chấp lại nhà. Với Beahon, khởi nghiệp không phải để làm giàu, mà để thoát khỏi nỗi bất an kinh tế, điều ông từng thấy cha mình mang theo suốt đời.
“Thành công với tôi không nằm ở con số cụ thể, mà ở cảm giác an toàn”, anh nói.
Nhiều triệu phú vẫn sống giản dị
Beahon không phải là người duy nhất giữ thói quen tiết kiệm dù đã đạt được thành công lớn. Lucy Guo, tỷ phú tự thân trẻ nhất từng vượt qua Taylor Swift, vẫn mua sắm tại Shein và lái chiếc Honda Civic đi làm.
Nhà đầu tư nổi tiếng Mark Cuban cũng từng không đi nghỉ dưỡng trong 7 năm đầu xây dựng công ty MicroSolutions, sống chen chúc trong căn hộ 3 phòng ngủ cùng 5 người bạn.
“Tôi từng nghèo rớt mùng tơi", Cuban chia sẻ, nhớ lại những ngày ngủ trên sàn nhà và làm việc không ngừng vì sợ thất bại.
Tỷ phú Lucy Guo thường mặc quần áo bình dân từ Shein, sử dụng xe Honda Civic cũ. Ảnh: @guoforit/IG.
Nữ diễn viên Keke Palmer, dù trở thành triệu phú từ năm 12 tuổi, cũng giữ lối sống tiết kiệm. Cô cho biết dù có hàng triệu USD, cô vẫn chọn thuê nhà giá 1.500 USD và sử dụng xe giá phải chăng thay vì những chiếc xe sang như Bentley.
“Tôi học được từ bố mẹ về việc biết giới hạn tài chính của mình. Tôi tin vào việc tiết kiệm và sống dưới mức thu nhập", Palmer nói với CNBC Make It.
Kelly Cook, CEO của David’s Bridal, cũng từng trải qua những ngày khó khăn khi còn là bà mẹ đơn thân, sống dựa vào đậu và bánh ngô để tiết kiệm chi phí. Giờ đây, bà điều hành một đế chế thời trang cưới với 200 cửa hàng trên khắp Mỹ và Canada, quản lý khoảng 5.000 nhân viên.
Như Phương
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/cau-thu-anh-bo-su-nghiep-bong-da-thanh-ceo-trieu-phu-post1568261.html