“Gồng mình” trong lặng lẽ
Áp lực của người làm cha mẹ thời hiện đại không chỉ là kinh tế. Đó còn là trách nhiệm kép giữa việc nuôi dạy con cái và chăm sóc cha mẹ già, trong khi bản thân họ cũng đang bắt đầu bước vào tuổi xế chiều với nhiều nỗi lo về sức khỏe, hưu trí, cô đơn…
Ở tuổi gần 50, chị Ngọc Lan - nhân viên văn phòng tại TPHCM, vẫn đều đặn sáng đưa cháu đến trường, chiều tan làm về tranh thủ đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp và lo cho mẹ già sức khỏe yếu. Hai con của chị đều đi làm, nhưng vẫn ở chung vì chưa đủ điều kiện ra riêng. “Nhiều lúc tôi chỉ ước được nghỉ ngơi một ngày đúng nghĩa: không phải lo chuyện ăn uống, dọn dẹp nhà cửa, không phải trả lời điện thoại. Mà nói ra thì lại sợ tụi nhỏ nghĩ mẹ than vãn, phiền phức”, chị cười, mắt hơi hoe đỏ.
Chẳng phải chị Lan không được yêu thương. Các con vẫn chu cấp tài chính, quà cáp ngày lễ tết đủ đầy. Nhưng điều chị thiếu lại là những thứ tưởng chừng đơn giản: một cuộc trò chuyện sâu sát và chân thành, vài lời hỏi han đúng lúc hay chỉ cần các con nhận ra: mẹ cũng biết mệt mỏi, cũng cần được nghỉ ngơi, đi chơi giải trí…
Trong khi đó, anh Minh Quân, 42 tuổi, là kỹ sư cầu đường, công việc thường xuyên đi công tác xa, lại có một áp lực khác. Có hai con học tiểu học, vợ làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh, toàn bộ gánh nặng cho đời sống kinh tế gia đình dồn lên vai anh. Thế nhưng, không phải lúc nào gánh nặng đó cũng được san sẻ.
“Có lần tôi đi công tác về, vừa gặp con tính ôm hôn thì con né ra, bảo con ghét ba, ba lúc nào cũng nhăn nhó, ba chẳng bao giờ vui cười”, anh Minh Quân chia sẻ và tâm sự: “Tôi có muốn cau có với con mình như thế đâu, chỉ là tôi quá mệt mỏi thôi”. Anh kể những ngày ở công trình, ngủ thậm chí không được 4 tiếng, bị chủ đầu tư hối thúc, đối tác gây áp lực. Có dịp về nhà, mọi việc lớn nhỏ dường như đều đổ dồn về phía anh: từ thay bóng đèn, sửa vòi nước nghẹt đến đi họp phụ huynh… “Tôi thấy mình như cái cột chống trời, nhưng cột nào rồi cũng phải rạn nứt”, anh Quân nói.
Cha mẹ và các con chia sẻ những điều đơn giản trong cuộc sống mang đến sự gắn kết trong gia đình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Người làm cha mẹ, đặc biệt là người cha, thường bị mặc định là phải mạnh mẽ, phải gánh vác, không được than vãn. Nhưng đó là một sự im lặng rất dễ tổn thương. Họ được kỳ vọng phải làm chỗ dựa cho cả gia đình, trong khi mấy ai hiểu và chia sẻ, bởi họ cũng là một con người với biết bao lo toan, mệt mỏi.
Cha mẹ cũng cần một nơi để dựa vào
Trong xã hội hiện đại, các lớp học kỹ năng làm cha mẹ, các sách hướng dẫn nuôi dạy con cái... xuất hiện ngày càng nhiều. Nhưng ít ai đặt ngược lại câu hỏi: con cái cần phải lắng nghe cha mẹ hay ai sẽ dạy con cái học cách lắng nghe và thấu hiểu cha mẹ?
Nhiều bạn trẻ ngày nay đã có ý thức độc lập và quan tâm đến sức khỏe tinh thần của bản thân, điều này rất đáng quý. Tuy nhiên, trong hành trình chăm sóc “đứa trẻ bên trong” mình, họ quên mất rằng, cha mẹ họ có thể cũng từng bị tổn thương, với những ước mơ riêng và cả khát khao chưa thành.
“Hầu hết bậc cha mẹ không cần con phụng dưỡng, nhưng cần con thấu hiểu” - đó là nhận xét của một chuyên gia tâm lý khi tham vấn cho một bạn sinh viên về mối quan hệ với bố mẹ. Cũng theo chuyên gia này, sự thấu hiểu thực ra không quá phức tạp. Một cái ôm, một bữa ăn nấu đãi cha mẹ, một buổi chiều con mời ba mẹ ra quán cà phê hỏi thăm xa gần..., đôi khi những điều nho nhỏ ấy lại là những giọt nước quý giá tưới mát những tâm hồn tưởng đã khô héo vì gồng gánh của cha mẹ.
Quan hệ cha mẹ - con cái mỗi thời một khác: khác ngôn ngữ, khác nền tảng, môi trường, không gian và cả nhịp sống; nhưng khác biệt không đồng nghĩa với xa cách. Điều cần thiết là mỗi người trong gia đình cần học cách nhìn nhau như những con người độc lập, có tổn thương, có áp lực và có những khoảng trống chưa được gọi tên.
Con cái có thể không cần phải gồng gánh thay cha mẹ, nhưng con có thể làm bạn đồng hành. Như cách con từng mong ba mẹ lắng nghe mình khi buồn, thất vọng về một điều gì, thì giờ đây, đến lượt cha mẹ cũng cần một người sống chậm lại để nghe họ kể về một ngày buồn, về giấc mơ, những người bạn cũ hay đơn giản là một nỗi đau chưa từng nói. Một cái ôm, một ánh mắt chia sẻ, một cuộc gọi… bài học lắng nghe không bao giờ chỉ dành cho một phía. Trong gia đình, nếu mỗi người chịu mở lòng, nói thật và lắng nghe thật, thì sự kết nối, sẻ chia sẽ luôn có cửa để quay về.
Hôm nay, trước khi bạn rời nhà đi làm, bạn hãy thử dừng lại hỏi mẹ: “Mẹ ngủ có ngon không?” Hay tối về, ngồi cạnh ba, thử im lặng cùng ông xem ti vi. Có thể bạn sẽ thấy, bên dưới vẻ trầm mặc đó là một trái tim đã quá lâu không được ai chạm đến. Và biết đâu, cha mẹ cần nhất từ chúng ta không phải thành công rực rỡ hay lời cảm ơn hoa mỹ, mà chỉ là một điều rất cũ: sự có mặt chân thành.
HOÀNG MY