Chấm dứt 'tiếp tay' cho hàng giả: Người Việt tự 'giải cứu' thị trường nội địa

Chấm dứt 'tiếp tay' cho hàng giả: Người Việt tự 'giải cứu' thị trường nội địa
10 giờ trướcBài gốc
Vì sao được hậu thuẫn bởi nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển, nhiều doanh nghiệp Việt cho biết vẫn lo lắng vì phải chật vật tìm thị phần ngay trên “sân nhà.” Một phần câu trả lời nằm ở chính thói quen tiêu dùng của người dân.
Tại sao doanh nghiệp Việt "nép vế" trên sân nhà?
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị được tổ chức ngày 18/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra thông điệp quan trọng: “Chính phủ sẽ phát động phong trào thi đua toàn dân làm giàu, đóng góp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
Theo Cục Thống kê, dân số Việt Nam năm 2024 ước tính 101,3 triệu người với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt gần 6,4 triệu tỷ đồng. Báo cáo Khảo sát mức sống dân cư năm 2024 cũng chỉ ra thu nhập bình quân của người dân đạt 5,4 triệu đồng/tháng (64,8 triệu đồng/năm), chi tiêu bình quân gần 3 triệu đồng/tháng (36 triệu đồng/năm). Trong đó, chi đời sống là 2,8 triệu đồng/tháng (33,6 triệu đồng/năm), bao gồm chi ăn uống gần 16 triệu đồng/năm và chi thiết yếu khác 16 triệu đồng/năm. Chi đầu tư cho giáo dục là 9,5 triệu đồng/năm, chi tiêu y tế (cho người có khám chữa bệnh) hơn 3,5 triệu đồng/năm. Trị giá đồ dùng lâu bền của một hộ gia đình năm 2024 là gần 86,9 triệu đồng.
Những con số này cho thấy tiềm năng lớn của thị trường nội địa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất "chân chính" cho biết không dễ dàng cạnh tranh trên "sân nhà" trước sự lấn át của hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được bán công khai.
Số liệu từ Cục Hải quan cho thấy riêng trong 4 tháng đầu năm 2025, toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 5.206 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính 10.331 tỷ đồng. Ngân sách Nhà nước thu được gần 347,16 tỷ đồng. Các đối tượng chủ yếu sử dụng thủ đoạn khai sai tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, mã số hàng hóa, xuất xứ.
Ngày 13/5/2025, Hải quan cửa khẩu quốc tế Móng Cái kiểm tra thực tế 1 lô hàng quá cảnh đã phát hiện 5.000 sản phẩm có dấu hiệu giả nhãn hiệu, vi phạm xuất xứ và có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ. (Ảnh: HQ/Vietnam+)
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết trong tháng đầu năm 2025, thị trường nội địa tiếp tục đối mặt với vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ... diễn ra tại hầu hết các tỉnh, thành phố và buôn bán công khai trên mạng xã hội. Các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó, có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng, khởi tố hình sự gần 1.400 vụ với hơn 2.100 đối tượng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đang hoạt động công khai ở nhiều nơi, thậm chí gia tăng trên môi trường thương mại điện tử với quy mô lớn và kéo dài. Hậu quả là gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, tình trạng mua bán trái phép hóa đơn, gian lận thuế và các đối tượng lợi dụng chính sách nhập khẩu thông thoáng để buôn lậu, gian lận thương mại chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.
Dẫn chứng từ ngành dệt may, Việt Nam ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD và đứng thứ ba thế giới. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thẳng thắn: "Quả thật rất khó cạnh tranh, do hàng trôi nổi từ Trung Quốc và gia công tại các chợ đầu mối có giá bán rất rẻ."
Trên thị trường, một chiếc áo sơ mi nam có giá chỉ 15.000-50.000 đồng, hay một bộ váy thời trang thương hiệu quốc tế bán lẻ khoảng 100.000-150.000 đồng/cái.
Ông Dương phân tích, hàng hóa trôi nổi có nguồn gốc từ các sản phẩm dư thừa tại các nhà máy ở Trung Quốc. Các nhà máy này thường sản xuất dư thêm 1-2% hàng xuất khẩu để dự phòng. Sau khi xuất khẩu, số sản phẩm dự phòng này trở thành hàng không có giá trị (hoặc giá trị bằng không), nên nhà sản xuất cố gắng bán với bất kỳ giá nào. Chúng sẽ nằm lại 1-2 năm trong kho, sau đó được vận chuyển vào Việt Nam để bán. Trên thị trường, một chiếc áo sơ mi nam có giá chỉ 15.000-50.000 đồng, hay một bộ váy thời trang thương hiệu quốc tế bán lẻ khoảng 100.000-150.000 đồng/cái.
