Kiểm tra Viện Thẩm mỹ 108 Hà Nội-cơ sở Gia Lai. Ảnh: N.N
Theo đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận được phản ánh về tình trạng vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo tại các cơ sở phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ, đặc biệt là vi phạm tại các cơ sở làm đẹp. Đây là các cơ sở được cấp giấy phép kinh doanh nhưng không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, các cơ sở này thực hiện các dịch vụ kỹ thuật thuộc lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh hoặc khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi cho phép, quảng cáo không đúng quy định gây hiểu nhầm đối với người dân dẫn đến nhiều tai biến, biến chứng xảy ra.
“Cá biệt, có cơ sở làm đẹp cố ý đặt tên giống với tên của cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động nhưng khác về địa điểm kinh doanh. Có hiện tượng mạo danh bác sĩ bệnh viện để lừa đảo người dân. Thậm chí, các đối tượng giả mạo thường xuyên tạo ra các fanpage lấy tên bác sĩ bệnh viện để quảng cáo, gây nhầm lẫn cho người đến khám và điều trị”, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh.
Để chấn chỉnh những vi phạm này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phốtăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và quảng cáo tại các cơ sở phẫu thuật, tạo hình thẩm mỹ và làm đẹp trên địa bàn. Khi phát hiện sai phạm, cần xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu, Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa về phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ đã được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn.
Thu Trang