Chán ăn, buồn nôn: tưởng viêm dạ dày hóa ra ung thư thận giai đoạn muộn

Chán ăn, buồn nôn: tưởng viêm dạ dày hóa ra ung thư thận giai đoạn muộn
5 giờ trướcBài gốc
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
L.A, một cô gái trẻ, 23 tuổi, đã trải qua một hành trình đầy cam go khi phát hiện mình mắc phải căn bệnh ung thư thận ở giai đoạn muộn.
Khởi đầu với những triệu chứng tưởng chừng như bình thường nên L.A đã chủ quan bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo. Trong vòng 2 tháng, cô sút gần 4 kg, thường xuyên cảm thấy chán ăn và buồn nôn. Ban đầu, cô nghĩ rằng đây chỉ là hậu quả của chứng viêm dạ dày trào ngược và cố gắng "sống chung với lũ". Chỉ đến khi tình trạng nôn trở nên nghiêm trọng, gia đình mới đưa cô đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ đã phát hiện L.A mang trong mình một khối u thận khổng lồ, nặng hơn 1.000 gram. Kết quả chụp cắt lớp ổ bụng cho thấy khối u có kích thước lên đến 16cm, với chồi u đã xâm lấn vào tĩnh mạch chủ dưới - dấu hiệu của giai đoạn muộn bệnh ung thư biểu mô tế bào thận (RCC).
Trước tình huống này, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, cùng đội ngũ bác sĩ đa chuyên khoa của Bệnh viện Bạch Mai đã nhanh chóng lên kế hoạch điều trị. Họ quyết tâm giành lại sự sống cho cô gái trẻ với tương lai còn dài phía trước.
Quá trình điều trị được chia làm hai giai đoạn chính. Giai đoạn đầu tập trung vào việc cải thiện thể trạng của bệnh nhân, nâng cao chức năng các cơ quan như gan, thận, tim, phổi. Sau 2 tuần chăm sóc dinh dưỡng tích cực, L.A đã tăng được 2 kg. Tiếp theo, các bác sĩ tiến hành nút động mạch thận phải để giảm kích thước khối u, chuẩn bị cho cuộc đại phẫu sắp tới.
Ở giai đoạn 2, các bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt triệt căn thận phải để loại bỏ hoàn toàn khối u. Đây được xác định là một “trận đánh lớn”, đòi hỏi “ra quân tổng lực” với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa nhằm đảm bảo kết quả an toàn cao nhất cho người bệnh.
Ngày 5/6/2024, ca phẫu thuật quan trọng diễn ra với sự tham gia của một đội ngũ bác sĩ đa chuyên khoa giàu kinh nghiệm. Cuộc mổ kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ, đòi hỏi sự tập trung cao độ và kỹ năng điêu luyện của các phẫu thuật viên. Họ phải vượt qua nhiều thách thức, từ việc bóc tách trọn vẹn khối u khổng lồ đến loại bỏ hoàn toàn phần chồi u xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới, đồng thời phải đảm bảo an toàn cho người bệnh trước nguy cơ tắc mạch phổi.
Ca phẫu thuật đã thành công ngoài mong đợi. Chỉ sau 24 giờ, L.A đã có thể ăn uống trở lại và dần hồi phục. Sau 3 tháng, vào ngày 5/9, khi tái khám, các chỉ số sức khỏe của cô đã trở về mức bình thường. Không còn cảm giác đau tức hay buồn nôn, L.A đã có thể trở lại cuộc sống thường ngày và đi làm bình thường.
Hiện tại, sau gần 4 tháng điều trị, L.A tiếp tục được theo dõi và điều trị bằng liệu pháp miễn dịch theo chu kỳ 21 ngày/đợt dưới sự chăm sóc của Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu. Đáng mừng là cô không gặp phải tác dụng phụ nào đáng kể, dung nạp thuốc tốt và đã quay trở lại làm việc tại một cơ quan nhà nước.
Bảo Long
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chan-an-buon-non-tuong-viem-da-day-hoa-ra-ung-thu-than-giai-doan-muon-396721.html