Đồng tình với chủ trương đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2025, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công sẽ gặp rất nhiều trở ngại, và nhận định: “Để giải ngân được 100% như mục tiêu đặt ra thì cần một phép màu”.
Thay vì chỉ trông cậy vào đầu tư công, ông kiến nghị cần khuyến khích mạnh mẽ đầu tư từ khu vực tư nhân, yếu tố có thể tạo ra đột phá về tăng trưởng. Dẫn chứng từ mô hình tăng trưởng của Trung Quốc, ông Cường khẳng định: “Trong giai đoạn tăng trưởng vượt bậc của Trung Quốc, bất động sản đóng vai trò then chốt. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần cân nhắc việc cho phép tăng trưởng nóng ở lĩnh vực này”.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) nêu ý kiến tại thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng
Ông cũng phân tích, thị trường bất động sản trong nước đang rơi vào tình trạng thiếu cung nghiêm trọng, dẫn đến giá cả leo thang. Đây là biểu hiện của thị trường khan hiếm, không phải bong bóng. Việc nới rộng chính sách phát triển bất động sản sẽ giúp tăng nguồn cung, hạn chế rủi ro dư thừa và tồn kho như đã xảy ra tại Trung Quốc.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có khoảng 2.200 dự án đang bị đình trệ do vướng mắc pháp luật, với tổng vốn đầu tư lên tới 5,9 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 320.000 ha đất. Ông nhấn mạnh: “Tiền đang bị chôn ở đó. Đây là nguồn lực cực kỳ lớn nếu được khai thông sẽ tạo cú hích mạnh cho tăng trưởng”.
Từ thực tế hiệu quả của Nghị quyết 170, cho phép tháo gỡ các vướng mắc pháp lý tại TP.HCM, Khánh Hòa và Đà Nẵng, ông Cường đề xuất áp dụng rộng rãi cơ chế này cho các địa phương khác. “Nếu triển khai đồng bộ, tác động đến tăng trưởng kinh tế sẽ rất lớn”, ông khẳng định.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) thảo luận tại tổ. Ảnh: Gia Hân
Cùng quan điểm về sự cần thiết tháo gỡ cho đầu tư tư nhân, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) bày tỏ lo ngại về môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và công nghiệp.
Dẫn khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đồng chỉ ra rằng tỷ lệ doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận mặt bằng kinh doanh đã giảm mạnh từ 55% năm 2021 xuống còn 33% vào năm 2024. Nguyên nhân chính đến từ việc kéo dài thủ tục hành chính, đặc biệt là quá trình xác định giá đất.
“Rừng thủ tục, núi thủ tục như hiện nay khiến chúng ta không thể kỳ vọng huy động đủ vốn tư nhân để phục vụ tăng trưởng”, ông nhấn mạnh. Đồng thời, thủ tục kéo dài cũng khiến nguồn cung bất động sản bị đình trệ, giá nhà leo thang, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội và thị trường.
Từ đó, ông kiến nghị Chính phủ cần xác định tháo gỡ các điểm nghẽn của dự án đầu tư là “trọng tâm của trọng tâm” trong chiến lược phát triển kinh tế, và cần có giải pháp thật sự quyết liệt, mang tính đột phá để tạo chuyển biến rõ rệt.
Nhật Hưng