Chỉ định lướt điện thoại vài phút trước khi ngủ, nhưng khi vừa vào Tiktok, Thúy Nhi (23 tuổi, Hà Nội) lập tức bị thu hút bởi scandal tình ái. Phiên livestream có hàng nghìn bình luận, tranh cãi nảy lửa. Kim đồng hồ nhích dần qua 1 giờ sáng nhưng câu chuyện vẫn chưa có hồi kết. “Thôi xem nốt mấy cái này rồi ngủ", Nhi tự nhủ.
Chuẩn bị tắt điện thoại thì một số tài khoản khác lại đăng thêm diễn biến liên quan khiến Nhi dừng lại xem tiếp. Lúc đặt điện thoại xuống cũng đã gần 3h.
Chuông báo thức vào sáng hôm sau reo, Nhi uể oải cố "lê thân" khỏi giường, mắt cay xè cảm giác như chưa được ngủ. Đầu óc mơ màng, nhìn mình trong gương, Nhi giật mình vì quầng mắt thâm đậm, làn da xỉn màu, không khác gì người vừa trải qua trận ốm dài.
Đến công ty, Nhi ngồi trước màn hình máy tính mà không thể tập trung, mắt chỉ muốn nhắm lại. Đồng nghiệp hỏi chuyện, chị trả lời ậm ừ vì không đủ tỉnh táo để tham gia. Chị tự hứa tối nay về nhà sẽ ngủ sớm, không lướt điện thoại nữa. Nhưng tối đến, rồi tói hôm sau, hôm sau nữa, chị vẫn tiếp tục lên Internet và bị cuốn vào những thị phi, drama trên mạng.
Thúy Nhi tìm kiến thông tin về các scandal trên mạng xã hội. (Ảnh: Như Loan)
Duy Khương (30 tuổi, Hà Nội) chưa bao giờ nghĩ rằng việc thức khuya hóng drama trên mạng xã hội lại ảnh hưởng đến sức khỏe đến vậy. Ban đầu, anh chỉ xem như cách để giải trí hoặc đọc tin tức trước khi ngủ, nhưng càng về sau, những cuộc tranh luận, lời lẽ bóc phốt, đấu tố trên mạng khiến anh ngày càng sa đà.
Những ngày gần đây, sau khi tắt đèn chuẩn bị ngủ, anh lại mở điện thoại, vào các nhóm bàn luận. Có hôm anh còn hăng hái tham gia bình luận, tranh luận với người khác như mình là người trong cuộc. Kết quả là hơn 2h sáng anh mới ngủ nhưng giấc ngủ cũng không sâu, đầu óc vẩn vơ. Sáng hôm sau, đồng hồ báo thức kêu inh ỏi, anh lờ đờ tắt chuông, cố nhắm mắt thêm chút nữa và trễ giờ làm.
Cảm giác mệt mỏi bủa vây suốt cả buổi sáng. Đầu anh nặng trịch, mắt cay và sưng húp. Ngồi vào bàn làm việc, anh liên tục ngáp ngắn ngáp dài, cố uống ly cà phê nhưng chẳng thấy khá hơn. Đến lúc họp, sếp hỏi ý kiến, anh ấp úng vì đầu óc không thể tập trung. Ăn trưa xong, cơn buồn ngủ lại kéo, anh chống cằm, mắt díp lại, chỉ muốn gục xuống bàn.
Vì sao nhiều người thích "hóng drama'?
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), sở thích "hóng drama" của người Việt bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, văn hóa sống gắn kết, thích chia sẻ và bàn luận về đời tư người khác hình thành từ lâu trong cộng đồng. Điều này khiến những câu chuyện kịch tính, scandal dễ dàng trở thành tâm điểm chú ý.
Bên cạnh đó, sự nhàm chán trong cuộc sống thực cũng là yếu tố quan trọng. Áp lực công việc, học tập khiến nhiều người tìm đến drama như cách giải tỏa cảm xúc. Những vụ lùm xùm, mâu thuẫn trên mạng không chỉ thỏa mãn trí tò mò mà còn mang lại cảm giác kích thích tương tự như khi xem phim hay đọc truyện dài kỳ.
Nắm bắt tâm lý này, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok ưu tiên hiển thị nội dung gây tranh cãi để thu hút sự chú ý, tạo hiệu ứng "vòng xoáy drama" khiến người dùng càng bị cuốn sâu mà không nhận ra. Khi quen với cơ chế này, họ dễ rơi vào trạng thái "nghiện drama" - liên tục tìm kiếm những câu chuyện mới, bình luận, phán xét và thậm chí tham gia tranh cãi.
