Cơ sở về việc yêu thương những người cùng cực được thể hiện trong lời của Vua Gia Long, cuối năm 1801, khi vị vua đầu triều Nguyễn này vừa đánh thắng nhà Tây Sơn, lấy lại được kinh đô Phú Xuân. Theo bộ sử "Đại Nam thực lục" (Chính biên, đệ nhất kỷ), Vua Gia Long (lúc đó còn chưa lên ngôi) đã sai hoãn nợ tư cho nhân dân ở Quảng Ngãi và Quảng Nam. Lời dụ của nhà vua viết rằng: "Giúp người cùng thương kẻ thiếu là việc đầu tiên của nhân chính. Thuở xưa Vua Nghiêu không nỡ bỏ người nghèo túng, Vua Văn Vương thương xót kẻ cô đơn, đều là yêu dân tột bực vậy".
Vua Lê Thánh Tông ban hành nhiều chính sách chăm lo cho dân nghèo.
Tờ dụ viết tiếp về lý do của lệnh hoãn nợ: "Nay nghĩa binh đã dấy, lấy lại kinh đô, thì chính sách khi mới về càng phải lấy thương xót kẻ nghèo túng làm cần kíp. Địa phương Quảng Nam và Quảng Ngãi các ngươi, sau khi loạn lạc, liền năm mất mùa đói kém, lại luôn chịu thuế má, sai dịch, ta rất thương xót. Vậy, hạ lệnh phàm những món nợ tiền thóc tạm vay đều cho hoãn lại một năm, hết hạn mới đòi hỏi. Đó là muốn cho kẻ giàu người nghèo giúp đỡ lẫn nhau, không phải kẻ khinh người trọng. Mọi người đều phải kính tuân, không được sai trái".
Việc chia ngạch dân ra các mức độ giàu, nghèo để đánh thuế đã có từ thời Lý, Trần. Như ở thời Trần, chiếu lệnh của vua đầu triều đại này là Trần Thái Tông, tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 11 (1242), đã quy định: "Nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc, người không có ruộng đất thì miễn cả".
Vào những năm mất mùa đói kém do thiên tai hay địch họa như lụt lội, hạn hán, chiến tranh... nhà nước quân chủ đều xuống chiếu miễn tô thuế cho dân chúng, tùy theo mức độ thiệt hại mà mức miễn giảm được quy định cụ thể. Đó cũng là sự chia sẻ hữu hiệu của nhà nước đối với trăm họ. Tháng 7 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 11 (1242), mưa to, xuống chiếu miễn một nửa tô ruộng; tháng 4 mùa hạ năm Trùng Hưng thứ tư (1288), sau khi đánh đuổi giặc Nguyên Mông xâm lược lần thứ 3, Thượng hoàng Trần Thánh Tông xuống chiếu đại xá thiên hạ, những nơi bị binh lửa, cướp phá thì miễn toàn bộ phần tô, dịch, các nơi khác thì miễn giảm tùy theo mức độ khác nhau; tháng 9 mùa thu năm Trùng Hưng thứ 6 (1290), trong nước đói to, triều đình xuống chiếu phát thóc công chẩn cấp dân nghèo và miễn thuế nhân đinh; từ tháng 5 đến tháng 7 năm Đại Trị thứ 5 (1362), hạn hán, lụt lội, Vua Trần Dụ Tông xuống chiếu miễn một nửa tô thuế cho cả nước...
Lòng yêu thương dân nghèo được thể hiện qua lời nói của Vua Trần Minh Tông, khi có kẻ sĩ dâng sớ nói là trong dân gian có nhiều người du thủ du thực, đến già vẫn không có hộ tịch, thuế má không nộp, sai dịch không theo, rằng: "Không như thế thì sao thành đời thái bình? Ngươi muốn ta trách phạt họ thì được việc gì không?".
Thời Lê sơ cũng vậy, khi có việc thiên tai liên tiếp, quân vương nghĩ ngay đến những dân nghèo bị ảnh hưởng. Như mùa hạ năm Thái Hòa thứ 9 (1451), vì có tai dị, Vua Lê Nhân Tông xuống chiếu tự trách mình và muốn ban ân huệ thực để an ủi lòng người, báo đáp trời cao và chấm dứt tai biến. Trong những điều khoan tha có tha các loại thuế, những kẻ trốn tránh thì cho ra đầu thú, những án kiện bỏ đọng thì cho tâu trình đầy đủ nguyên do.
