Các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, sâu lắng, khắc họa đậm nét hình ảnh quê hương Thái Nguyên.
Đêm nghệ thuật gói trọn hồn quê hương
Đêm nghệ thuật “Thái Nguyên - Niềm tin và khát vọng” là điểm nhấn văn hóa tinh tế giữa thời khắc lịch sử của đất nước nói chung, của Thái Nguyên nói riêng. Dưới bàn tay tài hoa của Nghệ sĩ Ưu tú Mai Thanh và đạo diễn Lê Văn Kết, chương trình 150 phút là bản giao hưởng của gần 20 tiết mục ca, múa, nhạc được dàn dựng công phu, giàu ý nghĩa được thể hiện bởi hơn 120 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên đến từ Thái Nguyên và Bắc Kạn. Mỗi tiết mục là một lát cắt ký ức, một nốt trầm sâu lắng hay một khúc cao trào rực rỡ, vẽ nên bức tranh đa tầng về Thái Nguyên - Bắc Kạn hôm qua, hôm nay và mai sau.
Từ “Ngời sáng niềm tin” đến “Thái Nguyên tình đất mẹ”; từ “Huyền thoại Hồ Núi Cốc” đến “Mê mẩn Hồ Ba Bể”; từ những giai điệu ngân vang của “Lời nhắn nhủ” hát Then đàn Tính, đến điệu múa “Sương sớm xứ Trà” đầy thơ mộng, tất cả hòa quyện như một dòng chảy ký ức, đong đầy chất liệu văn hóa, bản sắc dân tộc. Từng ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước đổi mới vang lên giữa khán phòng như ôm trọn lấy trái tim khán giả, hòa quyện cùng những điệu múa uyển chuyển, đã khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương trong lòng mỗi người.
Đặc biệt, sự hiện diện của các diễn viên đến từ Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn cùng Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Thái Nguyên như một biểu tượng sống động của sự gắn bó keo sơn giữa hai vùng đất từng chia tách nhưng chưa bao giờ rời xa trong lòng dân, trong máu thịt lịch sử.
Diễn viên múa Nguyễn Vân Anh, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ trong hậu trường với đôi mắt vẫn còn ánh lên sự xúc động: Có lẽ suốt chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình, tôi sẽ không bao giờ quên được đêm diễn này. Không chỉ là biểu diễn, chúng tôi những nghệ sĩ đến từ Thái Nguyên và Bắc Kạn đã thực sự sống trong từng nhịp trống, từng động tác múa, từng lời ca vang lên trên sân khấu. Mỗi tiết mục không đơn thuần là một phần trình diễn, mà là một mảnh hồn của quê hương được trao gửi. Tự hào, hạnh phúc và cũng đầy áp lực, bởi chúng tôi hiểu rằng mình đang đứng giữa một thời khắc không lặp lại, một khoảnh khắc được viết vào lịch sử bằng chính trái tim của nghệ thuật.
Nổi bật giữa những mảng màu nghệ thuật là màn trình diễn áo dài “Khơi nguồn” của nhà thiết kế Hàn Phượng, tà áo truyền thống không chỉ uyển chuyển theo bước chân nghệ sĩ mà còn mang theo cả chiều sâu văn hóa của người phụ nữ Việt Bắc. Ở đó, khán giả không chỉ thấy dáng hình người mẹ, người chị lặng lẽ tảo tần, mà còn thấy ánh mắt kiêu hãnh, khát vọng vươn xa của những người đang sống, đang dựng xây quê hương từng ngày.
Một tiết mục đặc sắc trong chương trình.
Giữa dòng cảm xúc của đêm nghệ thuật, những người trẻ như Nguyễn Quỳnh Anh, sinh năm 2006, quê ở phường Đồng Bẩm đã có những trải nghiệm không thể nào quên: Em chưa từng thấy Thái Nguyên mình được kể một cách đẹp đến thế. Không chỉ là những con số hay bản đồ hành chính, mà là cảm xúc, là lịch sử sống động, là những con người bình dị vươn lên từ gian khó. Em cảm thấy mình được tiếp thêm động lực và thấy rõ hơn trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc góp sức vào một Thái Nguyên mới phát triển và hiện đại hơn.
Cùng chung xúc cảm ấy, Nguyễn Thị Thanh, ở phường Bắc Kạn lần đầu tiên tham dự một chương trình nghệ thuật quy mô tại Thái Nguyên chia sẻ: Tôi thực sự tự hào vì được chứng kiến thời khắc thiêng liêng này. Sự hợp nhất lần này không giống một sự quay về, mà là sự tiếp nối, nâng tầm. Người Bắc Kạn chúng tôi tin rằng, trong ngôi nhà chung Thái Nguyên mới, tiếng nói và bản sắc của chúng tôi vẫn sẽ được trân trọng, phát huy.
