Khoảng trống sau khai quật
Khai quật khảo cổ chỉ là bước đầu tiên trong chuỗi quy trình bảo tồn di sản. Nhưng trên thực tế, ở một số nơi, đây lại là bước… cuối cùng. Nhiều điểm khai quật, sau khi đoàn chuyên gia rút đi, việc bảo vệ hiện trường chưa được bảo quản và giám sát hiệu quả, để lại một khoảng trống trách nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Chiến – chủ khu đất phát hiện 2 thuyền cổ (ảnh chụp ngày 26/6). Ảnh: P. Sỹ
Từ câu chuyện của hai chiếc thuyền cổ ở Bắc Ninh và vấn nạn đào trộm cổ vật từng diễn ra ở khu di chỉ khảo cổ vườn chuối của Hà Nội, có thể thấy đang thiếu cơ chế rõ ràng về việc ai sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực khảo cổ sau khi khai quật kết thúc, đặc biệt là khi di tích chưa được xếp hạng.
Đối với hai chiếc thuyền cổ ở Bắc Ninh, ngoài biện pháp bảo vệ khoa học thì theo ghi nhận của phóng viên những ngày cuối tháng 6/2025, vẫn chưa có một biện pháp bảo vệ hiện trường cụ thể nào được triển khai. Hàng rào cảnh báo cũng chưa có, ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Khu vực khảo cổ, giờ đây chỉ còn một mình ông Nguyễn Văn Chiến (chủ đất) ngày đêm lặng lẽ trông coi, bất chấp việc bị dị nghị, thiệt hại kinh tế, thậm chí đối mặt với những nguy cơ mất an toàn vào ban đêm…
Chia sẻ về việc này, PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, điều này là một thiếu sót lớn trong công tác bảo tồn. “Di sản không tự bảo vệ được mình – nó chỉ sống khi chúng ta biết trân trọng. Việc không có biện pháp bảo vệ đồng nghĩa với việc chúng ta đang từng ngày, từng giờ đứng nhìn di sản ấy mai một. Và đó mới chính là điều khiến tôi day dứt nhất” - PGS. TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.
Còn nhà nghiên cứu Minh Đạo – Chi hội Di sản Văn hóa Hồng Châu (thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) cho rằng: Khi phát hiện chiếc thuyền cổ trong quá trình cải tạo ao, ông Nguyễn Văn Chiến đã lập tức dừng việc thi công và nhanh chóng báo tin tới cơ quan chức năng. Như vậy, ông Chiến đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định pháp luật về di sản. Đây là một hành động cho thấy ý thức và thái độ rất có trách nhiệm với di sản văn hóa. Thế nhưng, thật đáng tiếc, đến nay ông vẫn đang trở thành người trông coi duy nhất ở khu di chỉ này.
Cần khung pháp lý và cơ chế hỗ trợ rõ ràng
Theo các chuyên gia, để chấm dứt tình trạng “phát hiện rồi bỏ ngỏ”, cần sớm có những điều chỉnh trong quy định quản lý di sản khảo cổ, đặc biệt là giai đoạn sau khai quật.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, trong bất kỳ công tác bảo tồn nào, việc đầu tiên không phải là khoanh vùng bằng những bản đồ hay biên bản hành chính, mà là khoanh vùng bằng trách nhiệm – trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, có người đứng tên, có nguồn lực đi kèm. Với khu khảo cổ đặc biệt này, cơ quan chức năng cần khẩn trương thiết lập một phương án bảo vệ cấp thiết ngay từ hiện tại.
Từ những biện pháp cơ bản như dựng hàng rào tạm, đặt biển báo, đến việc bố trí nhân sự bảo vệ, phối hợp với chính quyền sở tại và Công an địa phương để kiểm soát các nguy cơ xâm hại. Nhưng quan trọng hơn, theo ông Sơn phải xây dựng lộ trình bảo tồn, hướng tới xây dựng điểm tham quan, giáo dục văn hóa lịch sử cho người dân.
Còn đối với người dân đã chủ động dừng khai thác lợi ích kinh tế, thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng và tình nguyện trông coi di sản suốt thời gian qua, họ xứng đáng được tôn vinh, hỗ trợ và đồng hành.
Đồng quan điểm, theo nhà nghiên cứu Minh Đạo, từ câu chuyện của ông Nguyễn Văn Chiến – người nông dân phát hiện thuyền cổ ở Bắc Ninh, hay tình trạng đào trộm cổ vật từng xảy ra tại khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, có thể thấy rõ lỗ hổng trong công tác bảo vệ di sản sau khai quật. Việc thiếu các quy định chặt chẽ trong giai đoạn hậu khai quật đang dẫn đến nguy cơ những tầng văn hóa quý giá bị xâm hại, thậm chí biến mất vĩnh viễn.
“Chính vì vậy, rất cần thiết phải ban hành những quy định cụ thể về giám sát, bảo vệ di sản sau khai quật, đồng thời quy trách nhiệm rõ ràng. Trong đó, vai trò chủ đạo thuộc về chính quyền địa phương nơi phát hiện di tích” – ông Đạo nêu quan điểm.
Khi di sản chờ được công nhận
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng, không chỉ riêng hai chiếc thuyền cổ được phát lộ ở Bắc Ninh, mà nhiều di chỉ khảo cổ khác được phát hiện một cách ngẫu nhiên (không nằm trong kế hoạch khai quật) cũng rơi vào tình trạng tương tự – sau khi phát hiện, công tác bảo tồn, bảo quản gặp nhiều vướng mắc, rồi cuối cùng dẫn đến bị xâm hại. Không chỉ các di sản mới khảo cổ mà ngay cả những di tích đã được xếp hạng cũng bị xâm hại.
Vì vậy, trách nhiệm đầu tiên trong công tác bảo vệ di tích, di sản thuộc về chính quyền. Trước khi tiến hành giao quản lý hay trông coi cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, cần phải xác định rõ căn cứ pháp lý, cụ thể là điều khoản nào của Luật Di sản văn hóa được áp dụng trong trường hợp đó. Trong bối cảnh các cơ quan chức năng chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý rõ ràng để triển khai các biện pháp cụ thể, việc vận dụng linh hoạt những quy định hiện có là hết sức cần thiết, nhằm kịp thời tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ di tích, di sản” - GS Giang nhấn mạnh. P.Sỹ
Phạm Sỹ