Chấm dứt tình trạng 'ai cũng đúng, nhưng kết quả vẫn sai'

Chấm dứt tình trạng 'ai cũng đúng, nhưng kết quả vẫn sai'
12 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham gia phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng
Sáng nay, 23/5, tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội thảo luận tại tổ về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham gia phiên thảo luận tại Tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Đắk Lắk, Bắc Ninh, Lào Cai và Hậu Giang).
Kết quả hết sức tích cực, nhưng thử thách cũng rất lớn
Theo các đại biểu tại Tổ 13, chúng ta đã đi gần nửa chặng đường của năm 2025 với dồn dập biến động.
Trên thế giới, các chuyển động địa chính trị, chuỗi cung ứng toàn cầu và xu thế bảo hộ thương mại đang tạo ra những làn sóng bất định ngày càng khó đoán.
Trong nước, guồng máy cải cách đang xoay nhanh, từng bước tái cấu trúc lại nền tảng, định hình lại tư duy điều hành, và tìm kiếm lời giải cho những thách thức chưa từng có tiền lệ.
Trong bối cảnh đó, việc tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt 6,93% - mức cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025, là kết quả hết sức tích cực. Các lĩnh vực kinh tế chính đều tăng trưởng. Các chính sách an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được triển khai hiệu quả. ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) đánh giá rất cao sự điều hành của Chính phủ thời gian qua.
Đại biểu cũng cho biết, cử tri và Nhân dân đang dõi theo và hết sức ủng hộ các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập các tỉnh, không tổ chức cấp huyện...
Tuy vậy, một số đại biểu cũng cho rằng, để chạm mốc mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên cho cả năm, các quý còn lại buộc phải đạt bình quân khoảng 8,4% - là một thử thách lớn khi nền kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn những rủi ro về địa chính trị, tài chính, thương mại và dòng vốn đầu tư, đặc biệt là những thách thức đến từ chính sách thuế của Hoa Kỳ và tác động của chiến tranh thương mại.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham gia phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng
Cải cách tư duy đánh giá tín dụng phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp
Tập trung đóng góp giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, chính sách tài khóa và tiền tệ cần thật sự trở thành “đòn bẩy tăng trưởng”.
Theo đại biểu, thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực với các chính sách như Nghị định 82/2025/NĐ-CP (gia hạn thuế, tiền thuê đất), Nghị định 31/2022/NĐ-CP (hỗ trợ lãi suất 2%... "Tuy nhiên, thực tế triển khai lại rất chật vật".
Phân tích cụ thể, đại biểu cho biết, gói hỗ trợ lãi suất 2% từng được kỳ vọng là "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp, sau gần hai năm mới giải ngân chưa tới 5%. Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là “xương sống” của nền kinh tế bị loại khỏi cuộc chơi vì không có báo cáo tài chính được kiểm toán hay tài sản thế chấp đạt chuẩn.
"Chính sách có, tiền có, nhưng doanh nghiệp không chạm được. Đó là sự thất bại trong thực thi. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, điều cấp thiết hơn là cải tổ toàn diện cơ chế thực thi để dòng vốn thực sự chảy đến đúng nơi cần thiết", đại biểu nhấn mạnh.
Muốn làm được điều đó, theo đại biểu Nguyễn Như So, cần đồng bộ triển khai ba nhóm giải pháp then chốt:
Một là, cải cách tư duy đánh giá tín dụng phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp.
"Không thể tiếp tục áp dụng một bộ tiêu chí giống nhau cho cả tập đoàn lớn và doanh nghiệp khởi nghiệp. Hệ thống tài chính ngân hàng cần chuyển từ “tư duy sổ đỏ” sang “tư duy dòng tiền”, đánh giá năng lực trả nợ dựa trên dữ liệu kinh doanh, lịch sử đóng thuế, hiệu quả vận hành thực tế thay vì chỉ nhìn vào bảng cân đối kế toán hoặc tài sản thế chấp", đại biểu nêu quan điểm.
Hai là, giao chỉ tiêu giải ngân bắt buộc cho từng tổ chức tín dụng, giống như giao kế hoạch sản xuất kinh doanh. Nhưng chỉ tiêu không chỉ là “bao nhiêu tiền đã ra khỏi quỹ”, mà là “đã đến tay ai, hiệu quả ra sao”. Bao nhiêu phần trăm vốn đến với doanh nghiệp nhỏ? Bao nhiêu đến với ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất? Phải công khai số liệu, có khen, có phạt, để tăng tính ràng buộc và chấm dứt tình trạng “ai cũng đúng nhưng kết quả vẫn sai”.
Ba là, cần khẩn trương thiết lập hệ thống giám sát độc lập, công khai, với bộ chỉ tiêu đo lường minh bạch: tỷ lệ giải ngân, số hồ sơ tiếp cận thành công, tỷ lệ bị từ chối và lý do cụ thể. Không thể để “tiền nằm trong ngân hàng, doanh nghiệp nằm trên bờ vực”. Mỗi ngân hàng, mỗi địa phương cần phải chịu trách nhiệm giải trình về vấn đề này.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Như So cũng đề nghị phải tăng tốc phát triển thị trường, coi đây là đòn bẩy chiến lược, tạo động lực tăng trưởng và nâng cao sức chống chịu của khu vực kinh tế tư nhân.
Chọn vấn đề then chốt còn vướng mắc để tập trung tháo gỡ
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng
Trong bối cảnh từ nay đến cuối năm cả nước phải tập trung thực hiện rất nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng như tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, sáp nhập một số tỉnh, sắp xếp cấp xã..., đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Chính phủ phải tập trung rà soát tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, chọn các vấn đề then chốt còn vướng mắc để tập trung tháo gỡ, trên cơ sở đó, xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong các tháng còn lại của năm 2025.
Đại biểu cũng đề nghị, cần có các giải pháp tập trung hỗ trợ cho các địa phương còn nhiều khó khăn, tập trung chỉ đạo, giám sát, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc để cùng với địa phương tháo gỡ thì mới mong đạt được mục tiêu tăng trưởng cả nước 8% trở lên.
Nêu một số đề xuất cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo kịp thời vấn đề điều chỉnh quy hoạch trong bối cảnh sáp nhập một số tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính sẽ tác động đến các quy hoạch đã được phê duyệt trước đó. Trong đó, cần xác định lại quy hoạch tổng thể của vùng kinh tế trong cả nước và quy hoạch của địa phương trong các tỉnh, thành phố sau sáp nhập, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm gắn liền với vấn đề an ninh quốc phòng và tăng trưởng của các địa phương.
Đánh giá cao việc Chính phủ, các bộ, địa phương đang mở cuộc tấn công trấn áp tội phạm liên quan tới gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cũng cho rằng, sự phối hợp giải quyết của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này thời gian qua cũng chưa hết ngọn ngành. Do vậy, phải có các giải pháp căn cơ hơn nữa để khắc phục tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan hiện nay.
Quỳnh Chi
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/cham-dut-tinh-trang-ai-cung-dung-nhung-ket-qua-van-sai-10373497.html