Cha mẹ cứ phán xét nếu muốn hủy hoại lòng tin ở trẻ

Cha mẹ cứ phán xét nếu muốn hủy hoại lòng tin ở trẻ
một ngày trướcBài gốc
1. Hãy cho con biết cảm xúc của chúng quan trọng: Trẻ em cần cảm thấy an toàn và thoải mái khi chia sẻ cảm xúc của mình. Nhưng khi chúng nghe thấy cha mẹ nói “con ổn mà” hoặc “chuyện đó không có gì to tát”, chúng bắt đầu tin rằng cảm xúc của mình không quan trọng và cuối cùng là ngừng chia sẻ. Thay vì bỏ qua cảm xúc của trẻ, cha mẹ hãy thừa nhận chúng. Để giúp con cảm thấy được lắng nghe, hãy nói những điều như “Mẹ hiểu con đang buồn” hoặc “Nghe có vẻ khó chịu nhỉ” sẽ giúp trẻ cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. Điều quan trọng không phải là giải quyết vấn đề ngay lập tức, mà là tạo cho trẻ cảm giác an toàn về mặt cảm xúc.
2. Kết nối thay vì kiểm soát: Nhiều bậc cha mẹ, vì muốn con cái ngoan ngoãn, vâng lời nên chọn cách áp đặt, kiểm soát, thậm chí dùng đòn roi và những lời lẽ nặng nề với con. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý khẳng định chiến thuật này chỉ tạo ra khoảng cách, khiến con cái dần khép mình và che giấu cảm xúc thật. Ngược lại, những gia đình có mối quan hệ gắn bó thường ưu tiên xây dựng sự tin tưởng và thấu hiểu. Thay vì ra lệnh, họ chọn cách lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng con. Những khoảnh khắc giản dị như cùng nhau cười đùa, trò chuyện không phán xét, thể hiện sự đồng cảm chính là thứ nuôi dưỡng sự kết nối bền chặt.
3. Tôn trọng ý kiến của con: Với mong muốn bảo vệ và định hướng con cái, nhiều cha mẹ có xu hướng đưa ra mọi quyết định trong cuộc sống của con. Tuy nhiên, hành động này vô tình tước đoạt quyền tự quyết của trẻ, khiến trẻ cảm thấy bản thân không có giá trị và dần mất đi khả năng đưa ra ý kiến cá nhân. Thay vì áp đặt, hãy trao cho con quyền được lựa chọn. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt, phù hợp với lứa tuổi, như chọn quần áo, sở thích hay món ăn yêu thích. Hãy lắng nghe ý kiến của con, khuyến khích con bày tỏ quan điểm và tôn trọng quyết định của con trong giới hạn.
4. Thừa nhận sai lầm của bạn: Cha mẹ mong đợi sự tôn trọng từ con cái, nhưng không phải lúc nào họ cũng tự mình làm gương. Thực tế, việc thừa nhận sai lầm và nói lời xin lỗi lại là một trong những bài học quý giá nhất mà cha mẹ có thể truyền đạt cho con. Nó không chỉ thể hiện sự trung thực, mà còn dạy con hiểu rằng tôn trọng là mối quan hệ hai chiều. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường mà cha mẹ sẵn sàng thừa nhận sai lầm thường không sợ hãi khi vấp ngã. Thay vì che giấu những khó khăn, chúng tin tưởng rằng mình có thể tìm đến cha mẹ để được chia sẻ và giúp đỡ.
5. Dành thời gian chất lượng mỗi ngày cùng con: Mối quan hệ bền chặt giữa cha mẹ và con cái không phải là kết quả của những cuộc trò chuyện đao to búa lớn, mà được vun đắp từ những khoảnh khắc nhỏ bé, đều đặn trong cuộc sống hàng ngày. Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh điều quan trọng không chỉ là thời gian bạn dành cho con, mà là tần suất con cảm nhận được sự quan tâm và ưu tiên từ cha mẹ. Những hành động tưởng chừng đơn giản như cùng nhau ăn tối, đọc truyện trước khi đi ngủ, hay chỉ là một câu hỏi thăm về ngày của con, lại có sức mạnh gắn kết vô hình.
6. Để con là chính mình, không phán xét: Nếu một đứa trẻ cảm thấy liên tục bị so sánh hoặc phán xét, chúng bắt đầu thu mình lại để thích nghi. Theo thời gian, chúng học cách che giấu những suy nghĩ, sở thích và khó khăn thực sự của mình. Vì vậy, thay vì tập trung vào những khuyết điểm, hãy tôn trọng sự độc đáo của con, khuyến khích con theo đuổi đam mê, ngay cả khi chúng khác biệt với mong đợi của cha mẹ. Khi trẻ cảm nhận được sự chấp nhận, chúng sẽ không phải lựa chọn giữa việc sống thật với bản thân và giữ gìn mối quan hệ với cha mẹ.
7. Bảo vệ mối quan hệ hơn là cố gắng thắng thua: Việc cố gắng "thắng" con trong mọi cuộc tranh luận, đặt cái "đúng" của bản thân lên trên mối quan hệ, có thể gây ra những hậu quả tiêu cực. Con có thể tuân thủ khi còn nhỏ, nhưng sẽ xa cách khi trưởng thành. Thay vì cố gắng chứng minh bản thân đúng, cha mẹ nên tập trung vào việc thấu hiểu con. Hãy đặt câu hỏi mở, thể hiện sự tò mò và khuyến khích con chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc. Khi con biết có thể bày tỏ bản thân một cách thoải mái mà vẫn được yêu thương và tôn trọng, chúng sẽ xây dựng được niềm tin vào mối quan hệ gia đình.
Ngọc Bích
Ảnh: Pexels
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/cha-me-cu-phan-xet-neu-muon-huy-hoai-long-tin-o-tre-post1542101.html