Các đại biểu tham dự tọa đàm góp ý dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân
Sáng nay (23-4), Hiệp hội An ninh mạng Việt Nam (NCA) tổ chức tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân”.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội NCA cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng tên miền quốc gia; có ngành công nghiệp thông tin có thứ hạng cao trong khu vực và trên thế giới;
Cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng dữ liệu và mạng lưới trung tâm dữ liệu được cải thiện, Trung tâm dữ liệu quốc gia được xây dựng quy mô lớn; Chính phủ điện tử ngày càng mở rộng; dân số trẻ, có trình độ học vấn, tỷ lệ người dân dùng điện thoại thông minh và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội ở mức cao.
Việt Nam hiện có gần 80 triệu người sử dụng Internet, chiếm tới hơn 2/3 dân số, đứng thứ 7 thế giới.
“Đảng và Nhà nước ta là lấy con người làm trung tâm, mục tiêu và động lực cho sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thông tin và dữ liệu, trong đó có dữ liệu cá nhân, sẽ trở thành nguyên liệu có giá trị nhất, sức mạnh ngày càng lớn và có thể sử dụng không hạn chế về quy mô, không gian, thời gian.
An ninh dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân gắn kết chặt chẽ với an ninh con người, an ninh quốc gia và chủ quyền dữ liệu quốc gia; phải luôn song hành, xuyên suốt, yêu cầu không thể tách rời trong quá trình cách mạng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và phát triển công nghiệp dữ liệu”- Trung tướng Nguyễn Minh Chính nhấn mạnh.
Tuy nhiên, có thực tế là công nghệ ngày càng phát triển thì người dùng càng cung cấp nhiều hơn thông tin, dữ liệu cá nhân cá nhân lên không gian mạng và cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, từ những thông tin cơ bản tới thông tin phản ánh sinh trắc học, tâm lý, suy nghĩ và hành động.
Mức độ phổ biến của dữ liệu cá nhân trên không gian mạng tỷ lệ thuận với hậu quả xảy ra khi dữ liệu cá nhân không được bảo vệ tương xứng, đúng cách. Trong khi đó, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân còn hạn chế; nhiều thông tin sinh trắc học, lý lịch cá nhân, mối quan hệ, tình trạng sức khỏe, tài chính được đăng tải công khai, trở thành nguồn dữ liệu cho các chương trình thu thập thông tin tự động.
“Tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, buôn bán thông tin cá nhân trên không gian mạng cũng thường xuyên diễn ra. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra hành vi vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Nhiều dịch vụ trên không gian mạng mới xuất hiện, có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích thông tin, dữ liệu cá nhân nhưng không có cơ chế quản lý dữ liệu người dùng đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”- Trung tướng Nguyễn Minh Chính nhấn mạnh.
Do đó, những thách thức này đặt ra yêu cầu cấp bách xây dựng và hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trên thế giới đã có hơn 140 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, gần nhất là: Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia.
Tại Việt Nam, Bộ Công an đã khẩn trương tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tháng 5-2025.
Thiếu tá, ThS Đào Đức Triệu- Phó trưởng phòng 1, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao cho hay, đang có sự mất cân bằng về tính hai mặt của công nghệ thông tin, tâm lý sẵn sàng đánh đổi thông tin đời tư, thông tin cá nhân để lấy sự tiện ích về mặt công nghệ.
“Dữ liệu cá nhân đang bị mua bán, lộ, mất tràn lan, nhiều hành vi vi phạm pháp luật thiếu quy định xử lý. Các vụ mua bán dữ liệu cá nhân gần đây hầu hết là hàng chục TB. Chúng ta đưa quá nhiều dữ liệu cá nhân lên mạng, từ hình ảnh, câu chữ, thói quen… và các thông tin này trở thành nguồn nguyên liệu cho hệ thống dữ liệu nguồn mở. Chẳng hạn như việc hình ảnh của cá nhân bị cắt ghép vào các clip nhạy cảm… Mỗi dữ liệu cá nhân bị lộ là ảnh hưởng đến 1 cuộc đời, 1 gia đình”- Thiếu tá Đào Đức Triệu cho hay.
Theo ông Đào Đức Triệu, ngoài việc đưa quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng, hiện nay còn có tình trạng thu thập thừa dữ liệu của cá nhân mà nhiều doanh nghiệp, đơn vị không xử lý. Trong khi đó, người bị lộ lọt dữ liệu cá nhân còn ít khiếu nại, cho thấy ý thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng chưa cao. Do đó, theo ông Đào Đức Triệu, cần sớm ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đồng tình về mặt quan điểm cần xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng bà Đoàn Thị Thu Nga- Phó ban Pháp chế Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông quân đội (Viettel) cũng nêu ra một số điểm cần xem xét lại trong dự thảo Luật.
Chẳng hạn như quy định về 11 quyền của chủ thể dữ liệu. Đại diện Viettel cho rằng, dự thảo quy định quyền rộng của chủ thể dữ liệu nhưng chưa có cơ chế bảo vệ quyền hợp pháp của doanh nghiệp, chưa đảm bảo tính cân bằng trong giao dịch dân sự (quyền và nghĩa vụ song phương).
Quy định này sẽ khiến Tập đoàn tăng chi phí. Theo đó, chi phí nâng cấp hệ thống thông tin của toàn Tập đoàn (bao gồm công ty mẹ và các công ty con độc lập) là 1.066 tỷ đồng với thời gian hoàn thành nâng cấp khoảng 50.5 tháng ~ 4.2 năm;
Trên cơ sở kế hoạch năm 2025 của Tập đoàn và các đơn vị, doanh thu dự kiến giảm khoảng 1.300 tỷ (~30% doanh thu của các dịch vụ có sử dụng dữ liệu cá nhân).
Dự kiến đến năm 2030, doanh thu dự kiến giảm 8.800 tỷ (~46% doanh thu các dịch vụ có sử dụng dữ liệu cá nhân).
Bên cạnh đó, trong thời gian nâng cấp hệ thống để đáp ứng quyền của chủ thể dữ liệu, việc cung cấp dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể bị gián đoạn mà ảnh hưởng của sự gián đoạn này là chưa thể đo đếm được.
Đại diện Viettel đề xuất bổ sung cơ chế kiểm soát việc lạm dụng quyền của chủ thể dữ liệu, cho phép thỏa thuận thời hạn thực hiện quyền yêu cầu của chủ thể dữ liệu, thu phí hợp lý, và từ chối yêu cầu vô lý.
Hoặc như quy định về cấm mua, bán dữ liệu cá nhân, quy định tại điều 7.5 của dự thảo. Bà Đoàn Thị Thu Nga cho rằng quy định này chưa phù hợp với nguyên tắc của pháp luật dân sự về quyền của chủ sở hữu trong việc định đoạt dữ liệu cá nhân thuộc quyền sở hữu của mình. Bên cạnh đó, quy định còn hạn chế thúc đẩy kinh tế, xã hội, đổi mới và sáng tạo.
Do đó, bà Đoàn Thị Thu Nga đề xuất điều chỉnh Điều 7.5 như sau: “Dữ liệu cá nhân không được mua, bán trừ trường hợp chủ thể dữ liệu đồng ý”.
Hà Linh