Với đặc điểm người cao tuổi là hệ vận động xương, cơ kém hơn người trẻ. Trong khi đó thời điểm Tết Nguyên đán hay có sự thay đổi về thời tiết nên dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, người cao tuổi cần giữ ấm, nhất là với những người có bệnh tim mạch, hô hấp. Đi lại cẩn thận, đề phòng tai nạn giao thông hay té ngã.
Với người cao tuổi bị mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… nhất thiết phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nếu trong dịp Tết, người cao tuổi mắc bệnh cần bố trí đi khám bệnh kịp thời, tránh tình trạng để bệnh quá nặng hoặc nguy hiểm mới tới bệnh viện.
Ngày Tết người cao tuổi cũng nên giữ thói quen sinh hoạt, cần luyện tập giúp cho cơ thể lưu thông khí huyết, giúp ăn ngon miệng. Mức độ luyện tập nên nhẹ nhàng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mình. Mỗi ngày nên luyện tập duy trì khoảng 30 phút. Buổi sáng không tập quá sớm, không tập quá nhiều dễ gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe. Duy trì giấc ngủ đều đặn, không thức quá khuya.
Do tuổi cao nên bộ máy tiêu hóa ở người cao tuổi bị suy giảm. Răng, các cơ nhai, dạ dày, ruột hoạt động kém, sự bài tiết các men tiêu hóa giảm, nên quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn kém hơn. Dịp Tết Nguyên đán, người cao tuổi cần chú ý ăn uống điều độ, không ăn quá nhiều bữa trong ngày nhưng cũng không bỏ bữa, không nên ăn nhiều thức ăn có chỉ số đường huyết cao như bánh kẹo, nước ngọt, các loại chè ngọt. Chế độ ăn đảm bảo năng lượng hợp lý, cân đối giữa chất bột đường, chất đạm, chất béo ăn đủ rau xanh và trái cây. Chế độ ăn hàng ngày có nhiều rau, củ, quả và giảm bớt thịt...
P.V.