"Mức giá này thậm chí không đủ tiền công may, nói gì đến tiền vải và phụ kiện, doanh nghiệp sản xuất trong nước làm sao có thể trụ được," ông Dương nói.
Vấn đề thứ hai là hàng nhái nhãn mác thương hiệu nổi tiếng quốc tế (từ bình dân đến cao cấp) xuất hiện tràn ngập thị trường, từ chợ truyền thống, cửa hàng đến thương mại điện tử. Những mặt hàng này thường được người có thu nhập trung bình hoặc cao mua, nhưng lại được bán trôi nổi bằng việc nhái thương hiệu, khiến hàng sản xuất đúng thương hiệu quốc tế khi nhập khẩu chính ngạch gần như không bán được.
Hàng trôi nổi không rõ xuất xứ được bán công khai tại các chợ truyền thống. (Ảnh: Vietnam+)
"Mặc dù chúng ta đang nói về ứng phó với vấn đề thuế quan của Mỹ và một trong những giải pháp là tập trung vào thị trường nội địa, hiện nay Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm và tập trung nhiều vào khu vực kinh tế tư nhân. Nhưng doanh nghiệp quay về rồi lại 'đau đầu' do không cạnh tranh nổi với hàng giá rẻ. Đây là một vấn đề rất lớn, tôi cho rằng cả hệ thống chính trị từ Nhà nước, hải quan và các cơ quan quản lý thị trường cần phải tìm cách giải quyết dứt điểm," ông Dương nói.
Trong lĩnh vực kinh doanh lương thực, bà Dương Thanh Thảo, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Gạo Ông Thọ, cũng chia sẻ sự bức xúc. Các doanh nghiệp trong ngành gạo phải xuất hóa đơn cho cửa hàng bán lẻ với mức thuế giá trị gia tăng (VAT) là 5%, trong khi các hộ kinh doanh (các cơ sở xay xát) không phải đóng thuế VAT. Trên thực tế, kinh doanh trong ngành gạo chỉ cần lệch khoảng 1% doanh thu là mất khả năng cạnh tranh. Vì vậy, các doanh nghiệp dù làm thương hiệu và liên kết hợp tác sản xuất trực tiếp với nông dân một cách bài bản, nhưng rất khó cạnh tranh với các hộ kinh doanh thông thường, chứ chưa nói đến các nguồn gạo giả, nhái, nhập lậu.
Về nguồn gốc sản phẩm, bà Thảo nhấn mạnh các doanh nghiệp đóng túi sản phẩm phải có bảng công bố thành phần và nguồn gốc rõ ràng và chịu trách nhiệm về những công bố đó. Ngược lại, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất hợp pháp chỉ cần mua gạo về xát, đóng túi và in cùng tên giống gạo sản phẩm của doanh nghiệp rồi bán tràn lan với giá rẻ hơn. Thậm chí, cơ quan quản lý kiểm tra không xuể. Hơn nữa, các đối tượng còn lấy gạo khác loại đóng vào túi những mặt hàng đang bán chạy để ra giá thành thấp, phá luôn thị trường và danh tiếng của gạo đặc sản Việt Nam (như gạo ST25, các loại gạo màu vi chất dinh dưỡng).
Trước những vấn nạn này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong buổi làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương (14/5), đã yêu cầu thành lập Tổ công tác đặc biệt và mở đợt cao điểm (từ 15/5-15/6) tấn công, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ... sau đó sẽ tiến hành sơ kết.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí, các lực lượng chức năng tổ chức các chuyên mục, tăng cường thời lượng tuyên truyền, vận động, giải thích, cảnh báo để người dân hiểu hơn về nguy hại liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Tổ công tác đặc biệt và mở đợt cao điểm (từ 15/5-15/6) tấn công, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ... (Ảnh: Vietnam+)
Thói quen hay " tự lấy đá ghè chân?”
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ tâm lý ham rẻ và dễ dãi của người tiêu dùng. Thói quen mua hàng của nhiều người không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, cộng thêm sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình. Người dân thông thường vẫn mua hàng tại chợ đầu mối, trên các sàn thương mại điện tử không rõ nguồn gốc và đặc biệt là không yêu cầu người bán cấp hóa đơn, chứng từ.
