Miệt mài hái điều
Một buổi sáng cuối tháng 4, theo chân bác Phi – người nông dân gắn bó cả đời với vườn điều ở xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam), tôi háo hức bắt đầu một ngày trải nghiệm công việc hái điều. Mới hơn 5 giờ sáng, trời còn mờ sương, bác Phi đã chuẩn bị xong đôi găng tay, mấy chiếc bao tải, nước uống và vài ổ bánh mì lót dạ. “Đi hái điều là phải đi sớm, nắng lên là đổ mồ hôi như tắm”, bác nói, vừa buộc lại dây giày vừa cười. Nhìn dáng bác nhỏ thó, làn da sạm nắng và bước chân thoăn thoắt, tôi cảm nhận được tình yêu của một người nông dân hơn 60 tuổi dành cho mảnh vườn gắn bó từ thời còn trẻ.
Ánh mặt trời tháng 4 ở Thuận Quý không gay gắt ngay từ sớm, nhưng chỉ cần quá 8 giờ là cả đồi điều như bốc hơi trong cái nắng hắt xuống từ trời cao. Nắng miền duyên hải không vàng dịu như ở cao nguyên, cũng chẳng oi bức như nắng đồng bằng – mà là thứ nắng sắc lẹm, khô khốc, rát rạt trên da thịt, như rắc lửa xuống mặt đất đỏ au. Đứng dưới bóng cây điều, vẫn cảm thấy hơi nóng từ đất phả ngược lên. Gió cũng lười thổi, chỉ có mùi nhựa điều nhè nhẹ lan trong không gian thinh lặng. Chuyến đi hôm ấy, ngoài tôi và bác Phi còn có hai người thân trong gia đình bác. Xe máy rẽ vào con đường đất đỏ dẫn đến vườn điều gần 30 năm tuổi, rộng hơn 1 ha, trải dài trên quả đồi thấp. Cây điều cao lớn, tán lá xòe rộng, phủ rợp cả khoảng đất phía dưới. Không khí buổi sáng trong lành, dịu nhẹ, khiến lòng tôi chợt lắng lại.
Vì lần đầu đi hái điều, tôi háo hức gom gom nhặt nhặt, tay vặn từng hạt một cách vụng về mà lòng thì rộn ràng như trẻ con được đi chơi xa. Cảm giác cúi xuống nhặt trái điều đầu tiên dưới lớp lá khô sột soạt khiến tôi như bước vào một thế giới hoàn toàn khác – thế giới của đất, của cây, của lao động chân chất, không ồn ào mà cũng chẳng hối hả. Nhưng chỉ chưa đầy 30 phút, cái háo hức ban đầu nhường chỗ cho cơn mỏi lưng, tê tay, mồ hôi ướt đẫm áo. Tôi bắt đầu thấm thía nhịp sống nhẫn nại mà người dân nơi đây đã quen suốt bao mùa điều chín. Trong khi đó, bác Phi và mọi người vẫn đều tay làm việc, di chuyển khéo léo giữa lớp lá khô rợp kín mặt đất. Mỗi tiếng đồng hồ, một bao tải dần đầy. Từ 5 giờ sáng đến khoảng 2 giờ chiều, nhóm chúng tôi hái được chừng 35 kg hạt – thành quả đáng nể sau gần 10 tiếng miệt mài dưới nắng.
Một góc vườn điều của gia đình bác Phi.
Giữ điều, giữ nghĩa
Giữa buổi trưa, mọi người ngồi nghỉ dưới gốc điều cổ thụ. Chia nhau ổ bánh mì mang theo, uống ngụm nước mát, chẳng ai than mệt. Bác Phi vừa nhai bánh mì vừa nói: “Năm nay điều sai trái, mà thương lái trả giá cũng tốt. Tầm 35.000 - 37.000 đồng/kg hạt tươi, tính ra mỗi ngày hái được vài chục ký là đỡ lắm rồi!”. Tôi hỏi bác có nhớ vụ điều nào thất nhất không, bác gật đầu: “Cách đây 3 năm, nắng quá, điều ra bông không đậu trái. Có vườn phải cưa gốc. Mà cũng có năm, điều tốt mà rớt giá, bán không đủ tiền mua phân”. Chính vì vậy, mùa điều năm nay khiến người dân Thuận Quý phấn khởi. Không chỉ vì “được mùa, được giá”, mà còn bởi tinh thần lạc quan sống còn của người trồng điều lâu năm như bác Phi – dẫu trải qua bao thăng trầm, vẫn không nản lòng, vẫn coi cây điều như người bạn thủy chung.
Bác Phi thu gom trái điều chín rụng.
