Khi các drama xuất hiện liên tục, nội dung “bẩn” cũng từ đó tràn lan trên mạng xã hội. Báo VietNamNet xin giới thiệu đến bạn đọc tuyến bài “Làm sao để dẹp nội dung ‘bẩn’ trên mạng xã hội”.
Bài 1: Nội dung 'bẩn' lại tràn lan trên mạng xã hội
Bài 2: Nội dung ‘bẩn’ từ các drama đang lấn át nội dung ‘sạch’ trên mạng xã hội
Như VietNamNet đã đưa tin, trong thời gian ngắn vừa qua, nội dung “bẩn”, đặc biệt là từ các vụ drama, tràn ngập trên mạng xã hội, thậm chí lấn át cả nội dung “sạch”. Tuy nhiên, để dẹp được các nội dung này là một câu chuyện không hề đơn giản.
Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs xin lỗi vì quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội. Ảnh: Võ Thu
Theo ông Nhân Nguyễn, chuyên gia Digital Marketing tại TPHCM, đầu tiên cần định nghĩa thế nào là nội dung “bẩn” thì mới có chế tài quản lý phù hợp được, bởi hiện nay định nghĩa “bẩn” được xã hội nêu lên nhưng chưa rõ ràng.
Các nền tảng mạng xã hội hiện nay cũng chỉ xem các nội dung không phù hợp chính sách của họ mới là nội dung vi phạm, còn những nội dung có “bẩn” tới đâu đi nữa mà không trực tiếp vi phạm chính sách thì nền tảng vẫn sẽ chấp nhận. Mà nội dung càng được chú ý thì nền tảng lại càng có lợi, nên họ không dại gì bỏ qua, sẽ ưu tiên hiện lên cho người dùng xem nhiều hơn.
Vì thế, ông Nhân Nguyễn cho rằng, cơ quan chức năng cần đưa định nghĩa rõ ràng về nội dung “bẩn”, những nội dung gây hại cho xã hội thì mới có thể lên án và xử lý được.
Ông Võ Quốc Hưng, Giám đốc tăng trưởng của Tonkin Media cho biết, muốn xử lý vấn đề nội dung “bẩn”, đặc biệt là từ các drama, đòi hỏi cần phải có thời gian.
Theo ông, đầu tiên cần xử lý các KOL, KOC đưa các nội dung nhảm nhí, có chế tài nặng để làm gương. Các cơ quan chức năng cần sớm có các đề án đào tạo KOL, KOC để lan tỏa những nội dung tích cực, nội dung “sạch”… càng nhiều trên mạng xã hội càng tốt, để lấn át các nội dung “bẩn”. Đồng thời, yêu cầu các nền tảng kiểm soát tỉ lệ các nội dung nhảm nhí, gây hại cho xã hội.
“Khi mà hành vi và sự quan tâm của người dùng thay đổi và có sự cam kết của nền tảng thì theo thời gian, môi trường mạng xã hội sẽ “sạch” dần lên”, ông Võ Quốc Hưng nói.
Đề cập thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Vĩ, CEO của Buzi Agency, cũng cho rằng bên cạnh cơ quan chức năng, vai trò nền tảng cũng góp phần rất quan trọng trong việc hạn chế các nội dung “bẩn” trên mạng xã hội. Chẳng hạn, việc ViruSs livestream vừa qua, rất nhiều các fanpage trên Facebook hay các kênh trên TikTok đăng lại và phát tán khiến các nội dung buổi live này được lan tỏa đi nhanh chóng, kéo theo sự quan tâm của nhiều người. Vì thế, cơ quan chức năng cần làm việc với các nền tảng như Facebook, TikTok để ngăn chặn các nội dung này, chẳng hạn như có công văn yêu cầu xử lý, chặn các fanpage lan truyền là sẽ có ngay hiệu quả.
Thực tế vấn đề ngăn chặn nội dung “bẩn” trên mạng xã hội đã được Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch) quan tâm và đưa ra nhiều giải pháp xử lý trong thời gian dài vừa qua.
Đơn cử như Cục đã tập hợp những người có sức ảnh hưởng trên mạng (KOL), các công ty quản lý KOL, công ty quản lý đa kênh trên mạng, các công ty quảng cáo, các nhãn hàng và các nền tảng xuyên biên giới; không coi đây là các đối tượng quản lý đơn thuần mà coi họ vừa là đối tượng quản lý, nhưng cũng đồng thời là đối tác đồng hành để triển khai các chiến dịch truyền thông, vì mục đích tốt đẹp, ích nước lợi dân.
Năm 2024, lần đầu tiên, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đã đưa lực lượng này vào các chiến dịch truyền thông cụ thể, tạo ra những trào lưu, xu hướng tích cực với phương châm lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tin tích cực đẩy lùi tiêu cực.
Khi triển khai thành công các chiến dịch truyền thông, cơ quan chức năng cũng tổ chức ngày hội để tôn vinh, vinh danh những cá nhân, đơn vị có sức ảnh hưởng trên mạng.
Điều này đã truyền đi thông điệp, các nhà sáng tạo nội dung làm nội dung sạch sẽ được Nhà nước vinh danh, được cộng đồng ghi nhận.
Bên cạnh đó, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, cũng từng nhấn mạnh việc xử lý các KOL, nghệ sĩ vi phạm trên mạng xã hội: “Trong một số trường hợp, tăng mức phạt như thế nào cũng không đủ. Khi họ có nhận thức khác về pháp luật, phải có hình thức xử lý cao hơn hành chính, chẳng hạn xử lý hình sự”.
Hiện dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi cũng đưa người có ảnh hưởng trên mạng xã hội vào diện quản lý một cách cụ thể và chi tiết; bên cạnh đó, Nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi cung cấp các thông tin, dịch vụ và sử dụng mạng xã hội.
Lê Mỹ