Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong bối cảnh Chính phủ quyết liệt đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, việc thúc đẩy khu vực tư nhân, đặc biệt là thị trường bất động sản, sẽ là cú hích mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế.
"Ở nước ta, lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất hiện nay chính là bất động sản", ông Cường nhận định, đồng thời dẫn chứng kinh nghiệm của Trung Quốc, nơi tăng trưởng mạnh trong quá khứ được thúc đẩy đáng kể nhờ sự phát triển của bất động sản.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội)
Đại biểu Cường đề xuất nên chấp nhận "tăng trưởng nóng" thông qua bất động sản trong giai đoạn 2025-2026. Theo đại biểu Cường, thị trường hiện thiếu nguồn cung chứ không phải đang ở tình trạng “bong bóng”, do đó cần nới lỏng cơ chế để các dự án được triển khai thuận lợi hơn, góp phần tăng cung cho thị trường.
Dẫn số liệu từ Bộ Tài chính, đại biểu Cường cho biết hiện có khoảng 2.200 dự án bất động sản đang dở dang với tổng vốn đầu tư lên tới 5,9 triệu tỷ đồng và diện tích ước tính 320.000 ha bị “đóng băng” vì vướng mắc pháp lý. Đại biểu đề nghị cần nhân rộng cơ chế tháo gỡ như Nghị quyết 170/2024, vốn đang được áp dụng tại TP HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng, để “giải phóng” toàn bộ nguồn lực này trên phạm vi cả nước.
Ngoài ra, đại biểu Cường cũng nhấn mạnh vai trò của nhà ở xã hội trong phát triển thị trường bền vững. Tuy nhiên, hiện các dự án nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn do điều kiện đầu tư khắt khe, đặc biệt là về mức dư nợ tối thiểu. Ông kiến nghị cần nới điều kiện để thu hút nhà đầu tư.
Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại - cảnh báo tình trạng nhiều dự án đầu tư dở dang, chậm tiến độ, thậm chí bỏ hoang, đang gây lãng phí lớn cho quốc gia và ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng. Đại biểu Đức đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm tra cần vào cuộc để xác định nguyên nhân và tháo gỡ kịp thời.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 15/5 với các bộ, ngành về thị trường bất động sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định thị trường vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, bất ổn kéo dài với biểu hiện "lúc đóng băng, khi sốt nóng", tác động dây chuyền tới tín dụng và tài chính.
Dữ liệu cho thấy, quý đầu năm, cả nước có 14 dự án nhà ở thương mại hoàn thành (3.800 căn), số dự án đủ điều kiện mở bán là 59, với hơn 19.700 căn. Giao dịch thành công đạt hơn 33.500 căn hộ và 101.000 lô đất nền.
Bên cạnh đó, vấn đề xử lý tài sản công sau khi sắp xếp bộ máy cũng được đại biểu Nguyễn Minh Đức đặt ra. Đại biểu kêu gọi các địa phương sớm xây dựng phương án cụ thể để tránh lãng phí quỹ đất và trụ sở sau sắp xếp. Về phần mình, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý cần giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến đất đai tại các nông, lâm trường - vốn được thành lập trong giai đoạn trước, nhưng hiện đang vướng nhiều hệ lụy cả về pháp lý và thực tiễn do quản lý lỏng lẻo.
Những đề xuất và cảnh báo được đưa ra cho thấy yêu cầu cấp bách phải điều chỉnh chính sách, tháo gỡ nút thắt cho thị trường bất động sản - một trong những động lực then chốt của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn sắp tới.
Huy Tùng