Theo bác Phi, hái điều không giống những công việc đồng áng quen thuộc khác. Trái điều khi chín sẽ tự rụng xuống đất. Người hái không dùng dao cắt hay trèo lên cây, mà phải lần tìm từng trái chín rơi, tách phần hạt rồi cho vào sọt. Cứ thế, nhặt – gom – vặn, lặp đi lặp lại cả buổi sáng. Trái điều gồm hai phần: Phần trái màu đỏ cam hoặc vàng tươi (gọi là mít điều), mọng nước nhưng dễ giập, thường bị bỏ lại. Phần hạt – phần có giá trị kinh tế – nằm đính phía dưới, nhỏ và cong cong như lưỡi liềm. Nhựa điều bám dính và gây rát tay nếu tiếp xúc lâu. Người đi hái phải đeo găng hoặc lót vải, vừa để tránh trầy xước, vừa chống phồng rộp da.
Ngồi nghỉ dưới gốc điều, tôi tranh thủ hỏi bác Phi về cách chăm sóc vườn điều. Bác cười hiền, nhấc bình nước đưa tôi rồi bắt đầu kể: “Điều tưởng dễ mà không dễ đâu cháu. Nó chịu hạn tốt thiệt, nhưng muốn có trái nhiều, hạt mẩy thì phải lo cho nó cả năm”. Theo bác, điều ra hoa vào khoảng tháng 12 âm lịch, khi tiết trời hanh khô. Trước đó, từ tháng 9–10, người trồng phải dọn cỏ, phát tán, cắt tỉa những cành già, cành sâu để cây tập trung dưỡng chất cho đợt ra hoa. Sau đó là bón phân, thường là phân chuồng hoai mục trộn với ít NPK. Những hộ có điều kiện còn dùng chế phẩm sinh học để kích thích ra hoa đồng loạt. Khi hoa nở, gặp mưa là hỏng hết. “Trời mà mưa vào dịp đó là xác định thất mùa”, bác Phi nói. Nếu thời tiết thuận, hoa đậu trái tốt thì chỉ hơn 2 tháng sau là bắt đầu có điều rụng để hái. Trong mùa thu hoạch, người dân tranh thủ nhặt nhanh vì điều để lâu dưới đất dễ bị sâu, lên mốc hoặc mọc mầm, mất giá.
Hạt điều tươi vừa được bác Phi thu hoạch xong.
Ngừng một chút, bác kể thêm về cuộc đời mình. Quê gốc ở Phú Quý, hai vợ chồng đi kinh tế mới ở xã Thuận Quý từ năm 1979. “Lúc đầu chỉ dựng căn chòi nhỏ, xin đất trồng đậu, trồng bắp. Mãi sau mới chuyển sang trồng điều, hồi đó ai cũng nói “trồng cho vui” chứ không ai tin cây điều nuôi được người”. Thế mà giờ đây, vườn điều ấy đã nuôi lớn bốn đứa con bác ăn học đàng hoàng. Đứa nào cũng có công ăn việc làm ổn định, lập gia đình, xây dựng cuộc sống riêng. “Bữa trước, có thằng cháu ở phố về, nó hỏi sao không chặt điều trồng thanh long hay xoài Úc, thu nhập cao hơn. Nhưng tui nói, không phải cái gì cũng đổi. Cây điều này nó như ông bà mình vậy, có tình, có nghĩa, sống chết gì cũng giữ lấy”. Câu chuyện của bác khiến tôi lặng người. Giữa thời đại chạy theo năng suất, hiệu quả, vẫn có những người chọn thủy chung với cây điều. Có lẽ vì thế, điều ở Thuận Quý mới ngọt, mới bền và vẫn mãi là nguồn sống của bao người.
Buổi chiều, bác Phi chở bao điều về cân cho thương lái quen. Cân xong, bác xoa tay, ánh mắt rạng rỡ. “Chừng 1,2 triệu đồng đó cháu. Trừ mấy đồng nước uống, bữa nay coi như thắng rồi!”. Tôi cười theo niềm vui của bác, thấy lòng mình đầy ắp tình cảm. Tối về, tôi vẫn nhớ mùi nhựa điều bám trên tay, nhớ giọng cười sảng khoái của bác Phi giữa trưa nắng. Tôi hiểu rằng, sau mỗi mùa điều, không chỉ là những bao hạt đầy ắp, mà còn là sự chắt chiu, nhẫn nại và hy vọng được vun đắp từ những con người chân chất nơi vùng quê gió cát.
Và trong một khoảnh khắc rất lặng, tôi chợt nhận ra: Đôi khi, để hiểu một vùng đất, chỉ cần cúi xuống nhặt một trái điều rơi – là đủ.
GHI CHÉP: THU HÀ