Một nguyên nhân khác là sự thiếu hụt các kênh giải trí lành mạnh. Ít các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng làm nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, dành phần lớn thời gian trong thế giới ảo. Khi không có đủ những trải nghiệm phong phú ngoài đời thực, họ dễ bị cuốn vào những kịch bản kịch tính trên mạng để lấp đầy khoảng trống cảm xúc.
"Hóng drama" gây tâm trạng tiêu cực
Theo bác sĩ Hoàng, việc tiếp xúc thường xuyên với drama không chỉ tiêu tốn thời gian mà còn ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
Thứ nhất, hành vi hóng drama tạo ra môi trường thông tin tiêu cực. Những vụ bóc phốt, tranh cãi, chỉ trích trên mạng xã hội làm tăng hormone cortisol - loại hormone liên quan đến căng thẳng. Về lâu dài, điều này dẫn đến lo âu, cáu kỉnh, thậm chí trầm cảm. Dù chỉ là khán giả, người xem drama vẫn bị cuốn vào cảm xúc tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm trạng hàng ngày.
Thứ hai, hóng drama liên tục có thể làm thay đổi cách nhìn nhận về xã hội. Việc chứng kiến quá nhiều scandal, tin xấu dễ khiến con người mất niềm tin, hình thành tư duy "ai cũng xấu xa, giả dối". Khi đó, sự bi quan và hoài nghi có thể tác động tiêu cực đến các mối quan hệ cá nhân, khiến con người dè dặt, phòng thủ, thậm chí cô lập bản thân.
Thứ ba, hành vi này cũng ảnh hưởng đến khả năng tập trung và tư duy phản biện. Não bộ khi quen với việc tiếp nhận thông tin nhanh, giật gân từ drama sẽ gặp khó khăn khi phải xử lý thông tin chuyên sâu, logic. Điều này khiến người trẻ mất kiên nhẫn với những nhiệm vụ đòi hỏi sự tập trung lâu dài, dễ bị phân tâm trong công việc và học tập. Hơn nữa, họ có xu hướng tiếp nhận thông tin theo cảm tính, dễ bị thao túng bởi những nội dung được sắp đặt một cách có chủ đích trên mạng.
Không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và nhận thức, hóng drama còn tác động tiêu cực đến kỹ năng giao tiếp. Khi đã quen với việc bày tỏ ý kiến qua bàn phím, nhiều người trở nên lúng túng khi phải đối thoại trực tiếp. Họ dễ sa vào những mối quan hệ ảo, nơi việc chỉ trích, đánh giá người khác trở thành thói quen, trong khi các mối quan hệ thực dần bị bỏ quên.
Bác sĩ Dũng từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, nguyên nhân từ thói quen thức đêm, sinh hoạt không khoa học. (Ảnh: Như Loan)
Rối loạn giấc ngủ, suy nhược thần kinh
Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), thói quen thức khuya hóng drama trên mạng có thể gây rối loạn giấc ngủ, suy nhược thần kinh. Việc liên tục tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình khiến cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày, giảm tập trung, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và học tập.
Ngoài ra, thói quen này còn làm tăng nguy cơ cận thị, béo phì, rối loạn chuyển hóa do ít vận động. Căng thẳng và thiếu ngủ kéo dài còn suy giảm hệ miễn dịch, dễ dẫn đến bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường. Hóng drama có thể mang lại cảm giác hứng thú nhất thời nhưng về lâu dài, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo nên duy trì giấc ngủ đều đặn, hạn chế thiết bị điện tử trước khi ngủ, đồng thời xây dựng lối sống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể chất thường xuyên. Khi có dấu hiệu rối loạn giấc ngủ, cần tìm đến chuyên gia thay vì tự ý dùng thuốc.
Drama là từ được rất nhiều bạn trẻ sử dụng thường xuyên trên mạng xã hội để ám chỉ những tình huống trớ trêu, bất ngờ đan xen những yếu tố hài hước. Ngoài ra, Drama thường là những câu chuyện mang tính phơi bày, bóc phốt các vụ scandal có tác động đến cộng đồng, xã hội, khiến người ta phải chú ý theo dõi, hưởng ứng liên tục.
Như Loan