Cô nổi bật với khả năng sử dụng song song tiếng Quan Thoại và tiếng Anh, chuyển đổi linh hoạt trong các phiên đấu giá quốc tế. Ảnh: Christie's.
Nếu nhắc đến “nữ hoàng đấu giá” trong giới nghệ thuật Trung Hoa, cái tên Liang-lin Chen chắc chắn sẽ được xướng lên đầu tiên. Là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng phòng Kinh doanh Bộ phận Gốm sứ và Tác phẩm Nghệ thuật Trung Hoa tại Christie’s Hong Kong (Trung Quốc), mỗi nhát búa của cô đánh dấu những thương vụ trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu NDT.
Với phong thái tự tin, chuyên nghiệp, Chen kết hợp nét duyên dáng với quyền uy, tạo nên một dấu ấn khó phai trong các phiên đấu giá.
Người phụ nữ quyền lực sau chiếc sườn xám
Một trong những điểm nổi bật của Liang-lin Chen là khả năng sử dụng song song tiếng Quan Thoại và tiếng Anh. Khi cuộc chiến giá thầu giữa các nhà sưu tập quốc tế trở nên gay cấn, cô dễ dàng chuyển đổi giữa 2 ngôn ngữ để xác nhận từng lượt ra giá, khiến cả khán phòng phải trầm trồ.
“Trong một phiên đấu giá, mọi thứ có thể thay đổi trong chớp mắt. Người đấu giá cần đọc vị từng khách hàng, chọn đúng ngôn ngữ và kiểm soát nhịp độ cũng như không khí của sự kiện”, cô chia sẻ với Lianhe Zaobao.
Chen sinh ra tại Đài Loan (Trung Quốc), tốt nghiệp ngành sinh học tại Đại học Cornell (Mỹ) và từng không nghĩ sẽ theo đuổi nghệ thuật. Bước ngoặt đến vào mùa hè sau tốt nghiệp, khi cô làm tình nguyện viên tại Bảo tàng Cung điện Quốc gia ở Đài Bắc (Trung Quốc). Tại đây, cô được tiếp xúc gần với các kiệt tác Trung Hoa và bắt đầu nuôi dưỡng con mắt thẩm mỹ.
Sau khi hoàn thành thạc sĩ tại Christie’s Education ở London, Chen gia nhập Christie’s vào năm 2010. Ảnh: Elle China.
Niềm đam mê này đưa cô đến Anh, theo học thạc sĩ tại Christie’s Education ở London (Anh) trước khi gia nhập Christie’s Hong Kong năm 2010. Gắn bó hơn 16 năm với nhà đấu giá danh tiếng, Chen cho biết chính trải nghiệm thực tế và đồng nghiệp giàu kinh nghiệm đã giúp cô trau dồi kỹ năng thẩm định và định giá nghệ thuật.
Dù được biết đến với vai trò người đấu giá, công việc chính của Chen tại Christie’s là chuyên gia về gốm sứ và nghệ thuật Trung Hoa. Cô phụ trách xúc tiến bán và quảng bá các tác phẩm từ thời kỳ đồ đá mới đến thời Dân Quốc.
Trên bục đấu giá, cô toát lên phong thái tự tin và cuốn hút với ánh mắt sắc sảo, giọng nói mượt mà và cách điều phối linh hoạt. Chiếc sườn xám cô mặc không chỉ tạo dấu ấn thanh lịch mà còn thể hiện niềm tự hào văn hóa trong một lĩnh vực vốn ít bóng dáng nữ giới.
“Chiếc sườn xám đầu tiên của tôi được may tại Đài Bắc cùng mẹ”, cô kể. Những câu chuyện mẹ kể về bà ngoại, người từng mặc sườn xám mỗi ngày, khiến đấu giá viên cảm nhận được sự kết nối sâu sắc với lịch sử gia đình. Với cô, trang phục này như sợi dây gắn kết giữa quá khứ và hiện tại.
Cô chia sẻ rằng mỗi phiên đấu giá là một bài học, đôi khi khiến cô nản lòng, nhưng cũng dạy cô sự khiêm tốn và mang lại phần thưởng xứng đáng.
Không chỉ 'gõ búa'
Theo Chen, công việc đấu giá không chỉ là kêu giá và gõ búa. Đằng sau đó là quá trình chuẩn bị công phu, từ chọn tác phẩm, đàm phán, nghiên cứu, chụp ảnh, viết catalogue đến triển lãm và tổ chức buổi đấu giá.
“Khi người gửi bán tin tưởng giao phó bộ sưu tập, chúng tôi có trách nhiệm làm mọi thứ để giữ lời hứa”, cô khẳng định.
Trong số những phiên đấu giá đáng nhớ nhất của nữ đấu giá viên là Cosmic Essence: Archaic Jades from The Lantien Shanfang Collection diễn ra vào mùa thu năm 2024. Phiên đấu giá này đạt tỷ lệ bán 100%, với tổng giá trị vượt gần 600% so với ước tính thấp nhất. Chen tham gia vào toàn bộ quy trình, từ lập danh mục đến tổ chức triển lãm.
Liang-lin Chen đã yêu thích những tác phẩm nghệ thuật từ bé, khi đi thăm bảo tàng cùng bố mẹ. Ảnh: SCMP.
Nổi bật trong phiên đấu giá là ngọc bích Jade Openwork ‘Longevity’ Bi thời Đông Hán, được bán với giá 3.251.934 USD, gấp 25 lần ước tính ban đầu, hay White Jade Dragon-Head Ladle, đạt mức giá 2.861.263 USD, gấp 44 lần dự đoán. Tổng cộng, phiên đấu giá mang về 27.738.067 USD, khẳng định tài năng và sức hút của Chen trên sàn đấu giá.
Để duy trì thành công trong thị trường nghệ thuật luôn biến động, "nữ hoàng đấu giá" liên tục cập nhật xu hướng, phân tích kết quả đấu giá, nghiên cứu học thuật và duy trì kết nối chặt chẽ với các nhà sưu tập. Cô không chỉ theo sau mà còn chủ động định hình thị trường.
Tại Christie’s, Chen tập trung vào thị trường Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan. Ngoài công việc, cô duy trì sự cân bằng nhờ các sở thích như leo núi, đọc sách, du lịch và tìm hiểu y học cổ truyền.
Trên sàn đấu giá, cô luôn giữ sự minh bạch và công bằng, xử lý tình huống linh hoạt, từ việc phân định bảng giơ tay cho đến cách kéo dài thời gian khi chưa có giá thầu, nhằm giúp người mua có thêm thời gian cân nhắc.
“Đôi khi, chỉ cần thêm một chút thời gian để nhìn ra giá trị thật sự của tác phẩm”, nữ đấu giá viên cho biết.
Như Phương