Thời Lê sơ, triều đình đã cho thành lập 43 sở đồn điền ở các nơi để chiêu mộ dân nghèo khai đất khẩn hoang, cày cấy nộp thuế cho nhà nước. Vị vua hiền minh Lê Thánh Tông cũng luôn quan tâm đến dân nghèo. Tháng Giêng năm Hồng Đức thứ 6 (1485), trong lệnh cho các phủ, huyện, châu nộp các loại thuế, đã bổ sung "Người nào đói rét khốn khổ thì thôn trưởng phải làm tờ cam đoan và cùng nhau bảo đảm, theo như lệnh trước mà thi hành". Năm Hồng Đức thứ 20 (1489), mùa hè có đại hạn, Vua Lê Thánh Tông hạ lệnh ân xá. Tháng 2 năm 1490 cũng có đại hạn lâu ngày, các phủ, huyện thuộc Đông đạo không thể cày cấy được, nhân dân nhiều người bị chết đói. Nhà vua sai các quan ở Hàn lâm viện, Lục khoa, Ngự sử đài và Hiệu úy vệ Cẩm y chia nhau đến các phủ, huyện, đem thóc trong kho phát chẩn cho dân vay.
Các năm 1466-1467, 1489, 1490 xảy ra đại hạn, triều đình đều tiến hành đại xá. Năm 1497 có nạn đói ở Nghệ An, "Đại Việt sử ký toàn thư" cho biết: "Nhà vua ra sắc lệnh hai ty Thừa chính và Hiến sát phát thóc trong kho công cho dân nghèo vay, mỗi người được vay 100 thăng, đợi lúc lúa chín được mùa sẽ thu lại nộp trả vào kho công".
Ở Đàng Trong, chúa Nguyễn cũng phát chẩn cho dân nghèo để làm phúc. Năm 1714, chúa Nguyễn Phúc Chu hoàn thành trùng tu chùa Thiên Mụ, đã mở hội lớn, phát tiền gạo chẩn cấp cho người nghèo thiếu.
Việc chia ruộng hoang cho dân nghèo khai phá được Vua Gia Long tiến hành ngay khi mới lên ngôi. Lệnh của nhà vua năm Gia Long thứ nhất (1802) sai các dinh ở Gia Định chia cấp ruộng hoang cho dân nghèo. "Đại Nam thực lục" viết: "Gia Định đất đai màu mỡ, thóc gạo chan chứa mà nhân dân phần nhiều hay làm mạt nghệ (tức các nghề buôn bán, theo quan niệm thời đó), nên ruộng đất có chỗ bỏ hoang". Vua bèn dụ cho các dinh thần phải chăm đi khuyên bảo. Người nào không có điền sản thì đem ruộng hoang cấp và cho vay thóc giống, đợi thu hoạch xong sẽ y số trả lại nhà nước. Người nào ăn chơi lêu lổng, không chịu làm ruộng thì phạt 3 hộc thóc và sung làm binh để răn kẻ lười biếng.
Suốt thời Nguyễn, mỗi khi có thiên tai, bão lụt, triều đình đều tổ chức phát chẩn cho dân nghèo hoặc sai quan địa phương phát thóc ở kho công ra cho dân nghèo vay. Năm Gia Long thứ 16 (1817), ở Quảng Nam có sâu keo; Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An gạo đắt. Vua cùng bầy tôi bàn việc phát chẩn cho vay và ban dụ rằng: "Phép phát chẩn và cho vay các đời vẫn có nhưng đều chưa có kế hay. Nay, nên sai quan sở tại tùy nghi đặt kế mà làm, lượng mà phát chẩn, cốt sao cho những dân góa vợ, góa chồng cô độc khốn cùng, đều thấm nhuần ơn huệ, như thế mới được". Sau đó, nhà vua sai lấy thóc kho, Quảng Trị được lấy 5.000 hộc, Quảng Bình 10.000 hộc, Nghệ An 5.000 hộc, các quan dinh trấn đều thân đi phát chẩn cho dân nghèo. Vua lại cùng bầy tôi nói đến nạn đói kém và bảo rằng: "Đói rét của dân cũng như ở thân trẫm, lòng thương xót không thể thôi được".
Đời Vua Minh Mạng, năm 1834, khi quan tỉnh Thanh Hoa tâu xin tiếp tục thuê dân nghèo đi lấy đá núi, chiếu theo lệ trước, cấp cho tiền và gạo. Vua bảo Bộ Hộ rằng: "Đó cũng là cái ý nhân việc công để thay cho phát chẩn" và lập tức chuẩn y lời xin này. Các địp lễ tết, mừng lên ngôi, sinh nhật vua hay hoàng thái hậu, triều đình nhà Nguyễn đều có ân chiếu, trong đó không quên việc chu cấp cho những đối tượng nghèo khổ.
