Tại Hội nghị Data Center & Cloud Infrastructure (DCCI) Summit 2025, ông Lê Bá Tân, CEO Viettel IDC nhận định, Việt Nam đang có lợi thế về giá điện tương đối rẻ, quỹ đất dồi dào... khi phát triển trung tâm dữ liệu.
"Chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu của chúng ta có một lợi thế rất lớn, mức đầu tư khoảng 6,7 triệu USD/MW. Mức phổ biến trong khu vực là khoảng 8,5 triệu USD/MW, mức cao là 11,2 triệu USD/MW. Chúng ta đầu tư chỉ tốn cỡ một nửa chi phí so với nhiều đất nước khác", ông Lê Bá Tân phân tích.
Do vậy, dịch vụ cho thuê chỗ đặt máy chủ của Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực cũng như trên thế giới từ 40 - 80%. Yếu tố này tạo nên sức cạnh tranh, giúp tiếp cận đối tác và rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư khi có nhu cầu đặt các dịch vụ máy chủ tại Việt Nam.
CEO Viettel IDC Lê Bá Tân nhận định thị trường trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ bùng nổ trong tương lai không xa với những điều kiện thuận lợi về chi phí, giá thành và sự phát triển nhu cầu xử lý tính năng AI. (Ảnh: Viettel IDC)
Tại khu vực Đông Nam Á đang diễn ra tình trạng cung vượt cầu, trong khi tại Việt Nam, nhu cầu hiện nay lại đang vượt qua khả năng cung cấp hạ tầng trung tâm dữ liệu tới 38%. Việt Nam cũng đặt mục tiêu có 15 tuyến cáp quang biển vào năm 2030. Đây là những cơ hội rất lớn để các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục phát triển và sẵn sàng đầu tư.
Nhiều tập đoàn công nghệ quốc tế lớn đang mở rộng trung tâm dữ liệu tại khu vực châu Á. (Ảnh: Mạnh Hùng)
Ông Lê Bá Tân cũng chỉ ra, nhiều bigtech như Google, Amazon Web Services (AWS), Microsoft... đã đặt các trung tâm dữ liệu tại châu Á dựa theo sự dịch chuyển về khu vực có nhiều khách hàng và thị trường lớn, đồng thời tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ dữ liệu của các quốc gia. Việt Nam sẽ không nằm ngoài xu hướng này.
AI cũng chính là động lực thúc đẩy nhu cầu tăng trưởng về dung lượng của trung tâm dữ liệu. Theo dự báo của McKinsey, khoảng 70% hoạt động của trung tâm dữ liệu dành cho các ứng dụng AI tiên tiến vào năm 2030, bao gồm các ứng dụng trực tiếp và gián tiếp.
Thị trường trung tâm dữ liệu toàn cầu được dự báo sẽ đạt khoảng 345 tỷ USD trong năm 2025 và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Tại Việt Nam dự báo quy mô thị trường trung tâm dữ liệu đến năm 2029 đạt hơn 1 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình (CAGR) 10,8%.
Khi xu hướng phát triển xanh ngày càng lan rộng, bên cạnh việc xác định đúng nhu cầu và loại hình dịch vụ để triển khai thiết kế trung tâm dữ liệu, các nhà cung cấp buộc phải chú trọng hơn đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lựa chọn công nghệ tiên tiến, tối ưu hiệu suất vận hành, tiết kiệm năng lượng, đồng thời ứng dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon.
Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc với công suất 30MW, được xây dựng với nguồn tín dụng xanh. (Ảnh: Viettel)
Với mục tiêu đón đầu xu hướng và kết nối cộng đồng công nghệ, DCCI Summit 2025 không chỉ tiếp nối câu chuyện về hành trình số của doanh nghiệp, mà còn chia sẻ góc nhìn toàn diện và thực tế: từ hạ tầng vật lý, nền tảng công nghệ, đến các lớp ứng dụng cùng một chiến lược hạ tầng tổng thể. Ba phiên chuyên đề – Data Center Room, Cloud Room và AI Room đã gợi mở lời giải cho bài toán chuyển đổi số - chuyển đổi xanh cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Sau 4 năm tổ chức, DCCI Summit trở thành sự kiện công nghệ thường niên lớn nhất ngành trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây tại Việt Nam, với sự tham gia của 8.500 khách tham dự, 120 diễn giả, 100 gian triển lãm công nghệ.
DCCI Summit 2025 do Viettel IDC tổ chức dự kiến tiếp tục diễn ra vào ngày 26/6 tại TP.HCM, kết nối cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ những xu hướng công nghệ mới nhất và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thực chất, bền vững tại Việt Nam.
Mạnh Hùng