Chị Phạm Thị Hải (Hà Nội), có 3 con nhỏ và mức chi tiêu cả gia đình khoảng 18 triệu đồng/tháng. Trong đó, tiền học (bao gồm ăn, trông bán trú và học bổ sung) chiếm khoảng hơn 10 triệu đồng và còn lại là chi tiêu sinh hoạt. Chị Hải thừa nhận, ngoài tiền điện, nước và những lần mua thức ăn trong siêu thị, cửa hàng tiện ích là có biên lai bán hàng tự động, còn lại chị không yêu cầu lấy bất kỳ hóa đơn nào.
Chị Hải cũng nhận thức được việc không lấy hóa đơn đồng nghĩa với việc chấp nhận những điều bất hợp lý trên thị trường. Chị chia sẻ, gia đình có người thân bị bệnh và phải chữa trị lâu dài. Bác sỹ kê đơn thuốc đặc trị ngoài danh mục bảo hiểm, chị chỉ có thể mua ở nhà thuốc bệnh viện lần đầu với giá 800.000 đồng. Các lần sau, nhà thuốc bệnh viện luôn thông báo hết thuốc và chị Hải phải mua ở nhà thuốc bên ngoài với giá 1.300.000 đồng.
"Mua thuốc không bao giờ được mặc cả và cũng không có hóa đơn hay chứng từ gì. Do đó, người bệnh mặc nhiên phải chấp nhận giá bán của các nhà thuốc đồng thời cũng không thể chắc chắn là mình mua được thuốc thật hay giả hoặc có đảm bảo quy chuẩn không," chị Hải băn khoăn.
Người dân thường mua hàng tại chợ đầu mối, trên các sàn thương mại điện tử không rõ nguồn gốc và đặc biệt là không yêu cầu người bán cấp hóa đơn, chứng từ.
Tương tự, chị Trần Thúy Hằng (Hà Nội) cho biết mức chi tiêu nhỉnh hơn chị Hải. Tuy nhiên, do công việc bận rộn nên chị thường mua thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng ở chợ truyền thống và trên các nền tảng thương mại điện tử. Vì vậy, chị Hằng khẳng định đến 90% giá trị chi tiêu hàng tháng của gia đình là không có hóa đơn, chứng từ.
Khi nghe thông tin cơ quan chức năng bắt được các công ty sản xuất sữa giả gần đây, anh Nguyễn Đình Hùng (Hà Nội) đã tá hỏa. Anh cho biết, trong một thời gian dài mua sữa bột cho hai con, nhưng thực chất không thể nào biết là thật hay giả. Anh Hùng chia sẻ, anh có thói quen mua sữa tại các cửa hàng trên đường phố (do ham rẻ hơn một chút so với siêu thị). Nhưng hai con anh uống sữa (một loại sữa thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài) hàng ngày mà vẫn không phổng phao như các bạn.
Từ ngày 15/4 đến 15/5/2025, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã thực hiện kiểm tra 54 lượt/vụ, phát hiện, xử lý 48 vụ vi phạm. Hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy gồm các loại sữa bột, sữa tươi, sữa chua, đồ ăn, thực phẩm chức năng.... (Ảnh: Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai)
"Tôi mua sữa hàng tháng trong cả chục năm tại các cửa hàng trên phố. Tôi cũng như mọi người, mua hàng làm gì có hóa đơn, chứng từ, do đó nếu cửa hàng có bán sữa giả, tôi cũng không làm gì được họ. Trong khi, cháu trai tôi ở nước ngoài cho biết luôn có thói quen lưu lại biên lai mua hàng, vừa để quản lý chi tiêu và làm căn cứ giải quyết các khiếu nại khi cần thiết," anh Hùng cho biết.
Một khảo sát nhỏ của phóng viên VietnamPlus với cả người bán hàng và người mua đã ghi nhận sự "ngạc nhiên" của cả hai phía khi được hỏi đến việc cung cấp và yêu cầu hóa đơn bán hàng trong hoạt động bán lẻ.
Chị Hoàng Phương Anh (Hà Nội) thường xuyên mua quần áo và các phụ kiện trên nền tảng thương mại điện tử. Chị cho biết rất thích mua các sản phẩm may mặc xuất dư (xuất xứ "made in Vietnam") và các sản phẩm hàng xách tay có thương hiệu quốc tế (được các trang bán hàng giới thiệu là hàng săn sale). Chị Phương Anh chia sẻ, chị rất hài lòng về kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng và giá cả rất hợp lý (chỉ bằng khoảng 20-30% so với giá bán của nhãn thời trang trong nước). Vì vậy, chị cho biết không có lý do gì phải yêu cầu cửa hàng cung cấp hóa đơn thuế.
