Chậm mặt bằng thi công 2 tuyến cao tốc qua Lạng Sơn

Chậm mặt bằng thi công 2 tuyến cao tốc qua Lạng Sơn
4 giờ trướcBài gốc
Thi công gói thầu EC01 cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Máy móc "đắp chiếu" chờ mặt bằng
Sau hơn một tuần phải đưa máy máy, thiết bị lên đồi cao để tránh nước lũ dâng lên do ảnh hưởng của bão Yagi, cuối tuần qua, hàng chục chiếc máy xúc, máy ủi, ô tô vận chuyển của nhà thầu Trung Thành đã trở lại thi công tại phân đoạn Km27+500 - Km38+000 thuộc gói thầu số EC01 dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Bão lũ quét qua đã làm thay đổi nhiều thứ ở công trường nhưng chỉ có một thứ duy nhất không thay đổi so với trước lúc bão đổ bộ là mặt bằng của hai dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Gói thầu EC01 cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài khoảng 10,5 km nằm trên địa bàn huyện Tràng Định (Lạng Sơn) được khởi công xây dựng từ đầu năm 2024 với mục tiêu chung của dự án là thông tuyến trong năm 2025, hoàn thành trong năm 2026. Tuy nhiên, với tiến độ giải phóng mặt bằng qua nhiều địa phương của tỉnh Lạng Sơn chậm như hiện nay, mục tiêu thông tuyến đường cao tốc nối Lạng Sơn đến Cao Bằng vào cuối năm 2025 trở nên khó khả thi.
"Theo cam kết của chính quyền địa phương, trong tháng 8/2024 sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng, đến cuối năm 2024 sẽ bàn giao toàn bộ 100% mặt bằng cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, hơn 6 tháng qua, riêng đoạn tuyến 10,5km của gói thầu EC01, chúng tôi mới nhận bàn giao được 1,2km mặt bằng (chưa đạt 10%), đáng nói là trong số 1,2 km này có đến 600 m là mặt bằng xôi đỗ", ông Phạm Thế Hưng - Chỉ huy trưởng gói thầu EC01 (nhà thầu Trung Thành) chia sẻ.
Ông Hưng cho biết, để đảm bảo tiến độ gói thầu EC01 theo kế hoạch sẽ phải bố trí khoảng 80 đầu máy, thiết bị và khoảng 200 nhân sự tổ chức thi công. Tuy nhiên, do không có mặt bằng thi công nên hiện nhà thầu mới huy động 25 nhân sự, 3 lu rung, 5 ô tô, 2 máy ủi, 3 máy xúc và vẫn đang phải thi công cầm chừng, máy móc thường xuyên rơi vào cảnh "đắp chiếu".
"Có những ngày máy móc, nhân sự chỉ làm được khoảng 3- 4 tiếng là phải nghỉ vì hết công địa thi công. Mặt bằng bàn giao chậm khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, anh em công nhân đều là những người ở nơi xa, dù nhiều ngày không có việc nhưng chúng tôi vẫn phải trả lương hàng tháng đầy đủ để giữ người, nếu không họ sẽ nghỉ hết", ông Hưng nói.
Đến nay, trên toàn tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tỉnh Lạng Sơn mới bàn giao mặt bằng được 16,168/51,8km (đạt 31,2 %)
Đại diện Công ty CP Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (doanh nghiệp dự án) cho biết, đến nay trên toàn tuyến chính quyền địa phương hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đã bàn giao được 51,533/93,35 km. Trong đó, tỉnh Cao Bằng bàn giao được 35,365/41,55km (đạt 85,11%), còn lại tỉnh Lạng Sơn đã bàn giao mặt bằng được 16,168/51,8km (đạt 31,2 %).
Không chỉ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, một dự án cao tốc lớn khác nằm trọn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là Hữu Nghị - Chi Lăng cũng đang chậm triển khai công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả (nhà đầu tư dự án) cho biết, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 60 km được khởi công từ cuối tháng 4/2024. Đến nay, chính quyền địa phương mới bàn giao mặt bằng được 12,68 km (khoảng 81,94 ha/557,82 ha, đạt 19,33%), nhưng mặt bằng có thể tiếp cận thi công trong phạm vi bàn giao mới đạt khoảng 70,03 ha (đạt 12,5%).
