Không cần biết lịch sử và các động cơ cho chuyện tình của họ có là gì, Caesar đã bị Cleopatra hút hồn tới nỗi ngay lập tức ông cho tìm kiếm em trai cô tới nhằm hòa giải hai chị em họ ngay trong đêm đó. Ptolemy kinh ngạc khi thấy Cleopatra ngay trong chính cung điện của mình ngồi bên cạnh Caesar. Thậm chí cậu còn kinh ngạc hơn khi nhận ra Caesar đã đứng về phía Cleopatra trong cuộc tranh chấp.
Chàng thanh niên trẻ lao ra ngoài vào đám đông đang bu lại sáng sớm hôm đó, la hét chửi rủa sự phản bội của La Mã, giật vương miện xuống khỏi đầu và sụp xuống trong nước mắt. Người Alexandria biết rõ Ptolemy là một đứa trẻ hư đốn và là con rối của các quan cận thần, nhưng họ căm phẫn khi thấy người của mình bị một tên quan chấp chính La Mã làm nhục. Đám đông nhao lên giận dữ và chẳng bao lâu đe dọa sẽ tràn vào cung điện bằng vũ lực.
Caesar nhanh chóng xuất hiện trước mắt họ và cam đoan với họ rằng những ý định cùa ông hợp với đạo lý - ông chỉ đơn thuần muốn thực hiện những ước nguyện của nhà vua quá cố, Ptolemy Auletes, và mang lại hòa bình cho vùng đất đang hỗn loạn này.
Ông triệu tập một cuộc họp hội đồng nhân dân ở Alexandria và thúc giục người dân khôi phục lại chế độ cùng trị vì của vị vua trẻ Ptolemy và nữ hoàng Cleopatra. Với tư cách là nhà lãnh đạo thành Rome, thậm chí ông còn dỗ ngọt bằng cách hứa hẹn sẽ khôi phục sự cai trị của Ai Cập tại đảo Síp, đã được Cato sáp nhập vào La Mã nhiều năm về trước.
Mối tình lịch sử mang động cơ chính trị của Caesar và Cleopatra. Ảnh: YouTube.
Phải mất vài ngày để Caesar cố gắng xoa dịu người dân Alexandria và hòa giải các phe phái tại triều đình. Đúng lúc ông nghĩ rằng mình có thể sắp đạt được tiến triển thì nhận được tin Achillas bất thình lình đến ngoài rìa thành phố với 20.000 binh lính thiện chiến, gấp năm lần các lực lượng của Caesar.
Hải quân Ai Cập đang đe dọa các thuyền của ông tại bến cảng, trong khi người dân Aleandria thì đang tấn công binh lính của ông từ khắp mọi phía. Caesar cử các sứ giả, trong đội ngũ ấy có cả con nuôi của Mithridates, đến Syria và Tiểu Á chiêu mộ thêm binh lính, nhưng bất kỳ đội quân cứu viện nào sớm nhất cũng phải mất vài tuần mới tới.
Caesar tóm được chàng thiếu niên Ptolemy trước khi cậu ta kịp trốn khỏi cung điện và tống giam cậu ta. Ông cho bắt giữ và hành hình tên thái giám Pothinus, kẻ chủ mưu phong trào chống quân La Mã. Nhưng Caesar và binh lính với quân số ít ỏi của ông lúc này bị mắc kẹt bên trong một thành phố thù địch giữa một triệu người Hy Lạp cuồng nộ đang nhất quyết muốn xin huyết người La Mã. Một trong những đợt chiến tranh đô thị ác liệt nhất trong lịch sử thế giới cổ đại sắp bắt đầu.
Caesar chiếm giữ phạm vi bên trong cung điện và vùng đầm lầy nhìn ra phía nam với vài nghìn lính bộ binh cũng như vài trăm kỵ binh. Ông cũng kiểm soát các cầu tàu của khu phố hoàng gia và một hạm đội nhỏ các con tàu tại bến cảng gần đó. Nhưng lúc này, Achillas tung quân chống lại thành lũy của Caesar bằng tất cả sức mình, trong khi người Alexandria bên ngoài vùng chiến sự cũng tụ tập lại tấn công quân La Mã.
