Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Khi Đề án 06 được đẩy mạnh sẽ tạo sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường quản lý nhà nước và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phát huy hiệu quả thiết thực thông qua việc mở rộng nhiều tiện ích, tích hợp giấy tờ thiết yếu, cẩm nang số và trợ lý ảo trên ứng dụng VNeID. Thực tế cho thấy, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong 6 tháng đầu năm 2025 đã đạt mức 39,51%.
Dù ghi nhận kết quả tích cực bước đầu của các bộ, ngành, địa phương trong việc số hóa quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, tuy nhiên Thủ tướng Chính phủ cũng chưa hài lòng bởi vẫn còn nhiều TTHC rườm rà, người dân, doanh nghiệp còn vất vả, việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC còn chậm, mới đạt 18%. Theo dự kiến, mục tiêu đề ra là tới năm 2025, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công toàn trình phải đạt tới 80%, song tới nay mới chỉ đạt mức 39,51%, các tỉnh mới đạt 15,21%, rất thấp so với yêu cầu đặt ra.
Cũng chính bởi nhiều TTHC còn rườm rà, việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức giải quyết TTHC với người dân, doanh nghiệp còn khá phổ biến nên không tránh khỏi ở một số nơi, một số lĩnh vực vẫn phát sinh sự nhũng nhiễu, phiền hà, tham nhũng vặt... Theo đó, vấn nạn “cò giấy tờ” vẫn hoạt động tại các trung tâm phục vụ hành chính công. Khi mà người dân, doanh nghiệp chưa được tạo điều kiện thuận lợi, còn bị gây khó khăn trong việc giải quyết TTHC thì “cò giấy tờ” vẫn còn tồn tại.
Vì thế, vấn đề căn cơ để giải quyết triệt để vấn nạn “cò giấy tờ” là việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp phải nhanh gọn, thuận tiện. Quan trọng hơn là các TTHC cần phải được giải quyết qua các phần mềm quản lý, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ và cá nhân, tổ chức cần giải quyết TTHC. Khi mà người dân, doanh nghiệp không còn bị nhũng nhiễu, phiền hà, thì không còn lý do gì để tìm đến “cò giấy tờ” giúp họ giải quyết các TTHC, khi đó dịch vụ này sẽ “hết đất sống”.
Song, để có thể suôn sẻ, thuận lợi trong việc thực hiện mọi TTHC được giải quyết online thông qua các phần mềm kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng đề án số hóa quốc gia, Chính phủ điện tử. Khi mà cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cập nhật đầy đủ, kết nối liên thông tới tất cả các lĩnh vực, từ Trung ương tới địa phương, thì việc giải quyết các TTHC sẽ thuận tiện.
Hơn nữa, nếu các cán bộ, công chức không còn tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết các TTHC, không có cơ hội phiền hà, vòi vĩnh thì sẽ triệt tiêu trung gian “bắc cầu”, từ đó “cò giấy tờ” cũng sẽ không còn có lý do để tồn tại. Đó chính là lý do Thủ tướng Chính phủ kiên quyết yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các địa phương phải tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho bộ, ngành, cơ quan, địa phương mình, bảo đảm “đúng, đủ” để phục vụ việc giải quyết các TTHC thuận lợi, nhanh gọn cho người dân, doanh nghiệp.
Tinh Anh