Cả tuần nay, mạng xã hội không ngớt xôn xao với những phiên livestream (phát sóng trực tiếp) của streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng). Tất cả chỉ xoay quanh những vướng mắc tình ái mập mờ cùng đối chất của những người liên quan. Đáng nói, các phiên phát sóng trực tiếp đã thu hút hàng triệu người xem, nhiều người sẵn sàng thức đêm, bỏ việc, trả tiền để được tham gia.
Vì sao lại như vậy? Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu thanh niên cho rằng, đa phần các phiên live thu hút lượng người xem "khủng" là những phiên live liên quan đến người nổi tiếng hoặc có sức ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng mạng. Thêm nữa, nội dung của phiên live xoay quanh việc giải quyết mâu thuẫn tình ái và các tình tiết được coi là đấu tố lẫn nhau, do đó lại càng thu hút sự quan tâm theo dõi của người dùng mạng. Bởi chúng ta biết, tâm lý của con người là trong mọi chuyện đều muốn đi đến cùng sự việc.
TS Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu thanh niên (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
"Việc “hóng” drama và tranh luận về các scandal liên quan đến những người nổi tiếng dường như trở thành thói quen của người dùng mạng hiện nay. Nhiều cuộc tranh luận nổ ra không có hồi kết xoay quanh đời tư của một nhân vật nổi tiếng hoặc một người có ảnh hưởng lớn với cộng đồng mạng. Điều này phản ánh lối sống tiêu cực của một bộ phận người dùng mạng nói chung và người trẻ nói riêng. Thay vì dành thời gian tham gia các hoạt động tích cực trong đời sống, dành thời gian cho công việc, học tập, tâm sự với người thân thì nhiều người dành cả ngày để theo dõi những thông tin mang tính vô bổ, tiêu cực", TS. Nguyễn Tuấn Anh nêu quan điểm.
Việc giới trẻ ngày nay dành thời gian quá nhiều để theo dõi các drama, scandal, thông tin tiêu cực trên mạng sẽ khiến cho người dùng mạng mất tập trung vào công việc, ảnh hưởng đến thời gian biểu sinh hoạt, chất lượng công việc, học tập. Thậm chí, nhiều người sau khi tham gia vào các cuộc tranh luận quá dài trên mạng hoặc theo dõi những sự việc tiêu cực quá lâu sẽ có thể gặp phải cảm giác lo lắng, bực bội, căng thẳng, ức chế…
"Nhiều người bị kích thích nói ra những lời thiếu văn hóa, thậm chí có xu hướng thực hiện các hành vi gây hấn hoặc cảm giác bị kích động làm những hành vi bạo lực, tiêu cực. Theo tôi, hậu quả nghiêm trọng nhất khi người dùng mạng “lún chân” quá sâu vào các sự việc này đó là ảnh hưởng xấu đến tâm trạng và cảm xúc, khiến các cá nhân cảm thấy bị giảm hứng thú làm việc, học tập bởi tâm trí lúc này của họ chỉ dành cho việc theo dõi các diễn biến sự việc", TS. Nguyễn Tuấn Anh phân tích.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, từ góc độ quản lý nhà nước, sự kiện livestream của ViruSs có thể có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật hiện hành về hoạt động livestream và nội dung trên mạng xã hội. Cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như giấy phép của nền tảng, nội dung phát sóng và việc tuân thủ quy định xác thực tài khoản để xác định mức độ vi phạm và áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.
"Tôi nghĩ phiên livestream của ViruSs không còn là việc dùng chiêu trò nhảm nhí để truyền thông “bẩn” mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định hiện hành. Cụ thể, Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được phép cung cấp tính năng livestream hoặc các hoạt động có phát sinh doanh thu. Theo đó, nếu ViruSs thực hiện livestream trên nền tảng không có giấy phép hợp lệ, hoặc nếu họ phát sinh doanh thu từ hoạt động này mà không tuân thủ quy định thì có thể xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật".
Cũng theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, không dừng lại ở khía cạnh pháp lý, nội dung buổi phát sóng còn tiềm ẩn vi phạm thuần phong mỹ tục, xâm phạm quyền riêng tư và có dấu hiệu kích động.
"Việc công khai đời sống tình cảm để tranh cãi, công kích lẫn nhau trên sóng livestream với hàng triệu người theo dõi không chỉ phản văn hóa mà còn góp phần định hình hành vi ứng xử lệch lạc trên mạng xã hội cũng như tư duy lệch chuẩn về việc làm gì để được quan tâm và nổi tiếng".
Những livestream nhảm nhí liệu có đang “đầu độc” giới trẻ? (Ảnh: Internet)
Để đảm bảo tuân thủ pháp luật khi thực hiện livestream, theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, người dùng mạng xã hội (kể cả mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới) phải xác thực tài khoản. Người livestream cần đảm bảo nội dung không vi phạm pháp luật như: không chia sẻ thông tin sai sự thật, không xâm phạm quyền lợi cá nhân, không vi phạm các đạo đức xã hội, không khuyến khích hành vi vi phạm pháp luật... Nói chung là tuân thủ quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Bên cạnh đó, nếu livestream có liên quan đến việc kinh doanh hoặc kiếm tiền, người thực hiện cần phải nắm rõ các quy định về thuế và đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thuế đúng theo quy định của pháp luật.
"Đã đến lúc cần mạnh tay với các chiêu trò truyền thông “bẩn”, bảo vệ không gian mạng lành mạnh và giữ gìn những giá trị văn hóa, đạo đức của xã hội. Một nền giải trí phát triển không thể dựa trên những chiêu trò giật gân mà phải đặt nền tảng trên sự trung thực, sáng tạo và tôn trọng khán giả", luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho hay.
Còn theo TS. Nguyễn Tuấn Anh, bản thân mỗi người trẻ cần được định hướng về giá trị sống, cần phân biệt được đâu là giá trị tốt, đâu là giá trị cần theo đuổi trong cuộc sống. Đồng thời phải xác định cho mình một tâm thế dùng mạng tích cực, chỉ tìm kiếm và đọc những thông tin mang tính tích cực, hữu ích, không nên thể hiện các quan điểm lệch lạc, kích động bạo lực trong các bài viết hoặc sự việc trên mạng xã hội.
"Mỗi người trẻ cần xây dựng cho mình một “tấm lá chắn” trước những thông tin tiêu cực trên mạng. Like, share, comment các bài viết một cách tỉnh táo, có trách nhiệm. Đặc biệt, việc thể hiện bản sắc, quan điểm cá nhân của người trẻ trên mạng cũng cần tuân thủ các quy định của pháp luật".
Cuối cùng, để livestream và mạng xã hội trở thành công cụ truyền tải thông điệp tích cực, cần có sự phối hợp của tất cả các bên. Chỉ khi người làm truyền thông, các nhà sáng tạo nội dung và bản thân người dùng trẻ cùng hành động vì mục tiêu chung, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường mạng xã hội lành mạnh.
Diệu Linh/VOV2