Chặn đứng lãng phí tài sản công

Chặn đứng lãng phí tài sản công
3 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Bài cuối: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau
Một kỷ nguyên mới của dân tộc đang mở ra và một trong những “chìa khóa” để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, tận dụng và tập trung mọi nguồn lực cho sự phát triển của đất nước được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lên là triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác phòng, chống lãng phí.
Trong số các giải pháp trọng tâm nhằm chống lãng phí, một điểm then chốt được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đầu tiên, đó là xếp lãng phí tương đương với tham nhũng, tiêu cực và do vậy, đấu tranh phòng, chống lãng phí cũng là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp. Quan điểm này khẳng định lại việc nhận diện lãng phí “gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.
Vì vậy, trước hết cần lan tỏa sự thống nhất trong nhận thức về chống lãng phí tới từng cán bộ, đảng viên, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cùng với đó, cần xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong công tác chống lãng phí gắn với công việc cụ thể mà cá nhân đó đảm nhiệm, qua đó có thể kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm. Tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, khi xảy ra thất thoát, lãng phí thì không biết “đầu ai có tóc”.
Ở đây, gắn trách nhiệm cá nhân trong công tác chống lãng phí cũng là cách để tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc gây lãng phí nguồn lực tài sản công của tổ chức, đơn vị. Nên nhớ, lãng phí không chỉ là sử dụng hoang phí, không tiết kiệm các nguồn lực, mà còn là sự quan liêu, thờ ơ, tắc trách ở mỗi cá nhân.
Chúng tôi cũng tâm đắc với một giải pháp nữa được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lên nhằm chống thất thoát, lãng phí tài sản công, đó là quan điểm “vừa xây, vừa chống”. Kế thừa chủ trương này trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vốn đã đạt được những kết quả to lớn và được nhân dân đồng tình ủng hộ trong thời gian vừa qua, chống lãng phí cũng đang hướng tới việc hoàn thiện thể chế song hành với xử lý nghiêm hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản công.
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí. Điển hình là thể thế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”, gần đây nhất, ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quốc hội cũng đã thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và năm 2013…
Tuy nhiên, từ thực tiễn lãng phí vẫn như chiếc mỏ neo níu kéo con thuyền phát triển của đất nước, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí; xây dựng cơ chế thực sự hữu hiệu cho giám sát, phát hiện lãng phí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân. Bên cạnh đó, ban hành quy định của Đảng nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên…
Đặc biệt, quan điểm xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây lãng phí lớn tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực” cần phải chuyển biến thành hành động cụ thể. Cứ lấy bài học kinh nghiệm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ rõ, rất nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao đã bị xử lý vi phạm theo tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể đó là ai”, cụ thể hóa chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng vốn trước đó chỉ dừng lại ở việc phát hiện, xử lý “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” vi phạm quy định về chống tham nhũng, tiêu cực.
Nếu như chúng ta xếp lãng phí ngang hàng với tham nhũng, tiêu cực, liệu đã đến lúc nổi một “lò lửa” mới?
Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối vừa được khánh thành đúng dịp Quốc khánh 2/9/2024, lập kỷ lục về tiến độ thi công nhưng vẫn bảo đảm chất lượng công trình cả về kỹ - mỹ thuật và không đội vốn. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Sau cùng, để xây dựng và lan tỏa văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”, rất cần vai trò tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” nhằm nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong mọi công việc, nhiệm vụ. Với chống lãng phí cũng vậy, Người nhiều lần nhấn mạnh: “Phải quý của công: Tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của các cô, các chú là mồ hôi, nước mắt của đồng bào. Phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí”.
Với việc xác định lãng phí, nhất là ở khu vực công, đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển của đất nước, hơn lúc nào hết, chúng ta cần sự nêu gương của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống loại “giặc nội xâm” này. Lúc này, có lẽ cũng cần cảnh báo về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên: “Ai không làm thì đứng sang một bên”, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn luôn đốc thúc. Đó chính là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, của mỗi người với vận hội mới của đất nước, của dân tộc.
Trung Sơn
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/goc-nhin/chan-dung-lang-phi-tai-san-cong-20241027092531375.htm