Caesar đẩy lui cuộc tấn công đầu tiên vào cung điện, nhưng ông sớm nhận ra mình đang ở trong một cuộc chiến rất khác với những gì ông từng đối mặt. Ông đã bao vây và chinh phục rất nhiều thành phố trong cả sự nghiệp của mình, nhưng ông chưa từng triển khai thế trận phòng thủ trong môi trường đô thị.
Alexandria chật chội đến nỗi còn chẳng có chỗ để triển khai các động thái điều binh truyền thống trên chiến trường và chắc chắn không đủ không gian để triển khai kị binh theo bất kỳ phương sách nào hữu ích. Cuộc chiến diễn ra từ nhà này sang nhà khác, suốt cả ngày đêm, việc tiến công hay thoái lui chỉ tính bằng mét chứ không tính được bằng dặm. Càng rắc rối hơn nữa, các nguồn tiếp tế của Caesar đang cạn kiệt rất nhanh và nguồn nước ngọt chỉ còn rất giới hạn.
Caesar ra lệnh cho binh lính xây dựng các công sự kiên cố, các đường hào được che chắn phòng thủ, và các ngọn tháp quân sự xung quanh khu cung điện. Để tiến công dọc theo các dãy phố được phòng vệ cẩn mật, binh lính La Mã áp dụng một kỹ thuật tác chiến đô thị tương đồng đến ngạc nhiên với thời nay.
Thay vì tấn công một ngôi nhà thông qua các cánh cửa được bảo vệ chặt chẽ, họ lại sử dụng các phiến gỗ nặng xuyên phá các bức tường từ những căn nhà liền kề. Lính La Mã sau đó sẽ ùa vào qua lỗ hổng vừa tạo, giết chết các lính hộ vệ, rồi lặp lại quy trình ấy với căn nhà kế tiếp.
Caesar cũng phá hủy vô số tòa nhà nhằm tạo ra một khoảng trống không người nguy hiểm quanh biên giới chiến đấu của mình. Ông chỉ có thể thầm tạ ơn trời rằng, không giống như các thành phố của Gaul xây bằng gỗ và rơm khô, các ngôi nhà của người Alexandria ông chiếm giữ rõ ràng thuộc loại chịu lửa bằng các bức tường và mái nhà bằng gạch đất.
Không hành động nào của Caesar đe dọa chút nào đến người Alexandria. Những người đưa tin tỏa ra khắp các thành phố ở Ai Cập để kêu gọi thêm người tới tham gia vào cuộc chiến chống lại quân La Mã đáng ghét. Hàng nghìn người ùa vào thành phố, hai tay ôm đầy vũ khí, kéo theo sau lưng những bộ nỏ cỡ lớn và máy bắn đá. Các xưởng rèn lao, kiếm và các vũ khí khác đỏ lửa suốt cả đêm ở khắp Alexandria.
Các ông chủ giàu có thậm chí còn trang bị vũ khí cho cả những nô lệ tin cẩn và cử họ tham gia bảo vệ những điểm trọng yếu trong thành phố, cho phép quân nhân chuyên nghiệp di chuyển tự do dọc các chiến tuyến khi cần thiết. Người dân thành phố đã dựng các rào chắn bảo vệ bằng đá cao đến bốn mươi feet chạy ngang qua các con phố, xây bổ sung thêm các ngọn tháp cao ngất để trút những cơn mưa tên và đá xuống quân La Mã khi các tòa nhà gần đó quá thấp. Các công dân Alexandria còn xây cả các tháp di động do bò đực kéo nhằm yểm trợ cho bất cứ khu phố nào bị lính quân đoàn La Mã đe dọa.
Philip Freeman/Bách Việt Books-NXB Dân Trí