Khi Vua Gia Long ra Bắc lần đầu vào cuối năm 1802, xét thấy các hủ tục trong việc tang ma, hôn tế khiến người dân nghèo khốn đốn, đã sai định lại điều lệ hương đảng cho các xã dân ở Bắc Hà. Tờ chiếu giải thích rõ: "Phàm tiết ăn uống, lễ cưới xin, việc ma chay và thờ thần thờ phật, nhiều việc quá trớn lấn lễ; bọn hào mục nhân đó mà đục khoét, người cùng dân đến nỗi dạt xiêu, thực là bởi cớ ấy. Nay, tham chước thêm bớt, xén chỗ quá đáng, để chỗ vừa phải, lập định lệ cho hương đảng, là muốn sửa đổi nguồn tệ để cùng về đường chính vậy".
Về việc ăn uống, Vua Gia Long nêu rõ: "Gần đây có kẻ mượn cớ việc làng, họp nhau chè chén, tiêu phí một bữa ít là 3-4 quan, nhiều là hơn 10 quan, nếu đóng góp chưa kịp thì bắt xã trưởng, thôn trưởng vay nợ cầm áo mà ứng biện, để đến kỳ thu thuế thì vượt lệ bội thu mà bù vào phí trước, trên thì quy oán cho quan ty, dưới thì bóc lột của dân nghèo. Từ nay về sau, xã dân như có việc công đáng phải họp bàn thì chỉ dùng trầu cau làm lễ, rượu thịt đều cấm".
Việc ăn khao khi thi đậu hay được vua ban sắc mệnh cũng được chỉ rõ: "Người làng vin tục lệ, đòi thết đãi, cỗ bàn ăn uống mấy phen, sau trước theo nhau, gọi là nợ miệng. Đền xong khoán lệ của làng thì mất hết gia tài, làm ăn đến phải lụn bại. Từ nay về sau, các lễ vui mừng, việc lớn cho dùng xôi lợn, không có thì nộp thay 3 quan tiền, việc nhỏ thì dùng xôi gà, không có thì nộp thay 1 quan 6 tiền".
Việc cưới xin, từ thời Lê trung hưng, tục lệ nhiêu khê phức tạp, tốn kém cũng bị nhà vua đả kích. Chiếu chỉ nhà vua trích dẫn: "Văn Trung Tử nói: "Giá thú mà bàn của cải là thói của rợ mọi". Đại phàm lấy vợ lấy chồng, chẳng qua cốt được cặp đôi mà thôi, còn lễ cưới thì nên châm chước trong sáu lễ, lượng tùy nhà có hay không, chứ không được viết khế cố ruộng. Hương trưởng thu tiền cheo trong lễ cưới thì người giàu 1 quan 2 tiền, người vừa thì 6 tiền, người nghèo 3 tiền, người làng khác thì gấp đôi".
Chỉnh đốn việc tang, nhà vua phân tích: "Sách Truyện nói: "Việc lễ xa phí quá, thà tiết kiệm thì hơn". Gần đây dân làng có người đặt ra khoán lệ quá nặng, nhà người có tang ăn uống kể đến mấy lần, cỗ bàn phải có nhiều món, danh là báo hiếu, thực là nợ miệng, noi nhau thành thói, người giàu thì lấn lễ vượt phận để phô mẽ với người ta, người nghèo thì vay nợ đợ mình đến nỗi thất sở, việc tang tế thương nhau lại như thế sao?".
Do đó, nhà vua lệnh rằng: "Từ nay dân làng có tang thì làng xóm giúp nhau. Kẻ giàu thì giúp của, kẻ túng thì giúp sức, kẻ biết lẽ thì trông đỡ việc tang. Tế táng điếu phúng, hết thảy theo như Gia lễ của Chu Văn Công, khiến kẻ giàu biết có phận hạn, không quá xa hoa, kẻ nghèo tùy lực có không, không gắng theo tục; còn cỗ bàn ăn uống nhiều ít thì tùy ở nhà tang, không được vin lệ đòi hỏi". Tuy nhiên, vào giai đoạn sau của triều Nguyễn, các hủ tục cưới xin, tang ma vẫn mọc ra rườm rà, tốn kém, khiến dân nghèo vẫn phải khốn đốn như trong tập "Việc làng" mà Ngô Tất Tố phản ánh.
Lê Tiên Long