Samsung luôn giữ vị thế chaebol hàng đầu tại Hàn Quốc. (Ảnh: mekongasean.vn)
Sau khi phát xít Nhật đầu hàng quân đội Đồng minh và quân đội Nhật rút lui hoàn toàn khỏi bán đảo Triều Tiên vào năm 1945, một số doanh nhân Hàn Quốc đã tận dụng thời cơ để được quyền sở hữu các tài sản mà các doanh nghiệp Nhật Bản để lại, một vài trong số này sau đó đã phát triển thành các chaebol.
Các chaebol được hình thành bao gồm nhiều công ty có mối quan hệ liên kết về mặt tài chính, chiến lược kinh doanh và sự điều phối chung trong hoạt động. Nét đặc trưng của các chaebol là toàn bộ các công ty thành viên thường do một hoặc một số ít các đại gia tộc sáng lập và nắm giữ cổ phần chi phối.
Chính phủ chủ động hỗ trợ cho các chaebol
Đặc biệt, vào năm 1961, Tổng thống Park Chung-Hee đã quyết định cải tạo tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của đất nước bằng một cuộc đại công nghiệp hóa thần tốc thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) lớn có sẵn - các chaebol (và thuật ngữ này lần đầu tiên xuất hiện chính thức vào năm 1984).
Chính phủ của ông Park Chung-Hee đưa ra kế hoạch phát triển công nghiệp và chaebol thực hiện các kế hoạch này. Để các chaebol yên tâm thực thi nhiệm vụ, Chính phủ chủ động cho các chaebol vay với lãi suất rất thấp thông qua các ngân hàng nhà nước. Các ngân hàng quốc doanh còn được lệnh phải bảo lãnh nợ nước ngoài cho các chaebol, để họ có thể tiếp cận các nguồn tín dụng.
Tổng thống Park cũng giảm thuế đánh vào sản phẩm của các chaebol, đặc biệt là các công ty xây dựng, thép, dầu mỏ và hóa chất, khi Chính phủ bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc và cầu ở Hàn Quốc. Các chaebol từ đó đã phát triển thành một thế lực hùng mạnh trong nước và trở thành “xương sống” của nền kinh tế, tạo ra các công ty đa quốc gia toàn cầu với hoạt động quốc tế rộng lớn.
Từ cuối thập niên 1980, chaebol đã kiểm soát lĩnh vực công nghiệp và đặc biệt nổi tiếng về sản xuất, thương mại và các ngành công nghiệp nặng. Các chaebol được cho đã giúp nền kinh tế xứ sở kim chi thoát được cảnh thâm hụt mậu dịch, trở thành nước có thặng dư mậu dịch lớn kể từ năm 1986. Bước sang thập niên 90 của thế kỷ XX, Hàn Quốc “lột xác” hoàn toàn từ một đất nước nghèo nàn bị chiến tranh tàn phá thành một trong những nước công nghiệp mới lớn nhất trên thế giới, người dân được hưởng chất lượng cuộc sống tương đương với các nước công nghiệp phát triển, tất cả đều được tin là nhờ công lao của các “người hùng” chaebol.
“Trụ cột chống giữ nền kinh tế”
Các chaebol của Hàn Quốc đại diện cho một nhóm các thực thể kinh doanh lớn rất quan trọng đối với cấu trúc kinh tế của quốc gia. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) của Hàn Quốc phần lớn được thúc đẩy bởi các chaebol. Họ đại diện cho khoảng một nửa giá trị của thị trường chứng khoán của đất nước và nói chung là các tập đoàn công nghiệp được tạo thành từ các chi nhánh khác nhau.
Chỉ tính riêng năm 2003, tổng kim ngạch xuất khẩu của 4 chaebol Daewoo, Hyundai, LG và SK đã lên đến 111,7 tỷ USD, tương đương 58% tổng giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc, chiếm 1/3 tổng giá trị tư bản của thị trường. Riêng Samsung chiếm tới 20% xuất khẩu của nước này. Ba chaebol lớn nhất năm 2008 là Samsung, Hyundai và Daewoo được người dân Hàn Quốc gọi với biệt danh là “Tam trụ” - 3 trụ cột chống giữ nền kinh tế nước nhà.
Trong thời kỳ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khoảng 80% GDP của Hàn Quốc có nguồn gốc từ các
chaebol. Năm 2015, các gia tộc chaebol được cho là đã kiểm soát tới 80% nền kinh tế Hàn Quốc. Theo Ngân hàng Hàn Quốc, tổng doanh thu năm 2019 của 5 chaebol lớn nhất Hàn Quốc đã chiếm tới 44% GDP của cả nước.
Ở Hàn Quốc có hàng chục nhóm chaebol nằm dưới sự điều khiển của những gia tộc kinh doanh lâu đời. Đứng đầu trong số các đế chế DN này là những tên tuổi nổi tiếng toàn cầu, bao gồm Tập đoàn
Samsung - tập đoàn lớn nhất nước này, cùng với Hyundai, LG, SK, Lotte và nhiều tập đoàn khác. Các chaebol cũng chính là nơi sản sinh ra nhiều tỷ phú, triệu phú nhất, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc. (còn tiếp)
T.Công