Ngày 3/5, phóng viên có mặt tại chợ đầu mối Ninh Hiệp (Hà Nội) với vai trò là người mua hàng lẻ. Tại đây, phóng viên đã mua được hai bộ quần áo mặc ở nhà với kiểu dáng và chất liệu vải khá tương đồng so với các nhãn hàng có thương hiệu sản xuất với giá tổng cộng 160.000 đồng. Bên cạnh đó, phóng viên cũng mua được hai chiếc áo sơ mi bằng vải lụa với chất lượng cùng đường may và khuy, chỉ… có thể nói là tương tự như hàng sản xuất từ các nhà máy trong nước. Ngoài ra, phóng viên hỏi những người bán hàng có thể cấp hóa đơn thì họ tỏ ra khá lạ lẫm trước yêu cầu này, thậm chí có người bán hàng cười và nói: "Hàng trốn thuế thì làm gì có hóa đơn."
Cùng ngày, phóng viên đến chợ hoa đêm Quảng Bá (Hà Nội), chợ đầu mối cung cấp hoa của thành phố. Thời gian gần đây, bên cạnh các loại hoa trồng trong nước thì hoa ngoại xuất hiện rất nhiều. Quan sát tại chợ, các quầy hàng bán hoa ngoại chiếm số lượng có phần áp đảo hơn so với các chủ bán hoa được trồng trong nước. Khi hỏi về nguồn gốc của hoa, các chủ hàng thản nhiên cho biết đây là hoa có xuất xứ từ Trung Quốc. Các loại hoa này rất đẹp, mới lạ, đa dạng và giá cả rất hợp lý, gần như tương đồng với hoa trong nước. Chúng cũng được bán như hoa trong nước, người mua trả tiền-người bán giao hoa và không có bất kỳ biên lai, biên nhận gì. Điều này có nghĩa người mua hoàn toàn phải chấp nhận rủi ro về sức khỏe (nếu hoa được bảo quản bằng hóa chất không an toàn trong quá trình vận chuyển và lưu kho). Bên cạnh đó, những người dân sản xuất hoa trong nước cũng đang dần phải đối mặt với sức cạnh tranh mạnh mẽ từ nguồn hoa ngoại này.
Bên cạnh các loại hoa trồng trong nước thì hoa ngoại xuất hiện rất nhiều tại các chợ truyền thống. (Ảnh: Vietnam+)
"Vũ khí" nào để thay đổi cục diện thị trường?
Nhằm tạo sự minh bạch hóa các giao dịch thương mại, từ đó thiết lập lại một thị trường nội địa cạnh tranh công bằng, ngày 20/3, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6. Nghị định mở rộng đối tượng áp dụng quy định về hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đến các cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Điều này còn hỗ trợ người nộp thuế quản lý hoạt động kinh doanh dễ dàng và nâng cao uy tín với khách hàng.
Về điều này, bà Dương Thanh Thảo, Phó giám đốc Công ty cổ phần Gạo Ông Thọ nhấn mạnh: "Chúng tôi rất ủng hộ kiểm soát triệt để nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cùng với hóa đơn chứng từ bán hàng từ đầu vào, đầu ra được thực hiện minh bạch trên toàn quốc. Điều này trước hết giúp thị trường trở nên lành mạnh đồng thời tính cạnh tranh sẽ công bằng hơn. Hơn thế nữa, người tiêu dùng mua được sản phẩm đúng giá trị mình bỏ ra."
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng điều quan trọng là phải xây dựng được hệ thống quản lý hiệu quả. Nếu người bán không phát hành hóa đơn, thị trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, do đó trước hết cần tập trung vào việc thu thuế từ người bán. Sau đó, cơ quan quản lý tiếp tục kiểm tra nguồn đầu vào và đảm bảo hóa đơn được phát hành đầy đủ.
"Giải pháp hiệu quả là siết chặt quản lý đối với người bán bằng các biện pháp mạnh mẽ, thực hiện hậu kiểm, áp dụng xử phạt và thậm chí cắt giấy phép kinh doanh, họ sẽ buộc phải tuân thủ," ông Dương đề xuất.