Khúc dạo đầu của một chương sử mới
Trong phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, gửi đi một thông điệp đong đầy cảm xúc và quyết tâm chính trị mạnh mẽ: Từ ngày 01/7/2025, tỉnh Thái Nguyên bước vào một giai đoạn phát triển mới với quy mô rộng lớn hơn, nguồn lực dồi dào hơn, khát vọng mãnh liệt hơn và trách nhiệm cũng cao hơn... Việc hợp nhất không chỉ là điều chỉnh địa giới hành chính mà còn là sự hòa quyện về lịch sử, văn hóa, con người và khát vọng phát triển.
Lời phát biểu như lời hiệu triệu về một tương lai mới mẻ, rạng ngời đang mở ra trước mắt. Không khí trang trọng của đêm nghệ thuật cũng trở nên ấm áp hơn khi những tràng pháo tay kéo dài không ngớt như tiếng lòng của nhân dân, đồng thuận và đặt trọn niềm tin vào sự lựa chọn của lịch sử.
Từ Bắc Thái xưa đến sự sáp nhập Thái Nguyên - Bắc Kạn hôm nay, dường như mọi thứ đã được sắp đặt rất hữu duyên. Đó là hành trình trở về để tiếp tục đi xa, là khởi đầu mới của một chương vở hào hùng hơn, hiện đại hơn, vững bền hơn.
Sự kiện hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn không chỉ là cột mốc về hành chính, mà là cơ hội lớn để tối ưu hóa bộ máy, phát huy nguồn lực và tạo ra cú hích cho phát triển toàn diện. Với mô hình chính quyền hai cấp, 92 đơn vị hành chính cấp xã, phường được sắp xếp tinh gọn, hợp lý, tỉnh Thái Nguyên mới hứa hẹn sẽ vận hành thông suốt và hiệu quả ngay từ những ngày đầu tiên.
Không chỉ vậy, điều khiến người dân cảm nhận rõ rệt chính là sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của bộ máy lãnh đạo hai tỉnh. Những cán bộ sẵn sàng rời nhiệm vụ trước thời hạn, những nhân sự được chọn lựa kỹ càng cho vị trí mới, tất cả đang cho thấy quyết tâm xây dựng một Thái Nguyên phát triển thực chất, chứ không chỉ trên giấy tờ.
Trong đêm diễn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Loan phát biểu: Tôi xin trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ lãnh đạo, những người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp phát triển của hai tỉnh. Và đặc biệt, xin cảm ơn các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức đã chủ động sắp xếp công việc, rời nhiệm vụ công tác trước thời hạn theo quy định, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thái Nguyên hôm nay không chỉ là một thủ phủ công nghiệp, là vùng chè nổi tiếng, là miền đất học… mà còn là vùng đất giàu văn hóa, nơi giao thoa và tiếp biến nhiều giá trị truyền thống đặc sắc. Sự kiện đêm 30-6 chính là minh chứng sống động cho điều đó: khi mỗi ca từ, mỗi giai điệu đều chạm vào trái tim người xem, đánh thức trong họ tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc.
Anh Dương Hồng Minh, công dân phường Gia Sàng, không giấu được sự xúc động: Tôi tin vào quyết định hợp nhất. Bởi vì niềm tin là nền móng vững chắc cho mọi cuộc đổi thay. Lãnh đạo đã tính toán kỹ, nhân dân đồng thuận. Và văn hóa, nghệ thuật thông qua đêm diễn này chính là chất keo gắn kết mạnh mẽ nhất. Từ nay, chúng ta không còn là hai, mà là một trái tim, một khát vọng.
Chương trình thu hút đông đảo khán giả.
Khép lại chương trình, ca khúc “Việt Bắc sáng ngời” được vang lên bởi cả hai đoàn nghệ thuật như đang nhắc lại một thuở Bắc Thái xưa... Ở đó, khán giả như thấy lại bóng dáng cha ông đi mở đất, bóng dáng mẹ tảo tần bên nương chè, thấy những đứa trẻ mắt sáng, tóc nâu băng qua con dốc làng học chữ, và thấy cả chính mình hôm nay đang đứng giữa thời khắc giao hòa của hai miền ký ức.
Bản hợp ca “Việt Bắc sáng ngời” vang lên không phải chỉ để kết thúc, mà là để mở ra một hành trình mới. Tỉnh Thái Nguyên sau hợp nhất giờ đây không chỉ lớn hơn về địa giới hành chính, mà sâu hơn trong chiều văn hóa. Và trong hành trình đi tới, chúng ta cùng mang trong mình một niềm tin, tin vào một Thái Nguyên mới: phồn thịnh, nhân văn và hội nhập - nơi những khúc ca đẹp sẽ còn ngân dài trên hành trình kiến tạo tương lai.
Hoài Anh