"Theo kế hoạch, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng phải hoàn thành tuyến chính vào cuối năm 2025 và hoàn thành toàn dự án trong năm 2026 nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng hiện nay đang rất chậm khiến chúng tôi rất lo lắng về tiến độ hoàn thanh dự án này", đại diện doanh nghiệp dự án chia sẻ.
Tại dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, chính quyền địa phương mới bàn giao mặt bằng được 12,68 km (khoảng 81,94 ha/557,82 ha, đạt 19,33%), nhưng mặt bằng có thể tiếp cận thi công trong phạm vi bàn giao mới đạt khoảng 70,03 ha (đạt 12,5%).
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Lý giải nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ giải phóng mặt bằng hai tuyến cao tốc trên địa bàn, trong báo cáo vừa gửi đến Bộ GTVT (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT), UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong thời gian qua, chỉ tiêu đất giao thông được Chính phủ phân bổ không đủ.
Cụ thể tại dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng còn thiếu 67,52ha, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh còn thiếu 160,5ha nên ảnh hưởng tới việc lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, do một số quy định mới ban hành trong các Luật, Nghị định liên quan đã dẫn tới sự thay đổi thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác nên cần có thời gian để thực hiện các thủ tục liên quan.
"Hiện nay UBND các huyện, thành phố đang tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhận tạm ứng và bàn giao trước mặt bằng để triển khai dự án; đồng thời hoàn thiện các thủ tục để trình HĐND tỉnh Lạng Sơn quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa sang mục đích khác trong tháng 9/2024", UBND tỉnh Lạng Sơn nêu rõ.
Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, chỉ tiêu đất giao thông còn thiếu (67,52ha) tại dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, hiện nay tỉnh Lạng Sơn đã chủ động rà soát, điều chỉnh, cân đối, bổ sung đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, tại dự án cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) còn thiếu khoảng 160,5ha.
Do vậy, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 160,5ha chỉ tiêu đất giao thông cho tỉnh Lạng Sơn để thực hiện dự án, bao gồm điều chuyển 120 ha chỉ tiêu đất giao thông giai đoạn 2021 - 2025 từ tỉnh Cao Bằng sang tỉnh Lạng Sơn và bổ sung thêm 40ha.
Trước đó, vào giữa tháng 8/2024, tại Văn bản 451/TB-UBND, Chủ tịch UBND Hồ Tiến Thiệu nêu rõ: "Trong khi chưa hoàn thành đầy đủ thủ tục hành chính cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định và TP.Lạng Sơn cần tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Đồng thời linh hoạt trong tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên giải phóng mặt bằng tại các mũi thi công theo kế hoạch đề xuất của doanh nghiệp dự án, các vị trí xây dựng cầu, hầm chui".
Đưa ra các nhiệm cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu UBND các huyện: Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định khẩn trương thực hiện di chuyển xong các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án; xây dựng các khu tái định cư đảm bảo có đất bố trí tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở chậm nhất ngày 30/9/2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối, chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khẩn trương nghiên cứu, thống nhất trình tự, thủ tục liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng để thực hiện dự án theo quy định; Sở Xây dựng tập trung thẩm định các dự án xây dựng khu tái định cư đảm bảo tiến độ khi các huyện trình…
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại nút giao QL3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.331 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng. Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tuyến cao tốc được triển khai theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 80 km/h, bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17 m đối với các đoạn thông thường và 13,5 m đối với các đoạn phức tạp. Dự án do tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty CP Xây dựng Công trình 568 là nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.
Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án gồm: 5.495 tỷ đồng (3.500 tỷ đồng ngân sách Trung ương, 2.000 tỷ đồng ngân sách địa phương); vốn nhà đầu tư thu xếp là 5.529 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT được thực hiện trên địa bàn các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP. Lạng Sơn. Trên tuyến bao gồm đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17 m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài 17 km, với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 14,5 m
Đình Quang
Nguồn GTVT : https://tapchigiaothong.vn/bao-dong-cham-mat-bang-thi-cong-2-tuyen-cao-toc-qua-lang-son-183240921183624351.htm