Về phía người tiêu dùng, ông Dương khuyến nghị việc lấy hóa đơn sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của họ, chống lại hàng giả, hàng nhái. "Người dân khi mua một hộp sữa, một chiếc áo, quần và nhận được hóa đơn từ người bán hàng, điều này có nghĩa là sản phẩm đó có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài quyền lợi, đây còn là trách nhiệm của người tiêu dùng, cùng Nhà nước bảo vệ thị trường nội địa minh bạch," ông Dương nói.
Mặt khác, ông Dương cho rằng Cơ quan Thuế cần khuyến khích người mua tham gia vào cuộc chiến chống hàng nhái, hàng giả và hàng lậu. Theo đó, người tiêu dùng phát hiện người bán không phát hành hóa đơn, họ có quyền khiếu nại và báo cáo lên Cục Thuế hoặc các cơ quan quản lý thị trường.
"Điều này giống như việc phát hiện người vi phạm luật giao thông, nếu người bán hàng không phát hành hóa đơn, người dân có quyền thông tin trên mạng và nói rằng: 'Nhà hàng, cửa hàng này bán hàng không hóa đơn'," ông Dương đề nghị.
Cơ quan Thuế cần khuyến khích người mua tham gia vào cuộc chiến chống hàng nhái, hàng giả và hàng lậu.(Ảnh: Vietnam+)
Chia sẻ về công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết ngành Thuế sẽ chuyển đổi phương pháp quản lý hộ kinh doanh theo phương pháp truyền thống sang phương thức quản lý tự động hóa thông qua công tác chuyển đổi số và dự liệu lớn (Big Data). Theo đó, cơ quan thuế tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, đối thoại, nâng cao nhận thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, đặc biệt là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, nhà hàng, lưu trú.
Cục trưởng Cục Thuế nhấn mạnh việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế trong năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang thực hiện đồng bộ chuyển đổi số và cải cách hành chính theo hướng hiện đại, minh bạch, hiệu quả. Các thủ trưởng các đơn vị trong ngành, nhất là các lãnh đạo trực tiếp phụ trách lĩnh vực hộ kinh doanh xác định rõ đây là nhiệm vụ quan trọng để tập trung chỉ đạo quyết liệt, có giải pháp cụ thể, thực hiện đồng bộ. Các chỉ tiêu, kế hoạch giao sẽ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu từng đơn vị, từng bộ phận.
Ngành Thuế sẽ chuyển đổi phương pháp quản lý hộ kinh doanh theo phương pháp truyền thống sang phương thức quản lý tự động hóa thông qua công tác chuyển đổi số và dự liệu lớn.
Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp (20/5), Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã thông tin về chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh để trở thành doanh nghiệp. Bên cạnh các giải pháp khuyến khích (miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp mới thành lập, hỗ trợ tiền thuê đất, giảm thiểu thủ tục, điều kiện về kế toán, lao động, kê khai thuế), Cơ quan Thuế cũng siết chặt quản lý đối với hộ kinh doanh theo hướng bỏ thuế khoán, thực hiện kê khai nộp thuế theo doanh thu thực tế (như doanh nghiệp và phải xuất hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền). Cụ thể, việc ghi nhận doanh thu này nhằm tính thuế như doanh nghiệp.
"Với những giải pháp hiện nay, các hộ kinh doanh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ có nhiều ưu đãi và thuận lợi hơn. Trong thời gian tới, việc này sẽ đạt được hiệu quả," Bộ trưởng Bộ Tài chính tin tưởng.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; Tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả cụ thể, thiết thực."
Quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là rất rõ ràng. Cộng đồng doanh nghiệp làm kinh doanh "chân chính" với thương hiệu "Made in Vietnam" cũng đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, tất cả những điều này cần có sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân. Theo các chuyên gia, hóa đơn điện tử là "vũ khí" để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đồng thời xây dựng một thị trường nội địa minh bạch, công bằng.
Ông Dương nhấn mạnh, "vũ khí" - hóa đơn điện tử đang nằm trong tay người tiêu dùng. Việc yêu cầu hóa đơn là một hành động đơn giản nhưng mang lại hiệu quả to lớn.
"Hành động nhỏ, thay đổi lớn!" ông Dương nói./.
Hóa đơn điện tử là "vũ khí" để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đồng thời xây dựng một thị trường nội địa minh bạch, công bằng. (Ảnh: Vietnam+)
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/cham-dut-tiep-tay-cho-hang-gia-nguoi-viet-tu-giai-cuu-thi-truong-noi-dia-post1040041.vnp