Ông Boris Epshteyn (thứ tư từ trái sang), trợ lý đặc biệt của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh: The New York Times
Dẫn lời của bốn nguồn tin thân cận, tờ New York Times cho biết hôm 15/11, trong chuyến bay tới Washington để gặp trực tiếp Tổng thống Joe Biden, chiến lược gia đảng Cộng hòa, luật sư và đồng minh lâu năm của ông Trump, ông Epshteyn đã tự ứng cử vào một công việc khó khăn là làm trung gian hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Ông Epshteyn, sinh năm 1982 tại Nga và sống tại đó khi còn nhỏ, không có kinh nghiệm về chính sách đối ngoại. Ông từng là cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của ông Trump vào năm 2016.
Theo nguồn tin, một số người trên chuyến bay đã tỏ ra rất sốc trước ý tưởng bổ nhiệm ông Epshteyn vào một vị trí ngoại giao nhạy cảm. Ngoài việc thiếu kinh nghiệm ngoại giao, ông còn đang bị truy tố về việc can thiệp cuộc bầu cử năm 2020 tại Arizona. Nguồn tin thứ năm nắm rõ sự việc khẳng định những quan chức trên chuyến bay đã phản ứng tích cực về ý tưởng này và đề xuất cách thức thực hiện điều đó.
Ông Trump đã lắng nghe và không bác bỏ đề xuất, song ông vẫn chưa đưa ra quyết định. Ông Trump đã trao cho cố vấn Epshteyn quyền lực mạnh mẽ và luôn thể hiện sẵn lòng lắng nghe các đề xuất của ông. Ngay cả người giàu nhất thế giới, Elon Musk, người đã tham gia nhiều cuộc họp chuyển giao trong tuần qua, cũng nhận xét rằng ông vô cùng ngạc nhiên khi ông Epshteyn được trao nhiều thẩm quyền như vậy.
Ông Epshteyn từ chối bình luận về vấn đề này và người phát ngôn của ông đã không trả lời yêu cầu bình luận qua email.
Ông Epshteyn đã rút khỏi vị trí trợ lý giám đốc truyền thông Nhà Trắng vào năm 2017 vì những vấn đề liên quan đến quyền miễn trừ an ninh. Ông đã nói với bạn bè trước cuộc thảo luận với tư cách là đặc phái viên rằng ông dự định sẽ đứng ngoài chính phủ với tư cách là cố vấn cho ông Trump.
Mặc dù một số người thân cận với ông Trump không có thiện cảm với ông Epshteyn, nhưng không có ai trong chính quyền của tổng thống đắc cử nghi ngờ mức độ ảnh hưởng của vị luật sư này tại thời điểm hiện tại. Ông Epshteyn đã nhanh chóng trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất trong những ngày đầu của quá trình chuyển giao quyền lực, dù không đảm nhiệm vai trò chính thức nào trong đó. Ông Epshteyn là cố vấn quan trọng cho ông Trump, bao gồm cả việc định hình một số lựa chọn nhân sự và nội các.
Trong 2 ngày liên tiếp trong tuần này, ông Epshteyn đã giúp ông Trump tập hợp một đội ngũ nhân sự cho Bộ Tư pháp - gồm những người trung thành và ba luật sư riêng.
Ông Epshteyn (trái) và ứng viên vị trí Bộ trưởng Tư pháp Matt Gaetz. Ảnh: Politico
Ông Epshteyn cũng đã thể hiện quyền lực theo những cách khác. Theo hai nguồn thạo tin, ông Epshteyn đã có vai trò khi Tổng thống đắc cử dành vị trí cố vấn Nhà Trắng cho William McGinley.
Ông cũng là người thực hiện một trong những động thái táo bạo nhất cho đến nay. Ông là người ủng hộ quan trọng đằng sau quyết định của ông Trump khi đề xuất nghị sĩ Matt Gaetz của bang Florida cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp. Ông Epshteyn đã trình bày lập luận trên chuyến bay khứ hồi của ông Trump từ West Palm Beach (Florida) đến Washington hôm 13/11.
Ông Epshteyn đã thảo luận về những lựa chọn khác trước đó, bao gồm cả luật sư Robert Giuffra. Nhưng khi ông Gaetz xuất hiện như một lựa chọn, ông Epshteyn đã thúc đẩy mạnh mẽ cho lựa chọn đó.
Ông Epshteyn cũng là một trong những cố vấn pháp lý hàng đầu của ông Trump. Trong nhiều năm qua, vị luật sư này đã kêu gọi chiến lược pháp lý mạnh mẽ cho thân chủ của mình. Ông là một trong những luật sư khuyến khích ông Trump trì hoãn các phiên tòa xét xử mình càng lâu càng tốt, đẩy chúng đến gần hoặc sau cuộc bầu cử để không còn khả thi về mặt chính trị.
Dù được đánh giá là rất khó khăn và tốn kém, nhưng cuối cùng, chiến lược này đã thành công trong việc ngăn ông Trump bị kết án trong phiên tòa hình sự lịch sử.
Dù được trao bất kỳ chức danh nào - cho dù đó là “cố vấn”, “trợ lý” hay một cái tên nào khác, thì ảnh hưởng của ông Epshteyn trong chính quyền của ông Trump có thể sẽ tồn tại lâu dài.
Ông Epshteyn cũng đã hỗ trợ tác động đến một đề xuất - được ghi lại trong bản ghi nhớ được lưu hành ở các cấp cao nhất trong chính quyền của ông Trump, đó là kêu gọi sử dụng các thám tử tư để kiểm tra lý lịch của các nhân viên mới, bỏ qua quy trình truyền thống của FBI. Sau đó, Tổng thống đắc cử sẽ cấp cho hầu hết họ quyền miễn trừ an ninh ngay khi nhậm chức.
Hiện chưa biết kế hoạch về quyền miễn trừ đó là gì, nhưng một số cố vấn của ông Trump dự đoán Tổng thống đắc cử sẽ tận dụng những gì được đề xuất để xây dựng chính quyền mới.
Hải Vân/Báo Tin tức (Theo NYT, Sputnik)