Vậy mà có những thứ cứ rực rỡ trong nắng. Càng nắng càng ngon. Đó là những trái xoài đang đung đưa trong gió. Đương mùa xoài, khắp các chợ, vỉa hè đều thấy người ta bày bán xoài. Thôi thì đủ loại: xoài Thái xanh, xoài Đài Loan, xoài cóc, xoài mủ… Đang phân vân tự hỏi xoài ở đâu mà nhiều thế thì mới sực nhớ ra ở cái xứ của nắng, gió và cát này chỉ có cây xoài là thích nghi được. Hồi xưa người ta hay trồng xoài trong sân nhà vừa có trái ăn lại vừa có bóng mát. Ở nhà tự của bên nội cái khoảng sân được vây quanh bởi bốn cây xoài to, mát rượi. Tới mùa, con cháu về chơi, đứa nào thích thì hái ăn. Ông chú còn làm sẵn cây móc để hái xoài cho tụi cháu. Xoài mủ thôi. Cái giống xoài từ hồi xưa lắc. Sau này mới có giống xoài Thái, xoài Đài Loan và nhiều giống khác nữa. Thành ra giờ người ta chẳng chuộng xoài mủ, bán ai đâu mua. Xoài mủ chua, chín thịt lại mềm quá, vị thì chẳng ngọt, chẳng thơm bằng các loại xoài khác. Thành ra xoài mủ giờ ít người ăn, chín rụng đầy gốc. Chỉ còn lũ chim chẳng chê thường hay mổ trộm, hay lũ gà tiếc xoài rụng dưới gốc mà ăn. Ngẫm cuộc đời này thứ gì cũng vậy đâu chỉ riêng xoài mủ, cái gì rồi cũng trở thành xưa cũ, cũng sẽ bị lãng quên. Bể dâu đổi dời ai mà tránh được.
Nghe chú kể những cây xoài này đều do ông nội trồng, tuổi của chúng còn lớn hơn tuổi của chú. Năm nay chú bảy mươi, vậy là những cây xoài này gần trăm năm tuổi rồi chứ chẳng chơi. Hèn chi gốc to, vững chãi đến vậy. Chồng tôi bảo ông nội là người rất thương con cháu. Trong vườn, ông trồng nhiều loại cây ăn trái, nào xoài, nào thị, nào cây trứng gà, nào mít, nào me. Hễ đi chơi ở đâu thấy cây nào ăn ngon ông đều xin hạt về trồng. Cây khế ngọt ông trồng phía sau nhà tự, gốc to bằng hai vòng tay người lớn, trái mọng nước sum xuê, dáng thế đẹp. Tiếc rằng khi ông mất đi, chú quản nhà tự, không còn yêu thích mấy cái cây trong vườn nữa. Hễ có ai trả giá cao là chú bán mất. Cây khế đẹp quá nên được giá cao. Chú bán. Rồi cây thị, cây me. Giờ chỉ còn lại mấy cây xoài là còn trụ lại. Xoài thì chẳng ai thèm mua làm kiểng, gỗ cũng chẳng được tiền. Vậy là chúng may mắn thoát nạn, sừng sững đứng che rợp mát khu vườn.
Mỗi lần về nhà tự, tôi hay bắt chồng lấy sào hái xoài. Không phải vì thèm mà vì tiếc. Xoài chín rụng đầy gốc chẳng ai ăn, trên cây thì trái sai oằn nhánh. Tiếc quá hái xoài sống đem về trộn cá khô hay chấm mắm đường ăn. Chồng tôi hái cho một túi lớn, về nhà ăn lay ăn lắt mãi mới hết, đâm ra sợ xoài. Vậy mà lần sau về lại cũng bắt chồng hái. Anh cười hỏi “vẫn chưa ngán à”. Ngán thì có ngán thật mà tại tiếc nên không đành lòng nhìn xoài chín rụng.
Thật ra thì xoài mủ cũng có vị ngon của nó. Lúc trái vừa già, đem bào mỏng trộn cá khô thì ngon hết sảy. Hoặc làm chén mắm đường dầm ớt thiệt cay, vừa ăn vừa hít hà thì còn gì bằng. Món này hồi nhỏ là món ăn vặt ưa thích của lũ chúng tôi. Hồi đó chẳng có quà bánh nhiều, phần cũng vì chẳng có tiền ăn vặt, nên chúng tôi vẫn hay rình trộm xoài nhà hàng xóm, xúm nhau ăn mắm đường như thế này. “Nhà đông con cơm không cũng hết”, xoài chua, mắm cay tét lưỡi vậy mà loáng cái đã hết sạch. Cả bọn vừa hít hà vừa nhìn nhau cười khoái trá, hò hẹn trưa mai trộm xoài ăn tiếp. Giờ thì lũ trẻ chẳng thèm món này nữa. Chúng nó thích ăn bánh tráng trộn, gà rán, hamburger, thích vào rạp xem phim, ở phòng máy lạnh… nào còn thích cái thú vui quê mùa trưa trưa tụ tập trộn xoài ăn như chúng tôi hồi xưa nữa.
Thời thế tạo anh hùng. Người xưa nói thâm thúy thật. Cuộc sống không ngừng đổi thay từng ngày, người ta dĩ nhiên ưa thích cái mới hơn. Những cái cũ xưa sẽ dần bị lãng quên. Có những thứ cũ xưa sẽ bị loại bỏ, rồi chỉ còn trong ký ức của những người già, khi lớp người đó chết đi, nó cũng theo họ vào lòng đất, vĩnh viễn biến mất, may mắn thì được ghi chép vào sách vở, còn không thì kết thúc sự tồn tại của mình mãi mãi. Tôi thực sự không mong muốn điều đó xảy ra với giống xoài mủ. Tôi ao ước những cây xoài trong sân nhà tự vẫn sừng sững đứng đó, những mùa hè, trái oằn cây, và chúng vẫn vô tư reo đùa cùng gió chẳng hề biết đến sự ghẻ lạnh của con người…
KHÁNH NGÂN